top of page

GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HÔI ĐẢNG LẦN 13

Tôi là Ngô Thảo, 80 tuổi, 54 tuổi Đảng ( Nhập ngũ 1965, vào Đảng 1966 ).

Nguyên Thiếu tá quân đội, Nguyên Đảng ủy viên Khối cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng nhiều khóa. Từ các Đại hội 10,11, tôi đều có góp ý chủ yếu về công tác Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, các ý kiến đều đã dăng trên các báo.

Riêng lần này, tôi chỉ xin nhắc lại một góp ý cụ thể, là mấy chữ trong Mục tiêu xây dựng đất nước : DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, XÃ HỘI DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG VĂN MINH.

Tuy chỉ là mấy chữ hầu như đã quen thuộc, nhưng trong thực tế, nó đã làm phát sinh những hiện tượng xã hội đi chệch ngay từ đầu cơ sở Cương lĩnh của Đảng Cộng sản VN là theo Chủ nghĩa Marx- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sinh thời, trong nhiều Văn kiện, phát biểu, đến trong văn bản cuối cùng là trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nói rõ : Xây dựng ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH. Thế mà đã mấy kỳ Đại hội, lại thay bằng DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH. Chữ không thay nhiều, nhưng nghĩa đã rất khác nhau.Chủ nghĩa Marx- Lê nin không đề cao sở hữu cá nhân. Hướng tới DÂN GIÀU, nghĩa là công nhận SỞ HỮU CÁ NHÂN như là mục tiêu của xã hội tương lai, là đi ngược hoàn toàn tư tưởng của chủ nghĩa mà Đàng lấy làm nền tảng. Không nên quên, một tiền đề của Marx là : “Tư hữu là nguồn gốc mọi tội lỗi” .Trong thực tế, ngay cả ở những nước đã phát triển, thì có thể bình quân thu nhập đầu người cao, nhưng không có nghĩa , tất cả mọi người DÂN đều sở hữu được một cơ số tài sản để được gọi là GIAÙ. Vả lại, trong mọi hình thái xã hội phát triển, người ta không chống mọi người làm GIÀU chính đáng, nhưng không thể, và không phải người DÂN nào cũng cần GIAÙ. Hầu hết người LAO ĐỘNG,cả chân tay và trí óc đều chỉ mong muốn có một cuộc sống no ấm,có công ăn việc làm, và đủ điều kiện làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ có : Ham muốn tột bậc là Nước nhà được Độc lập, Dân ta được Tự do, Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo măc,ai cũng được học hành. Hơn nữa, khi đề cao mục tiêu DÂN GIÀU là nhấn mạnh tiêu chí về cuộc sống VẬT CHẤT,mà xem nhẹ cuộc sống TINH THẦN.VẬT CHẤT nhiều đến đâu cũng chỉ là PHƯƠNG TIỆN, ĐIỀU KIỆN, không thể là MỤC ĐÍCH SỐNG của mọi người. Điều này cũng không phù hợp tâm lý của một bộ phận lớn người dân.Điều mà từ người dân đến quan chức, người giàu đến người nghèo cần ngay trong hoàn cảnh hiện tại cũng như tương lai của mỗi người chính là HẠNH PHÚC. Hiện nay, người giàu cũng như đa số quan chức có thể có cuộc sống thượng lưu, xa hoa, nhưng trong tâm thế không bình yên, vì nguồn gốc tài sản, không phải của ai cũng từ nguồn lao động và thu nhập chính đáng.Bằng lòng với những gì mình hiện có, yên tâm trong môi trường không khí trong lành, nguồn gốc thực phẩm sạch , đi lại an toàn, có công việc bảo đẩm, thì dù không sở hữu nhiều tài sản vẫn có cảm giác HẠNH PHÚC.Cũng xin lưu ý, về mặt từ ngữ, hai chữ Dân và Giàu đếu là những từ dễ gợi quan hệ đối lập: Dân- Quan, Giàu –Nghèo. ( Có một bài hát có câu : Nào anh em nghèo đâu. ). Hồ Chủ tịch đã rất lựa chọn khi dùng từ bao quát hết mọi người là Đồng bào .

DÂN GIÀU , NƯỚC MẠNH cũng là một cách đặt quan hệ không nghiêm chỉnh. Vì DÂN GIÀU,mà rất có thể nước không MẠNH. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH đi đôi với NHÂN DÂN HẠNH PHÚC là rất có lý. Một đất nước nghèo nàn, sống và xây dựng bằng viện trợ hay vay nợ là chính thì không thể nói là MẠNH được. Trên thế giới, những nước Giàu mới có thể đầu tư, viện trợ, mua chuộc các nước nghèo, từ người dân đến cả Chính phủ. Điều đó ngày nay, ai cũng thấy. Mang món nợ lớn với một nước nào, không thể không phụ thuộc ở những mức độ khác nhau vào đường lối, chính sách quốc gia đó. NƯỚC MẠNH mới có thể có ĐỘC LẬP , tự chủ hoàn toàn..

Các quốc gia giàu có mới có điều kiện chăm lo đời sống người dân về nhiều mặt: Xây dựng hạ tầng cơ sở, kiến tạo môi trường sống ngày càng tốt, chăm sóc người dân về y tế, giáo dục không mất tiền.Những lúc người dân và đất nước gặp những hoạn nạn lớn như dịch bệnh, thiên tai, bão lụt như vừa qua, Nhà nước cần có những nguồn dự trữ lớn để giúp người dân và xây dựng lại những cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Ngay trong những ngày bão lụt đang diễn ra, Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra đề nghị tăng học phí cho mọi cấp học là một dẫn chứng Nhà nước mất lòng dân, khi biến giáo dục và y tế , những lĩnh vực thuộc về phúc lợi xã hội vì tính thiết yếu trong cuộc sống, thành hai kênh kinh doanh trên lưng người DÂN để kiếm những món lợi kếch sù, mà ngay các nước tư bản phát triển cũng bị khống chế.

Có một thực tế cũng cần nhìn thấu, đó là hiện nay, những tập đoàn kinh tế Nhà nước, phần sinh lời không chắc đủ bù cho những tập đoàn sinh hại và đình trệ. Các tập đoàn tư nhân , thì càng giàu lại càng là những con nợ lớn của Ngân hàng cả trong và ngoài nươc, cả Ngân hàng Nhà nước, lẫn Ngân hàng tư nhân, nhưng nếu họ thua lỗ hay phá sản , thì cuối cùng người gánh nợ là Nhà nước, cũng có nghĩa, người Dân phải gánh chịu.

Như số liệu về kinh tế vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, cho đến nay, 45 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhât, cả nước mới có 16/ 65 đơn vị hành chính tỉnh thành THU ĐỦ CHI. Nghĩa là các tỉnh còn lại, dù bộ mặt trụ sở cơ quan công quyền, sân bay, hải cảng, đường sá,, hạ tầng hoành tráng,cơ ngơi các quan chức sang chảnh, nhưng chủ yếu không nhờ nguồn lực nội sinh, phải bấu víu vào ngân sách Nhà nước. Mà nợ nước ngoài của Nhà nước, không tính các tập đoàn và công ty liên doanh, và hoàn toàn vốn nước ngoài, hiện cũng không hề nhỏ.

Như thế , để thấy, Xây dựng ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH phải là MỤC TIÊU HÀNG ĐẦU và CẦN THIẾT.

Để đi đúng quỹ đạo của Chủ nghĩa Marx- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đề nghị nên ghi : Mục tiêu là ; XÂY DƯNG ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH, NHÂN DÂN ẤM NO- HẠNH PHUC, XÃ HỘI DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG. Chữ VĂN MINH vừa khó xác định nội dung, vừa không cần thiết, khi cả thế giới đã vào Thời đại Văn Minh. Ghi thế này là từ Tâm lý mặc cảm của thời nước ta còn lạc hậu.

Một đề nghị cụ thể và thiết thực, rất mong được Ban chuẩn bị VĂN KIỆN ĐẠI HỘI 13 lằng nghe.

Ngày 15-11-2020

NGÔ THẢO (Nhà văn )

ĐT : 0913234182 . Email : nvngothao@gmail.com

4 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page