Nhà văn Ngô Thảo - 05:45 24/01/2021 GMT+7
Suckhoedoisong.vn - Văn chương, báo chí đã viết nhiều về chiến trường những năm cả nước trong chiến tranh với bom đạn ác liệt, gian khổ, ngay cả những ngày Tết.
Nhưng bằng trí thông minh, tài tháo vát, năng động, có những đơn vị đã tổ chức được những cái Tết đặc biệt, kỳ thú, mà hơn nửa thế kỷ đã qua, tôi - người lính già ở tuổi 80 - vẫn muốn: “Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong - ngày xưa ).
Bằng trí thông minh, tài tháo vát, nhiều đơn vị đã chuẩn bị được những cái Tết đặc biệt, kỳ thú. Ảnh: TL
Bằng trí thông minh, tài tháo vát, nhiều đơn vị đã chuẩn bị được những cái Tết đặc biệt, kỳ thú. Ảnh: TL
Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 4 Pháo binh trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh 351 của chúng tôi bí mật tiếp quản trận địa pháo bảo vệ bờ biển đặt ở xã Quảng Hải - Quảng Xương - Thanh Hóa. Đơn vị mà chúng tôi tiếp quản, được lệnh đi nhận pháo mới để chi viện cho chiến trường khu V. Nằm trong Cụm 2X gồm mấy tiểu đoàn pháo mặt đất và pháo phòng không với tầm bắn khác nhau, có cả tên lửa SAM 3 được cải tiến để bắn tàu biển, khi chúng xâm nhập vùng biển miền Trung. Nhưng ngay sáng mồng 1, đài đã vang vang tin quân ta tổng tấn công vào hàng trăm địa điểm khắp miền Nam, đúng vào thời điểm Bác Hồ đọc thơ chúc Tết, với câu kết như một mệnh lệnh: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.
Cuối tháng 3/1968, đơn vị rút khỏi trận địa, về huyện miền núi Triệu Sơn để luyện tập và làm các công tác chuẩn bị vào chi viện cho chiến trường B4 - Trị Thiên. Chặng đường từ nơi xuất phát đến vị trí tập kết ở Tây Thừa Thiên, ngày nay xe chỉ chạy trong một ngày, thì dạo đó đơn vị chúng tôi đi liên tục trong hơn một tháng. Đoàn 4011B - mật danh của tiểu đoàn - mỗi đêm chỉ đi được nhiều nhất là 2-30km. Chúng tôi ra đi, với nỗi lo, vào chiến trường chỉ còn nhặt ống bơ rỉ, vì miền Nam đã giải phóng. Nhưng khi tới vị trí tập kết thì đợt 2 tổng tấn công kết thúc không được giòn giã. Đã thế, kẻ địch còn phản kích lên tận hậu cứ của Quân khu Trị Thiên. Đường vận chuyển bị ngăn chặn. Và cái đói đe dọa. Vào mùa mưa, sông suối ngập nước. Bên kia sông có kho gạo, cũng chỉ biết nhìn, bởi không dễ qua. Rừng Tây Trị Thiên còn có một “đặc sản” nữa là sốt rét. Hầu như không mấy người không nếm qua những cơn nóng lạnh kinh người. Sốt rét ác tính cũng cướp đi sinh mạng bao nhiêu người lính ra chiến trường, mà chưa một lần được nổ súng về phía kẻ thù. Để bớt gánh nặng tiếp tế cho chiến trường, lại tránh vùng trọng điểm sốt rét, Quân khu lệnh cho một bộ phận quay ra phía Bắc. Thế là cả tiểu đoàn, chỉ để lại một số trông coi hậu cứ và bảo vệ, bảo dưỡng xe pháo, còn thì phải cõng ba lô ra Bắc. Nhưng điểm tới cũng chỉ là Làng Ho - vùng rừng núi Tây Quảng Bình, nơi mở đầu của đường Trường Sơn. Củng cố nơi ăn chốn ở tạm được, là nhận nhiệm vụ gùi gạo cho chiến trường. 25-30kg gạo trên lưng vượt dốc 600, đèo Bà Định, dốc Nguyễn Chí Thanh 1001. Ngấm cái đói, sốt rét, mang trọng lượng ấy trên lưng, ngày đi một chuyến, rồi hai chuyến thật không dễ. Thiếu rau xanh, dạo đó có tháng chân tôi bị khô khớp, không đi được. Nhưng khi nhiệm vụ tới, cán bộ không thể không gương mẫu, sau vài ngày được ăn no, có rau muống cử người về đồng bằng mua lên, là lại leo đèo, lội suối thoăn thoắt. Đầu mùa khô 1969, chúng tôi lội bộ, vượt 10 trạm giao liên, trở lại căn cứ để chuẩn bị chiến đấu. Lần này đã có kinh nghiệm, ngay khi vào, củng cố hầm hào nơi trú quân là bắt đầu phát rẫy, tăng gia tự túc. Trồng sắn, trỉa lúa nương, trồng rau xanh, hạt giống rau muống cạn, rau cải binh trạm cung cấp. Lại còn săn bắn, đánh cá, hái rau. Đơn vị pháo binh sau nhiều lần bổ sung, thành ra quân số thuộc nhiều vùng quê khác nhau, cũng có cái hay: Bách gia bách nghệ. Lò rèn được lập, ống pháo sáng làm bệ, nguyên liệu là díp xe ôtô bị cháy ngoài đường tuyến, mang về rèn các loại dao rất sắc. Khung xe uốn hàn làm núc kiềng. Đó là những thứ có thể mang vào bản trao đổi với đồng bào dân tộc. Vùng đóng quân thời gian này thuộc huyện Mường Noòng tỉnh Savanakhet Trung Lào. Dân ở đây thuộc tộc Lào Thưng da ngăm giống đồng bào Pa kô, Vân Kiều. Tiền không tiêu được, nên chỉ trao đổi bằng hiện vật. Ngoài áo quần, kim chỉ, chăn màn... lính ta còn ra đường tuyến, thỉnh thoảng nhặt thêm được mấy hòm quần áo dân sự, có khi cả thùng huân huy chương quân giải phóng trên những chiếc xe bị bắn cháy. Tất cả được huy động mang vào các bản gần để Ta bơn Aly, A cho, A chuôi (tiếng Lào Thưng: đổi lợn, chó, gà). Chẳng bao lâu mà đại đội đã có cả chục con lợn, chó, mấy chục con gà.
Vậy là Tết 1969 đã được chuẩn bị khá chu đáo.
Nếp nương tuốt về, đã được giã vừa chuẩn bị đồ xôi, vừa làm rượu nếp cẩm. Men lá vào đổi cho đồng bào. Để tạo không khí vui vẻ, Đại đội trưởng Viễn nêu ý kiến, các khẩu đội và trung đội chỉ huy cho các chiến sĩ chuẩn bị làm những món ăn quen thuộc của từng vùng quê. Bánh thì có bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh nếp, bánh cuốn, bún... Mũ sắt là cái cối giã rất bền. Giò thì có giò lụa, giò thủ, giò tai, giò chân giò cuốn trứng, giò gà, rồi mọc, măng nấu chân giò, nộm thân chuối, củ chuối, bắp chuối bóp gà, trứng tráng, trứng cuộn thịt, các loại rau rừng, rau muống muối chua, luộc, làm nộm. Không quên tai voi, môn thục, củ búng báng, khoai lang rừng, ngọn sắn, rau tàu bay. Riêng nước chấm, dẫu chỉ có magi-cô là được phát, nhưng cũng tạo được 3, 4 thứ nước khác nhau, dù muối khá hiếm. Lại còn cá chép suối, loại vài cân một con để dành đến Tết mới đi đánh, về rán, hấp, nướng, nấu dấm. Thịt lợn, gà thì luộc, nướng, quay, hầm, làm nem chạo, xé phay... Thức đựng thiếu nên tất cả chỉ bày trên lá chuối rừng, lá dong. Trong sổ công tác, chúng tôi đếm được đến... 42 món, cả nước chấm. Năm đó, tiểu đoàn có tổ chức đội chấm thi, để xem đại đội nào nuôi quân tốt nhất. Đoàn kiểm tra gồm đại diện 3 đại đội, tiểu đoàn bộ và cả Ban Chỉ huy tiểu đoàn được mời một bữa rượu thịt mâm cao cỗ đầy, về say choáng váng. Nhưng qua Tết, khi công bố kết quả xếp hạng, đại đội chúng tôi bị xếp hạng... bét. Lý do: Phạm quy. Dù không có gì cấp phát, nhưng binh trạm quy định, Tết này mỗi chiến sĩ được 2 lạng thịt. Riêng một ngày Tết, ở đại đội tôi đã vượt mấy lần tiêu chuẩn. Hết cãi.
Giao thừa năm 1969, giữa rừng núi chiến trận, chúng tôi quây quần quanh chiếc đài Sông mao, nghe lời chúc Tết của Bác Hồ: Vì độc lập, vì tự do/ Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Vào giờ phút đó, không ai ngờ được, đó là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người. Nhưng cùng với thời gian, chúng ta đều thấy, trong bài thơ chúc Tết chỉ 42 chữ đó, Người đã trao lại cho quân dân ta toàn bộ bí quyết để đi đến ngày toàn thắng, ao ước ngàn đời của dân tộc.Giao thừa năm 1969, giữa rừng núi chiến trận, chúng tôi quây quần quanh chiếc đài Sông mao, nghe lời chúc Tết của Bác Hồ: Vì độc lập, vì tự do/ Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn. Vào giờ phút đó, không ai ngờ được, đó là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người. Nhưng cùng với thời gian, chúng ta đều thấy, trong bài thơ chúc Tết chỉ 42 chữ đó, Người đã trao lại cho quân dân ta toàn bộ bí quyết để đi đến ngày toàn thắng, ao ước ngàn đời của dân tộc.
NGÔ THẢO
Comments