Báo Văn nghệ 8-1985
Ngô Thảo
Trong đời mỗi nhà văn, có được một tác phẩm làm cho bạn đọc rộng rãi chú ý đã là một hạnh phúc lớn. Vậy mà trong vòng 5 năm lại đây, Nguyễn Mạnh Tuấn có đến ba cuốn tiểu thuyết liên tục giành được sự chú ý của dư luận. Ngoài ra, anh còn là tác giả 5 tập truyện ngắn. Số lượng tác phẩm ấy trước hết nói lên năng suất cao của một cây bút trong hồi sung sức. So về số lượng, có thể anh chưa phải là người viết khỏe nhất. Nhưng, khi nhìn lại 10 năm, giữa bao nhiêu tên tuổi quen biết đang mờ dần đi, sự xuất hiện và tự khẳng định của một lớp người viết mới hăng hái, xông xáo đang thành một hiện tượng đáng mừng trong đời sống văn học. Trong lớp nhà văn mới, Nguyễn Mạnh Tuấn chắc chắn thuộc vào số không nhiều những cây bút được chú ý cả về số lượng và chất lượng.
Luôn cắm nguồn cảm hứng sáng tạo ở những vấn đề đời sống đang sôi nổi, gần như thời sự, từng thời kỳ, từng nơi,nghệ thuật của Nguyễn Mạnh Tuấn cũng trở nên chắc chắn, chững chạc và đạt được sự sâu sắc, thấu đáo hơn. Không chỉ đặt tiểu thuyết bên cạnh truyện ngắn. Mặc dầu 3 tập tiểu thuyết trong vòng 5 năm( Khoảng cách còn lại 1980, Đứng trước biển 1982 và Cù Lao Tràm 1984) tập nào cũng gây được dư luận cũng được bạn đọc ưa thích, điều rất đáng mừng là càng ngày, tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn càng chinh phục được lòng tin yêu và cả niềm kính trọng của một công chứng rộng rãi hơn, khó tính hơn.
So với hai tác phẩm trước, cũng vẫn trong đề tài thời sự, vẫn đề cập tới những vấn đề xã hội- kinh tế ở miền Nam sau giải phóng, ở Cù Lao Tràm Nguyễn Mạnh Tuấn- nhà văn cùng với sự xông xáo của người chiến sĩ ,ý thức trách nhiệm công dân, tính tích cực xã hội của người cầm bút trong nhìn đời sống và nhất là nhìn con người đã đạt tới một sự thấu đáo hơn trên nhiều phương diện và theo tôi đó mới là nét làm nên thành công riêng của Cù Lao Tràm
* *
*
Sau Khoảng cách còn lại viết về một vấn đề lớn của xã hội miền Nam sau ngày thống nhất, và Đứng trước biển viết về đề tài quản lý kinh tế ở thành phố, lần này, Nguyễn Mạnh Tuấn tập trung vào những vấn đề đang đặt ra ở nông thôn Nam Bộ trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, nghĩa là quá trình đưa nông thôn Nam Bộ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chắc chắn đây không phải là sáng tác đầu tiên về đề tài này. Nhưng không ít tác phẩm gây cho người xem ấn tượng đã đọc đâu đó, và những vấn đề này đã gặp ở một nơi nào đó, một thời kỳ nào đó đã qua. Cái làm cho Cù Lao Tràm mới mẻ và đọc đáo chính là sức mạnh phản ánh hiện thực của nhà văn. Trong Cù Lao Tràm, quá trình hợp tác hóa ở nông thôn Nam Bộ diễn ra với tất cả vẽ đặc sắc, riêng biệt của chính đời sống. Đây là mãnh đất vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh, giá đất quí hơn vàng mười, mỗi tấc đất từng thấm máu bao nhiêu lớp người cách mạng, quần chúng cách mạng từng sinh sản nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc bao nhiêu lớp cán bộ, chiến sĩ. Mà người nông dân Nam Bộ có những sắc thái riêng, tập quán riêng trong lối sống, lối nghĩ trộn lẫn cái hay và cái dở tạo nên nếp sống, cuộc sống lâu đời rồi. Tập trung câu chuyện xung quanh quá trình xây dựng đời sống mới ở một xã cù lao( đảo) ở miền Tây Nam Bộ, với lối văn phóng khoáng và giản dị, với một cấu trúc thoải mái và cố tình làm cho đơn giản, Cù lao Tràm gây cho người đọc sững sốt bởi chiều sâu và sự đa dạng của một đời sống được tái hiện không đơn giản mà đầy sức thuyết phục. Ở đây, năm Trà một cán bộ phong trào từ những năm khó khăn, giờ đã tốt nghiệp kỹ sư, là bí thư Chi bộ xã, tự tạo điều kiện đi tham quan cách làm ăn của mấy chục hợp tác xã tốt nhất trong cả nước, trở về đem vốn liếng, kinh nghiệm xây dựng lại quê hương. Chuyện bắt đầu từ lúc Năm Trà giành lại được chắc Bí thư Chi bộ xã suýt bị mất sau thời gian đi vắng và kết thúc sau một quá trình đấu tranh cực kỳ gay go và phức tạp để giành phần thắng cho đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng về nông thôn đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh nổ ra chủ yếu giữa Năm Trà và những cán bộ quần chúng trung kiên với một bên là Tư Hoan, bí thư huyện ủy, thực chất là một kẻ cơ hội và bè lũ chân tay do anh ta thao túng sắp đặt ở cơ sở. Tình thế không đơn giản khi những phân tử không xứng đáng ,bọn cơ hội nắm quyền chức lãnh đạo và điều hành. Thiếu năng lực, mệt mỏi và an phận, hoặc vì ích kỷ , vì mất lòng tin và nhuệ khí chiến đấu, một số cán bộ trung gian im lặng, né tránh hoặc thỏa hiệp, liên kết vô nguyên tắc với bọn cơ hội. Những người chân chính, vì thế, không chỉ cần dũng khí, tinh thần tiến công thường trực, mà còn phải biết phương pháp đấu tranh. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường phát triển ở nông thôn biến tướng vào trong cuộc đấu tranh nội bộ Đảng và chính quyền. Ở đây, quá trình chiến đấu từng người, sắc thái, động cơ cách mạng từng cá nhân, bản sắc địa phương trong cá tính người nông dân Nam Bộ, cơ cấu thành phần cán bộ và các từng lớp nhân dân ở một vùng đất đã nhiễm độc chủ nghĩa thực dân mới, góp phần chi phối và tạo nên nét riêng của cuộc đấu tranh. Truy kích mạnh mẽ chủ nghĩa cơ hội về chính trị, Nguyễn Mạnh Tuấn không quên chỉ ra sự tồn tại của nó một phần dựa vào và lợi dụng sự hạn chế về trình độ, thói thiển cận, cá tính lối anh hai mang màu sắc anh chị, bè đảng, cục bộ và địa phương. Nó còn dựa vào sự hèn nhát, thói nô lệ, thích xu nịnh, Nguyễn Mạnh Tuấn còn mạnh dạn tấn công vào những tập quán đã được coi là bất khả xâm phạm, đem nó ra phân tích, mổ xẻ, luận bàn như vai trò cải lương, lối sống anh hai… với những lập luận thẳng thắn, không khoan nhượng và có sức thuyết phục.
Đời sống nông thôn Nam Bộ được xới lật lên trên nhiều chiều không gian và thời gian làm sáng tỏ tính chất dữ dội của cuộc chiến đấu, trên đó nổi bật lên ngời sáng hình ảnh tuyệt đẹp của quần chúng cách mạng trong những hi sinh vô lượng, trong sự vị tha quên mình, trong tình cảm gắn bó thiết tha với cách mạng và niềm tin không lay chuyển ở Đảng ở cách mạng. Kính trọng và yêu thương vô cùng truyền thống và con người Nam Bộ, tác giả đau nổi đau lớn khi trong đội ngũ cách mạng có những kẻ cơ hội, thoái hóa, biến chất, trở thành vật cản, thế lực ngăn trở bước phát triển của cách mạng.
Vạch thẳng được những mặt tiêu cực, phản ánh được tính chất dữ dội của cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở một vùng đất nhiễm sâu sự ô nhiễm của chủ nghĩa thực dân mới, mà tác phẩm vẫn đầy sức lạc quan, yêu đời, trước hết do vị thế nhà văn trong đời sống. Thực tiễn phát triển cách mạng những năm qua có không ít những điều phức tạp. Đến nỗi có những nhà văn “ khôn ngoan đã sẵn, thông minh có thừa” mà tự đặt mình ra ngoài mọi sự tỏ thái độ. Hoặc im lặng, hoặc chỉ viết về những chuyện muôn thuở. Nhân danh sáng tác những giá trị lâu bền, những mặt hàng hoàn thiện, họ né tránh việc biểu lộ thái độ trước những bước đi cụ thế của đời sống. Nguyễn Mạnh Tuấn được quí trọng- cả những người không yêu mến cũng kính trọng- ở chỗ anh biết và dám xông thẳng vào trong những việc đầy rắc rối của đời sống, khám phá, phát hiện, phản ánh, tỏ thái độ. Chẳng phải mội ý kiến đều chín chắn. Còn không ít sự cứng nhắc của một người quá tự tin và chưa từng trải. Về mặt văn chương, còn khá nhiều sơ sót trong câu chữ, cú pháp. Lắm khi sự nôn nóng của người công dân muốn tham gia ý kiến vào các vấn đề xã hội cụ thể làm anh coi thường vị trí nhà văn, thế mạnh của văn học là hữu hiệu hóa những ý kiến đơn lẻ thông qua hình tượng nghệ thuật. Khá nhiều chi tiết của đời sống người nông dân Nam Bộ còn bị hiểu sai hoặc bỏ sót. Người đọc văn tinh tường thấy tác giả còn quá nhiều lời, cả lối lý sự chay của nhà văn chen với nhân vật… Nhưng bù lại, chính nhiệt tình với cuộc sống đã tạo nên sự nồng nhiệt của ngôn từ, của lập luận, tạo nên sự sinh động và sức lôi cuốn của tác phẩm.
Hơn thế, nhờ cái nhìn sáng tỏ và thấu đáo, trong mọi tình huống phức tạp, tái dựng sinh động mọi tình huống quyết liệt, tác giả vẫn giữ niềm tin yêu ở nhân vật tích cực mà anh hết lòng quí trọng. Thật ra, Năm Trà có phần thiếu cá tính. Lối nhìn , lối nghĩ, của Năm Trà- nhà văn hơn là một nhân vật chân thật, với tất cả bản sắc riêng- nhưng chị có sức lôi cuốn của một người cán bộ chân chính, ở lòng tận tụy với hạnh phúc nhân dân, ở niềm tin vào bản thân và vào Đảng, bởi sức mạnh biết khôn khéo và kiên quyết tấn công mọi thế lực cản trở đà đi lên của cuộc sống. Trong Năm Trà có vẻ đẹp người phụ nữ Nam Bộ lý tưởng. Chính phần đời tư làm cho hình tượng này trở nên vừa cao thượng vừa chân thật. Muốn làm một con người tốt, để tiếp tục là một người chân chính, trong đời sống hôm nay ngay cả khi có chức, có quyền, mỗi người phải biết tự nguyện chấp nhận những hi sinh nhất định. Mất đi niềm hạnh phúc của người cho, ru mình trong khoái cảm của kẻ chỉ biết nhận người ta trở thành kẻ thoái hóa lúc nào không biết.
Điều làm nên nét mới trong sự phát triển nghệ thuật của Nguyễn Mạnh Tuấn trong Cù lao Tràm, cùng với nhiệt tình khẳng định không thay đổi, anh đã nhìn nhận từng con người, từng tính cách trong sự đa dạng, nhiều chiều của họ.
Bớt đi lối võ đoán, cái nhìn có phần giản đơn về kẻ xấu người tốt ,bảng hòa sắc màu các nhân vật trong Cù lao Tràm đã gắng gần với đời thực hơn, không có nghĩa là nhà văn xoá nhòa ranh giới giữa người tốt và người xấu, mà cái chính là mỗi hành vi, tư tưởng nhân vật được cắt nghĩa chu đáo và thể hiện hợp lý hơn. Vì thế, nhân vật trở nên chân thật và có sức thuyết phục, ngay cả đó là những nhân vật đẹp như Ba Năng, Thúy, Mai, dì Năm Sương, Tài…, những con người nhiều sắc thái như Hai Biểu, Năm Chức, Ba Huyên, Tư Sáng, ông Mười Tân, Hai Bé,…và loại người như Tư Hoan, Tư Khanh…
Thật ra, với một nội dung như vậy, Cù lao Tràm bị cấu trúc lỏng làm cho khá lan man. Ở đây có thể thấy cuộc sống thật sinh động lôi kéo ngòi bút nhà văn. Nhà văn chưa làm chủ được chất liệu để tạo một tác phẩm thoáng hơn mà khái quát hơn. Về một mặt nào đó, có thể thấy tác giả còn nghiêng về phía tìm nguyên nhân sự trì trệ của bước phát triển của nông thôn Nam Bộ ở phía chủ quan, ở sự cản trở của một số cán bộ có chức quyền trung gian. Điều đó đúng nhưng không đủ. Ngay cả khi có những cán bộ tốt hơn Tư Hoan, toàn tâm toàn ý như Năm Trà, tình hình phát triển vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nói cách mạng là nói tới những nỗ lực chủ quan. Nhưng là nhà văn, khi nhìn vào sự phát triển của cuộc sống, sẽ không thấu đáo, rồi không đặt đúng vị trí những nỗ lực chủ quan của con người trong những điều kiện khách quan của bản thân xã hội, thiên nhiên, lịch sử và con người. Mà cuộc đấu tranh để mang lại no ấm, hạnh phúc cho nhân dân, ngay trên mảnh đất Nam Bộ cũng dữ dội, cũng quyết liệt, cũng phức tạp và hào hùng ghê gớm.
Trong những năm tháng này, một Cù lao Tràm với những gì chưa hoàn thiện của nó, vẫn mang lại rất nhiều niềm vui, niềm tin, sức động viên, gợi nghĩ, gợi hành động cho người đọc rộng rãi cũng như cho những người cầm bút.
Với Cù lao Tràm, Nguyễn Mạnh Tuấn đã có được một cột mốc đáng nhớ cho văn học những năm 80.
Коментарі