top of page
nvngothao

HIỂN THỊ LUẬT CÂN BẰNG CỦA LÒNG NHÂN ÁI

Updated: Dec 23, 2020

Tại Hội Chợ Sách quốc tế 2007 tổ chức tại khu Triển lãm Vân Hồ cuối tháng 10, ngay bên phải cổng vào là một quầy sách hạ giá! Quy định chung của Hội Chợ là giảm giá 10% (Riêng sách Nhà xuất bản Hải Phòng không hạ giá) nhưng sách ở đây nêu bảng giá giảm 40% - 60%. Và khi thực trả, được giảm đến 80%. Hàng ngàn bản sách xem ra đều là sách quý, đa số là tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước.


Nhà văn, nhà thơ Phùng Quán


Lùi lại phía sau là một cái bàn nhỏ bày bán 5 cuốn sách của Phùng Quán một tác giả vừa được tặng giải thưởng Nhà nước 2006, đa số là sách mới: Phùng Quán, Ba phút sự thật, Nhớ Phùng Quán, Trăng Hoàng Cung (tiểu thuyết), Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Phùng Quán còn đây và đĩa ghi thơ do chính tác giả đọc, tất cả đều bán theo giá sách mới!


Buổi giới thiệu 2 tập sách do Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vừa in của nhà thơ có hơn trăm người tới dự. (Hôm sau, cũng địa điểm đó, một tác giả giới thiệu tập sách quý có nhiều phát hiện mới về lịch sử chỉ có hơn mười người nghe).


Sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc mấy năm gần đây với tác phẩm của Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Trần Kim Trắc, Châu Diên, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Xuân Khánh, Hữu Loan và Phùng Quán… đã làm hiển thị luật công bằng của lòng nhân ái trong lịch sử nói chung và lịch sử văn học hiện đại nói riêng.


Thật ra trong quá khứ, họ bị phê phán đều có lý do cụ thể. Đó là sự không hoàn thiện của những người có tài năng nhưng nông nổi và non nớt. Mới có một ít tác phẩm được bạn đọc biết đến đã vội kiêu căng, không chịu đặt mình vào khuôn phép nghiêm ngặt của quân đội vừa ra khỏi chiến tranh. Tinh tướng, vô kỷ luật, phát ngôn bừa bãi. Tự đồng nhất mình với cái mới, cái sáng tạo. Coi thường các tác giả lớp trước. Và từ đó người ta đã dựa vào tổ chức để phê phán và kỷ luật. Khuyết điểm, thiếu sót thông thường của tuổi trẻ. Đòn roi ra tay cũng cần thiết.


Nhưng hình như ra đòn rồi do hoàn cảnh này nọ, người ta đã kéo dài cái án 3 năm ra một thời hạn gấp mười lần, bằng hai quãng đời lưu lạc của nàng Kiều! Thuở bị kỷ luật hầu hết ở tuổi đôi mươi. Ngày tổ chức chợt nhớ, cả mười mấy người đầu đã bạc!


Có một thực tế là văn nghệ sĩ nước ta vốn ít học. Nhờ ít nhiều năng khiếu, họ lấy thành tích chiến đấu, vị trí công tác làm vốn chính trị, vốn tri thức, chỗ đứng và tư thế để sáng tác và phát ngôn. Khi thuận lợi họ sẽ gia nhập vào đội ngũ viên chức hành chính và chính trị., tìm kiếm bổng lộc trong cương vị công tác, mà ít có thời gian, điều kiện nâng cao kiến thức và chịu khó sáng tạo. Lang bang và phóng túng – chữ của F.Mittơrăng nói về bản chất nghệ sĩ – cũng dễ bị thói hư tật xấu của người thích hưởng thụ mua chuộc mà xiêu lòng. Rồi ra một số người thành đạt sẽ sống trong bổng lộc, tiện nghi, sáng tác sẽ thể hiện tâm thế của lớp người thoả mãn với hiện thực, đầy đắc ý, xa rời với tâm thế thực của số đông nhân quần..


Chính nhờ bị đánh bật ra khỏi guồng máy quan trường, trở về đời sống thường dân, họ có dịp ngồi bệt xuống đất, sống thật số phận của đa số dân chúng. Hiện tại không được tham gia. Công việc thường xuyên không có. Nhiều người chỉ biết lao vào đọc, học và suy ngẫm. Rồi tìm việc lao động chân tay kiếm sống. Không được sáng tác, viết không được in, nhưng cái năng khiếu đã phát lộ, hình thành, biến tất cả sự từng trải thành vốn sống. Không được sống cái hiện tại, họ đắm mình vào quá khứ, hào hùng cũng có nhưng bi thương thật nhiều. Hoàn cảnh sống không may đã trở thành một may mắn cho các sáng tác của họ: Cách nhìn người, nhìn việc, nhìn đời, phân định phận người không bị ràng buộc, bó chặt trong khuôn thước luôn đổi thay của các chính sách nhất thời và luôn thay đổi: Một chủ nghĩa nhân văn phóng đạt, một nội lực văn hóa truyền thống và dân tộc được khai thông và tuôn chảy làm nên nguồn cảm hứng chủ đạo cho các sáng tác. Tác phẩm của họ không có cái hào sảng, tự tin đến kiêu ngạo – Ta là ta mà ta lại cứ mê ta. Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp nhất, Miền Bắc thiên đường của các con tôi – nhưng mang đậm các giá trị dân tộc và truyền thống, một số lùi tìm điểm tựa tinh thần ở những giá trị bền vững: Lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân nhiều đau thương và trầm luân, sống với những hình bóng xưa bao giờ cũng đẹp đến say lòng.


Trong đó có niềm cảm hứng chân thật nhưng đồng thời cung cấp cho họ liều thuốc giảm đau: Oan khuất, bất công chưa bao giờ bị đuổi ra khỏi đời sống mọi dân tộc, mọi thời đại, kể cả những thời điểm được coi là huy hoàng nhất. Nếu nó tạo nên sự lận đận cho bao kẻ tài năng thì nó lại cũng thực sự là lò luyện để chính họ chứng tỏ cho nhân quần biết họ thật là vàng hay thau. Người lính được thử thách trong những trận quyết đấu ngoài mặt trận để phân biệt người anh hùng với kẻ hèn nhát, thì kẻ sĩ phải rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, oan khuất, nếm đủ mùi cay đắng, tái tê của đời người, kể cả nơi trường văn, trận bút, mà vẫn giữ được quà tặng lớn nhất của đời người là lòng khoan dung và phẩm chất đáng khâm phục nhất của kiếp người là đứng dậy, vươn lên sau khi ngã (lời Kinh Phật).


Vẫn có điều an ủi. Không phải là chuyện cổ tích nhưng đã có một kết thúc có hậu, là một bộ phận trong số họ đã sống được đến ngày cái ách nặng mang trên người mấy thập niên đã được tháo bỏ.


Nghịch lý ở đây, ít ra là trong ngày hôm nay, xem ra tác phẩm một bộ phận không may mắn trong đường đời ấy lại sẽ may mắn có đời sống bền lâu hơn một số người đồng trang lứa luôn gặp thuận lợi trong đời sống cũng như trong sáng tác. Lý do có thể nằm ở mức độ sau nặng, đằm thắm nhân văn trong các tác phẩm của những người thua thiệt. Họ có thì giờ suy ngẫm, không bị câu thúc vì phải xuất hiện đúng lúc, và cả ở tâm thế sáng tác: Cái viết ra là để cho đời sau, không để nổi danh cũng không cầu lợi. Trái lại, ở bộ phận bình yên là nhu cầu phải có mặt, là những kế hoạch, là động cơ thi đua công khai hoặc ngấm ngầm để mỗi người tự vượt lên. Sự tự tin thái quá cũng tạo nên những mùa gặt vội, những hàng ăn xổi, số lượng có nhiều và đã đáp ứng được cái dạ dày tinh thần một thời nhưng không để dành, không tươi lâu được.


Nhiều người có thói quen, khi nói đến Văn học đương đại, thường chọn cái mốc: Từ ngày đổi mới. Họ làm như đó là cái mốc thể hiện sự thay đổi lịch sử đất nước. Họ quên rằng Đảng ta đã ra đời và lãnh đạo Cách mạng từ năm 30 của thế kỷ trước. Suốt chặng đường dài gần 80 năm ấy, đất nước và dân tộc ta đã có những biến động mà cả ngàn năm trước không có: vận động cách mạng rồi cách mạng thành công, hai cuộc chiến tranh giải phóng, đấu tranh giai cấp, cải tạo hệ thống xã hội, thiết lập cơ chế kinh tế theo hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ quốc tế, và hôm nay xác định được vị trí một đất nước độc lập, thực hiện ước mơ sánh vai với các cường quốc năm châu. Rõ ràng những nhà lãnh đạo ưu tú đã đưa đất nước qua nhiều thời kỳ khó khăn, vượt bao thử thách, thắng bao kẻ thù để giành được một đất nước thống nhất và độc lập. Nhưng cái giá phải trả thật là lớn lao. Rất nhiều xương máu và của cải đã hi sinh. Tương quan thế giới phức tạp và biến động làm cho cái giá hi sinh đó càng lớn hơn. Còn lớn hơn là do những non nớt, ấu trĩ, lệch lạc, ngộ nhận và cả sai lầm trên một hành trình hoàn toàn mới mẻ.


Có những điều khó tránh. Nhưng đáng tiếc là có những điều lý ra có thể tránh mà vì lý này do nọ lại không tránh được. Lịch sử không có chữ Nếu. Rất đau đơn và kinh ngạc là hầu như không mấy quốc gia tránh được những sai lầm chết người do tự mình gây ra này, kể cả các nước lớn và phát triển. Lịch sử nhân loại vẫn tiếp tục ghi những trang bi đát bất ngờ và khó cắt nghĩa.


Rất tiếc là trong nền văn học đang được phát triển về số lượng hiện nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm chú tâm khám phá và tái hiện một cách nghiêm túc, có tầm khái quát về tầm vóc những con người Việt Nam hiện đại dẫu không mấy ai thật hoàn thiện nhưng đã chung sức chung lòng cùng dân tộc làm nên một thời đại lịch sử huy hoàng. Lịch sử chưa xa, mà xem ra thước đo, bảng sắp đặt vị trí nhiều nhân vật đã có những thay đổi, chưa nói là sự hiện diện trong nhận thức, tình cảm người đương thời. Lời người xưa: Cái quan định luận đã không đúng với nhiều trường hợp.


Trong sự thay đổi đang và sẽ tiếp tục diễn ra đó, một số tác giả và tác phẩm văn học nghệ thuật đương đại đang chịu sự khảo sát, đánh giá, định giá lại từ phía người viết lịch sử và nhất là từ phía người đọc. Chất lượng tác phẩm dĩ nhiên là điểm tựa, cơ sở của sự sàng lọc, bình giá. Nhưng tiểu sử tác giả, số phận cụ thể từng tác phẩm cũng có vai trò, vị trí không nhỏ trong tâm lý tiếp nhận của công chúng. Và ở đây lại có dịp cho công chúng kiểm nghiệm sự tồn tại của Luật cân bằng của lòng nhân ái của đông đảo công chúng.


Chẳng ai muốn chủ động đem cuộc sống ngắn ngủi của mình ra làm vật hi sinh để có điều kiện chiêm nghiệm luật đời và lấy nó làm vốn sống sáng tác hay được chiếu cố khi bình giá tác phẩm. Hi sinh quyền lợi cá nhân còn có thể. Nhưng vì mình mà ảnh hưởng tới đời sống, tâm thế, hiện tại và tương lai của những người thân thì không phải ai cũng có đủ nhẫn tâm và liều lĩnh để đổi lấy tác phẩm văn chương dù lớn đến đâu, hay đến đâu!


Nhưng một khi tai nạn đã xảy ra, chúng ta vui mừng thấy rõ, những tác giả đi qua chiến tranh đó đã có dịp thể hiện tư cách, nhân cách, phẩm hạnh, lòng tin vào cái thiện, sức chịu đựng với oan khiên và tài năng thật sự của mình trong những tác phẩm chứa đầy lòng nhân ái, yêu dân, yêu nước.


Bài học từ những cuộc đời như thế, tác phẩm của những con người như thế dệt nên một giá trị rất đáng được suy nghĩ và trân trọng trong văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại, của các Văn nghệ sĩ Việt Nam đương đại.

11-2007

10 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page