top of page

HẸN VỚI NGÀN NĂM MỘT NỤ CƯỜI

  • nvngothao
  • Dec 22, 2020
  • 5 min read

Nữ thi sĩ có lời hẹn ấy đã lặng lẽ giã từ trần thế một ngày vào thu hôm trước lễ kỷ niệm cuộc cách mạng mà bà đã tham gia trong vị trí lãnh đạo Đoàn phụ nữ Cứu quốc Thủ đô Hà Nội.

Mặt hoa da phấn, mắt phượng, mày ngài, bà từng là niềm say mê, ao ước của bao nhiêu văn nhân, chính khách nhiều chế độ, nhiều thời. Mấy Đại hội nhà văn gần đây, bà đã ngoài 70 rồi 80, tóc bạc trắng như cước mà má vẫn hồng, môi vẫn thắm, dáng nhỏ con, ăn mặc giản dị mà vẫn sang trọng phong lưu. Lại là thần đồng thơ từ những năm đầu thế kỷ XX.


Ai có thể nghĩ, người ấy, dáng ấy mà khổ! Mỹ nhân đa tài mà thân khổ tâm khổ thì chỉ có trong chuyện đời xưa. Nào ngờ đó là cuộc đời thật của thi sĩ Ngân Giang.


Bằng nhan sắc, tài hoa và tấm lòng thơm thảo, bà đã mang lại niềm vui, hạnh phúc, sung sướng cho bao nhiêu người!


Bằng hành động cụ thể, của cải cụ thể, bà đã có nhiều đóng góp thiết thực cho cách mạng và kháng chiến.


Đã đẹp lại tài hoa, nhưng câu tài hoa bạc mệnh e không đúng với bà, bởi bà sống thọ gần 90 tuổi (1916 – 2002).


Hồng nhan đa truân mới đúng là vận cho bà trong thời buổi thiên địa phong trần (Đặng Trần Côn). Mà hình như bà không đơn độc. Đám tang bà làm tôi nhớ đến những người cùng một lứa bên trời lận đận như bà: Các mỹ nhân tài hoa trong giới nghệ thuật, về cuối đời đều đi bán nước hoặc nhặt lá, quét lá làm củi đun: Nghệ sĩ nhân dân Dịu Hương, Bạch Trà, Ngô Thị Liễu trong giới sân khấu, bà Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu – những giọng ca trù nổi tiếng. Có điều hơn những người cùng lứa, bà còn để lại một gia tài thơ – có người nói hơn 4.000 bài – được nhiều người nhớ, nhiều người thuộc, nhiều người nhắc. Cũng dễ tin, vì sinh thời bà làm thơ khá dễ dàng, câu chữ tài hoa, thể cách đa dạng, giọng điệu sang trọng ngay cả lúc cơ hàn. Mấy chuyến đò ngang lỡ dở, hơn mười người con phải nuôi, không lương – khi cả xã hội sống bằng lương – không bổng, một mình một bóng, bày quán nước ven sông, hẳn vẫn muốn đợi chờ… Người nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang – Đoái thương thân chị lỡ làng (Nguyễn Bính). Nhưng câu chuyện cổ tích ấy đã không xảy ra. Đọc thơ bà thấy tâm sự của tác giả khá rõ. Nhưng hình như thơ không kể đến những chiến công cách mạng, mà chiến công ấy lại gắn với nhan sắc trời cho, tài năng thiên phú: 4 tuổi biết đọc, 6 tuổi biết làm thơ, 8 tuổi có thơ đăng báo, 16 tuổi in tập Giọt Lệ Xuân, Đổi nhiều bút danh, thơ in nhiều báo trong Nam ngoài Bắc. Khi nhiều thi nhân tiền chiến nổi danh sau này còn chìm đắm trong mộng mơ thì nữ sĩ – mỹ nhân Hà Thành đã tham gia tổ chức Thanh niên Cộng sản cách mạng (1935), đầu năm 1945 bị giặc Nhật bỏ tù và trực tiếp tham gia Cách mạng tháng 8/1945.


Người ta nhắc nhiều đến tài ngoại giao mà chắc chắn có phần nhờ ngoại hình của nữ sĩ, làm quen với Tướng Tàu Lư Hán mà cứu được mấy chiến sĩ cách mạng bị Quốc dân Đảng bắt giữ, có người sau này là nhạc sĩ Đỗ Nhuận – Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh. Sau cách mạng bà làm Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc Hà Nội. Đầu năm 1946, thù trong giặc ngoài. Cách mạng trong thế bị bao vây, như cô dâu không được công nhận của nhà họ Bạch trong phim Danh gia vọng tộc, bà gom vốn liếng gia đình lên Bắc Giang mua 30 tấn gạo về nuôi đơn vị bộ đội đóng ở sân bay Bạch Mai. Rổi theo đơn vị đi kháng chiến, lên chiến khu vào Sở tuyên truyền Liên khu I. Mùa hè 1949, vùng kháng chiến quá khó khăn, được phép của cán bộ có trách nhiệm bà đưa hai con đang ốm đau vào Hà Nội chạy chữa. Thơ ca vẫn một lòng hướng về kháng chiến, vẫn bắt liên lạc với người kháng chiến để hoạt động. Nhưng vì chút nhan sắc giời đày mà liên hệ với người bên kia chiến tuyến. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hà Nội giải phóng với 10 người con của ba đời chồng, bà làm người dân chống chèo nuôi con.


Thơ ca vẫn có thế giới mơ mộng, sương khói, một vùng trời hùng tráng trường ca với vua chúa, vương hầu khanh tướng, truân chuyên, thành bại. Nhưng nhiều hơn là thân phận một người đàn bà vào buổi chiều hôm của một đời thời buổi đất nước thiếu ăn, thiếu mặc.

- Mở quán bên sông để giải buồn

Biết rằng ai dại với ai khôn?

- Một quán nhà quạnh bên sông vắng

Trở giấc non xa trùng trập trùng.

Là từ đê Sông Hồng ngày mây tạnh có thể thấy Tam Đảo – Ba Vì.


Đời sống lắm lúc bi đát đến mức chỉ biết làm thơ:

- Khốn nạn cho tôi đến thế này

Chi còn chiếc bút viết liền tay

Kẻ gian dòm ngó quơ đi nốt

Trang sách bơ thờ để lại đây

- Chiều nay lá rụng kinh thành

Mưa rơi tầm tã một mình chép thơ

- Chiếc kim chiếc bút vui ngày tháng

Nào có ham gì miếng ngọt ngon

- Ngày trắng, trắng theo từng sợi tóc

Đêm dài, dài đến cả nghìn sau


Tuy thế, nữ sĩ là người có ý thức khá rõ về mình:

- Từng rắc phấn hồng vào cuộc sống

Lại trầm ý ngọc giữ lòng băng

- Phải rằng hận chẳng sao nguôi

Nợ tài hoa trả cuối đời chưa xong

- Ôi lời thơ mãi vào non nước

Mà cái thân đành giữa nắng mưa

- Trông lên chẳng thẹn cùng sông núi


Người ta bảo thi nhân thường có khả năng tiên tri cho số phận của mình. Khi mới hai mươi tuổi, trong bài tráng ca Trưng Vương viết về Trưng Trắc sau chiến thắng Tô Định, Ngân Giang đã viết những câu xuất thần:

- Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Người ta kể rằng thi sĩ Đông Hồ đang hùng hồn, thống thiết giảng những vần thơ này cho học trò thì đột ngột ngã xuống và ra đi mãi mãi.


Giã từ cõi trần gian, sau bảy đời chồng, nữ sĩ đa truân đã bay qua thiên niên kỷ thứ ba, hãy tin ao ước của bà sẽ thành hiện thực.

Rằng ngay xưa ấy Ngân Giang

Một dòng sông lạnh muôn ngàn sao rơi

Mỗi vì sao là một vần thơ của bà.

Hà Nội, 23/8/2002

Báo Lao động 3/2002

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post

0913234182

©2020 by nhà văn Ngô Thảo. Proudly created with Wix.com

bottom of page