ANTD.VN - Trong cuộc đời cầm bút, không ít nhà văn được vinh danh qua các giải thưởng văn học nghệ thuật. Mười người có mười cách ứng xử với giải thưởng khác nhau: người dành tiền mua laptop, người đi trả nợ, thậm chí có người mua vàng cất giữ, nhưng cũng có người làm từ thiện và có cả những người… không lấy.
Nhà phê bình Ngô Thảo
Từ chối giải thưởng
Năm 1995, Hội Nhà văn và Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi thơ về người phụ nữ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết 2 bài thơ dự thi với bút danh Nguyễn Hoàng Lê (bút danh trong thẻ nhà báo của ông) với mục đích muốn giấu tên để xem thái độ của Ban Giám khảo thế nào.
Một hôm ông cùng đi công tác với nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ và là Chủ tịch hội đồng chung khảo cuộc thi. Nghe ông chủ khảo nói giải Nhất của cuộc thi được trao cho bài thơ “Câu hỏi trước dòng sông” của mình, Nguyễn Quang Thiều bỗng dưng nảy ra ý nghĩ sẽ không xuất hiện nhận giải.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đến sát ngày trao giải, ban tổ chức không sao liên lạc được với Nguyễn Hoàng Lê. Buổi lễ trao giải vắng mặt người được giải cao nhất khiến nhiều bạn đọc tò mò muốn biết mặt thi sĩ mới xuất hiện trong làng thơ mà đã gặt hái được thành công. Sau nhiều năm tìm kiếm, chủ nhân của giải thưởng vẫn bặt vô âm tín, trong khi số tiền tặng thưởng thì trượt giá nhiều lần. Hơn 20 năm sau, tác giả Nguyễn Hoàng Lê mới lên tiếng qua một bài báo.
Khi vừa trải qua một “tai nạn nghề nghiệp” khủng khiếp trở về, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tham dự cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Tác phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển” đã vượt qua hàng nghìn “đối thủ” để giành giải Nhì. Nhưng vì một số lý do đặc biệt, tác giả đã viết một bản cam kết không nhận giải thưởng gửi đến ban tổ chức.
Không được trao giải, số phận bài thơ lại rẽ sang ngả khác vô cùng ngoạn mục, ngay sau đó đã được in trên nhiều tờ báo như một lời ngợi ca lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Một số nhạc sĩ đã phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích và Đài truyền hình Việt Nam còn có một chương trình lấy tên “Tổ quốc nhìn từ biển” để giao lưu cùng khán giả. Có lẽ với một người làm thơ, sức lan tỏa của tác phẩm trong lòng bạn đọc luôn quý giá hơn bất kỳ giải thưởng nào.
Comments