top of page
nvngothao

Góp một cách nhìn

http://daidoanket.vn/ Tinh Hoa Việt

Phải nhận rõ, dân số đến một trăm triệu là một hạnh phúc lớn cho những văn nghệ sĩ Việt Nam. Đây là một thị trường lớn để những người tài năng thật sự nhanh chóng trở thành giàu có.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Văn hóa soi đường cho Quốc Dân đi. Nhìn vào thực trạng hiện nay, không biết có ai dám khẳng định điều đó đang là hiện thực không? Đặt bên cạnh những thành tựu và thay đổi về kinh tế, thì văn hóa, trong đó hoạt động văn học – nghệ thuật (VHNT) là trung tâm đang có nguy cơ tự đánh mất vị thế xã hội của mình. Quốc hội đầu tiên của nước ta có đến hơn một chục văn nghệ sĩ, nào Nhất Linh, Đoàn Phú Tứ… và Nguyễn Đình Thi mới 21 tuổi; những nhiệm kỳ kế tiếp bao giờ cũng có những Đại biểu Quốc hội là văn nghệ sĩ. Vậy mà mấy nhiệm kỳ gần đây, hầu không còn ai. Mà đau hơn, là họ có được đề cử, nhưng dân không bầu. Thật ra, điều đó không có gì lạ.


Hồi trước, khi dân ta, cả nước mới 30-40 triệu, mà mỗi cuốn sách in ra tối thiểu hàng vạn, chục vạn bản vẫn tiêu thụ hết. Nay cả nước hơn 96 triệu dân, lại còn hơn 5 triệu người Việt ở nước ngoài, mà tiểu thuyết in từng nghìn, thơ in chỉ 500 bản còn khó bán, làm sao dân người ta biết các vị là ai? Hai năm nay, Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam không tặng cho Thơ và Văn xuôi. Nhà nước cho tiền để Hội làm Giải hàng năm, là trong bó đũa chọn cột cờ. Các Hội khác đều phân chia trót lọt, riêng Hội Nhà văn chắc trả lại? Thì chọn ai, tác phẩm nào cũng đều có lời này, tiếng nọ. Nhưng cả ngàn nhà văn, cả mấy trăm tác phẩm, mà không có cái nào nhỉnh hơn sao? Mà đó cũng là một cách để đánh động sự chú ý của công chúng với văn chương. Riêng chúng ta đã thiếu đi phương sách để tôn trọng công lao động sáng tác của nhau…


Trong nền kinh tế thị trường, ai có tiền thì có quyền. Không lạ gì, khi hầu hết quyền lực về ngôn luận nằm trong tay các thực thể kinh tế mạnh. Nói ra dễ mếch lòng, nhưng ai cũng biết, khoản chi PR của các thực thể kinh tế là nguồn sống chính của các cơ quan truyền thông. Đơn giản, nhìn vào các chương trình truyền hình, thiếu đi phần quảng cáo, là không chương trình nào cầm cự được. Có Đài, quan hệ không tốt, hàng năm thất thu cả nghìn tỉ. Có Đài lớn nợ triền miên, không giải tỏa được. Trong gần 70 Đài PTTH của cả nước, cảnh nợ lương, bớt lương, một đội ngũ tập sự không lương là khá phổ biến. Các cơ quan xuất bản, báo chí của các Hội đoàn Trung ương và địa phương nhiều năm sống lay lắt, trông chờ sự trợ cấp nhỏ giọt của cơ quan chủ quản. Trong một môi trường kinh tế phụ thuộc như thế, thì để cất lên một tiếng nói thẳng thắn, trung thực về mọi hiện tượng cũng như tác phẩm là không dễ.


Nhưng, điều tôi muốn lưu ý hơn, là để tồn tại và hoạt động, các phương tiện truyền thông và chuyển tải của chúng ta đang lấp đầy DIỆN TÍCH và THỜI LƯỢNG bằng các sản phẩm văn hóa nước ngoài. Giao lưu và trao đổi văn hóa là điều đương nhiên, nhưng để cho các sản phẩm văn hóa nước ngoài tràn ngập lãnh thổ và thời gian như nước ta hiện nay, thì tôi tin, trên thế giới, không một Quốc gia có ý thức về chủ quyền nào chấp nhận. Có Đài địa phương tồn tại và làm giàu chủ yếu bằng quanh năm chiếu phim bộ nước ngoài, có bộ hàng ngàn tập. Nhiều nước, đến số lượng người vào du lịch, người ta còn hạn chế. Vậy mà sản phẩm văn hóa nước ngoài, sách, phim ảnh, các chương trình truyền hình, chúng ta cho nhập thoải mái. Hình như, ở một thời điểm nào đó, trong một vài văn bản nào đó, có nói đến tỉ lệ nội địa trong văn hóa. Nhưng thực tế, chắc chắn, không ai theo. Hậu quả như thế nào, thì chúng ta đều đã thấy…


Nếu như trong kinh tế, một xã hội tiêu thụ mà không quan tâm sản xuất, thì sự khủng hoảng chỉ là sớm chiều. Trong văn hóa, có thể chưa dễ thấy ngay, nhưng hậu quả và thời gian khắc phục lại còn lâu dài hơn. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến thực trạng đó. Bộ mặt của văn hóa, giới văn hóa Việt Nam hôm nay như thế nào, thật khó xác định. Nếu cần giới thiệu cho dăm mười gương mặt tiêu biểu của các giới văn thơ, nhạc họa, điện ảnh hôm nay được vài chục trong gần trăm triệu người Việt biết đến và yêu mến? Những người như thế là đã và đang có, nhưng liệu đã là những tên tuổi tiêu biểu cho bộ mặt văn hóa hôm nay? Văn hóa giải trí, văn hóa đại chúng đang tràn ngập các phương tiện truyền thông, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ của nhiều tầng lớp trong xã hội. Một bộ phận nghệ sĩ đang sống giàu, sống khỏe nhờ tài năng và biết tổ chức hoạt động. Việc cơ quan Thuế TPHCM mới đây lên tiếng về việc truy thu thuế gần 15 tỉ của 15 nghệ sĩ, chứng tỏ nguồn thu của họ là không hề nhỏ. Nền văn hóa giải trí đang tạo công ăn, việc làm cho cả triệu người, phát hiện tài năng và tạo dựng tên tuổi cho hàng nghìn nghệ sĩ.


Nhưng chúng ta đang muốn nói đến mục tiêu xây dựng một nền Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để bình tĩnh, phải thấy rằng đây không phải là tình trạng của riêng nước ta. Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và chuyển tải, văn hóa nghệ thuật theo quan niệm cổ điển không còn vị thế như đã từng. Dẫu muốn dẫu không, thì phương thức, hình thức, cách thức thực hiện, thể hiện của những tác phẩm văn học nghệ thuật đang có những thay đổi không thể cưỡng lại được. Đã có lúc tôi nghĩ, dựa vào các phương tiện kỹ thuật hiện đại, những tài nguyên tích lũy qua hàng triệu triệu năm, những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, mới có mấy mươi năm ta đã khai thác gần cạn kiệt. Đất đai, rừng biển thời ta cũng đã làm việc phân chia gần hết. Tài nguyên vật chất giàu có đến đâu cũng đến lúc tiêu thụ hết. Chỉ có tài nguyên tinh thần của một đất nước có đến 54 dân tộc, dân số đã đứng hàng 13 của thế giới, với lịch sử thăng trầm mấy ngàn năm, không mấy quốc gia đã từng, nếu biết khai thác cho các tác phẩm VHNT, sẽ là nguồn đề tài vô cùng tận để không chỉ kể với người Việt hôm nay và ngày mai, mà còn là của lạ với thế giới... Nhưng hình như, sự phát triển của xã hội hiện đại khó chấp nhận những lối thể hiện xưa cũ. Hình như, nền văn nghệ lấy hiện thực cuộc sống làm chuẩn đo lường đang lung lay. Nhìn sự phổ biến của “Harry Potter”, của tranh manga, của những tác phẩm viễn tưởng, của những sản phẩm văn hóa đại chúng, của sáng tác Hậu hiện đại, buộc chúng ta phải suy nghĩ và hình dung về nội dung và cả hình thức tác phẩm văn nghệ trong tương lai, và theo đó là bộ mặt, là vị trí của văn hóa – văn nghệ trong đời sống xã hội tương lai.


Trên cơ sở nhận thức và hình dung đó, chúng ta mới nói đến việc tổ chức, phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những tài năng văn nghệ của đất nước thời kỳ mới. Phải nhận rõ, dân số đến một trăm triệu là một hạnh phúc lớn cho những văn nghệ sĩ Việt Nam. Đây là một thị trường lớn để những người tài năng thật sự nhanh chóng trở thành giàu có. Không chỉ các nghệ sĩ biểu diễn, mà các tác phẩm văn chương, điện ảnh tốt đều có nguồn thu lớn. Phim Việt hiện sản xuất trung bình 20 tỉ. Nhưng đã có những phim thu về 100 đến 200 tỉ. Nhiều năm nay, hàng năm, có vài ba đầu sách, mà cuốn nào in lần đầu cũng đều trên 100.000 bản rồi nhanh chóng nối bản là của Nguyễn Nhật Ánh. Và không chỉ một tác giả. Các công ty sách, không phải năm nào cũng thắng về kinh tế, nhưng số lượng vẫn tăng, chứng tỏ in sách vẫn có nguồn lãi nhất định.


Như đã nói, trong nền kinh tế thị trường, thì đồng tiền có vị trí chi phối. Nghề nào làm ra tiền, đủ nuôi sống bản thân và gia đình, thì sẽ có nhiều người chọn. Hoạt động trong giới văn hóa - văn nghệ, nếu thực tài thì vẫn là một ngành hấp dẫn, vì ngoài lợi còn có… danh. Trong nhiều tác phẩm viết về xã hội Liên Xô, nhiều người cắt nghĩa sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, ngoài mọi lý do, còn có một lý do, là cả hệ thống viên chức cồng kềnh, không ai có thể sống đủ bằng đồng lương. Vậy mà họ vẫn lao vào, vì họ biết, khi đã là viên chức, họ có nhiều cách, nhiều kiểu làm tiền khác. Thế là chỉ vì để có thể sống đủ, bộ máy hành chính đã làm biến dạng hầu như tất cả những người khi được chọn vào đang là những người tử tế, có học, lương thiện, chẳng bao lâu đã trở thành những kẻ gian manh, thiếu liêm chính. Mà chính trực xưa nay vẫn là phẩm chất cơ bản làm nên một CON NGƯỜI.


Nhưng những người làm văn hóa – văn nghệ chân chính liệu có đủ sống, và thật sự có một nghề như thế không? Và họ có thể là một Người CHÍNH TRỰC suốt đời không?

Câu trả lời: Là KHÔNG. Đặc biệt, một phần việc mà bất cứ loại hình văn hóa nào cũng cần, là ngành Lý luận - Phê bình. Cho đến nay, ở nước ta không có nhiều người sống được bằng nghề này…


Bộ mặt, phương thức, nội dung các bài nghiên cứu – phê bình có nhiều thay đổi từ những ngày Đổi mới, và mở cửa, nhiều lý thuyết ngoại nhập được vận dụng khi nghiên cứu - phê bình các tác phẩm văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Nói cho thật lòng, không biết có nhờ thế mà các tác giả, tác phẩm xưa nay quen được đánh giá qua cảm thụ trực tiếp, nay được nhiều nhà nghiên cứu, vận dụng các lý thuyết mới để giải phẫu, như các bác sĩ giải phẫu cơ thể học đó có thay đổi vị thế trong lịch sử văn học hay trong cảm nhận của công chúng xưa nay không. Chỉ biết một thực tế là văn học ngày càng có một vị trí quá khiêm nhường, nếu không nỡ nói một từ nào nặng nề hơn.


Một thông tin đáng lưu ý, mới đây ở Hội nghị các nhà văn châu Á, có đoàn nhà văn Việt Nam, trong nhiều nội dung họ bàn, có một định hướng: Dịch chuyển văn học vào vị trí trung tâm của cuộc sống. Và để làm được điều đó, phải làm được điều đó, để nhà văn và văn học có đóng góp tích cực và thiết thực vào sự phát triển của văn hóa, cũng có nghĩa, vào sự phát triển của đất nước, hy vọng Đại hội các Hội VHNT đã và đang tiến hành sẽ sớm định ra những phương thức cần thiết. Trước mắt là đặt ra những câu ngắn gọn, súc tích mà rõ nghĩa.


Ngô Thảo

2 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page