Nhà phê bình Ngô Thảo gắn bó chặt chẽ với văn học về đề tài người lính. Ông xuất thân từ một binh nhì, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian lao của dân tộc. Ở tuổi 80, ông vẫn liên tục ra sách với nhiều tư liệu quý về đời sống văn nghệ nước nhà, mà trung tâm vẫn là các nhà văn quân đội.
Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Ngô Thảo, cùng thế hệ với ông, nhiều sinh viên “Văn khoa Tổng hợp” (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) đi chiến trường đều cầm bút sáng tác, ít người như ông lại chọn công việc phê bình, vì sao vậy?
Nhà phê bình Ngô Thảo: Như người ta thường nói, nhà phê bình là nhà văn bất tài (cười), tôi tự thấy mình là người bất tài, không sáng tác được nên “đành” chọn làm nhà phê bình. Nói vui vậy, chứ trở thành nhà phê bình là lựa chọn có chủ đích của tôi. Từ khi còn là một anh lính binh nhì, có cơ hội được sống, chiến đấu cùng các nhà văn trên chiến trường, tôi rất cảm phục họ. Tôi vừa quan sát vừa ghi chép lại những câu chuyện về họ, làm tư liệu để giúp bạn đọc sau này hiểu hơn không chỉ về tác phẩm, mà còn về phần đời họ đã sống, chiến đấu và hy sinh, những trăn trở của họ về công việc cầm bút. Những tư liệu sống vừa khốc liệt vừa đẹp đẽ mà tôi có được trong chiến tranh đã giúp ích rất nhiều cho công việc phê bình văn học của tôi sau này.
PV: Ông đánh giá thế nào về đóng góp của đội ngũ những người sáng tác văn học nghệ thuật vào chiến thắng của dân tộc tháng 4/1975?
Nhà phê bình Ngô Thảo: Có thể nói, các văn nghệ sĩ nói chung và lớp nhà văn trưởng thành từ quân đội nói riêng đã tài tình chưng cất thực tiễn cuộc chiến tranh gian lao của dân tộc vào nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, mà mỗi tác phẩm giống như một “phi thuyền xuyên không” mách bảo cho thế hệ cùng thời và thế hệ sau về lựa chọn cách sống, lối sống, bản lĩnh và nhân cách của một đội quân mà chỉ còn gần ba năm nữa là kỷ niệm 80 năm thành lập. Một đội quân chưa hề có trong lịch sử, là sản phẩm đặc hữu của thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó chính là đội quân “Bộ đội Cụ Hồ”. Đội quân ấy đã chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh để thực hiện cho được ước mơ nghìn đời của dân ta, là xây dựng một nước Việt Nam độc lập-thống nhất. Trong thắng lợi đó, không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ với những tác phẩm văn học nghệ thuật mà họ sáng tạo ra, đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Nhưng tôi nghĩ rằng, “hiện thực đặc biệt” đó không chỉ là cảm hứng của thời đã qua, của những nhà văn đã từng sống và chiến đấu trong quân đội, mà còn là cảm hứng vô tận cho văn học hôm nay, cho các nhà văn hôm nay.
PV: Nếu làm một phép so sánh, ông thấy các nhà văn quân đội thời của ông và các nhà văn quân đội hôm nay có điểm khác nhau cơ bản nào?
Nhà phê bình Ngô Thảo: Thời của tôi, nhà văn quân đội đa số đều trưởng thành từ các đơn vị quân đội. Hồi tôi rời chiến trường về tạp chí Văn nghệ quân đội, tham gia vào dòng chảy văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài người lính, tôi không có cái mặc cảm của một người ngoại đạo. Lớp nhà văn chúng tôi có chung cái quá khứ chiến trường nên rất dễ gặp nhau khi bàn luận, cắt nghĩa một câu chuyện, một vấn đề, một tác phẩm liên quan đến quân đội, người lính. Còn nhà văn quân đội hôm nay khác thời chúng tôi rất nhiều. Phần lớn họ là nhà văn được đưa vào quân đội và trở thành lực lượng sáng tác trong quân đội.
Không chỉ nhà văn, mà lực lượng văn nghệ sĩ trong quân đội nói chung vẫn đông đảo, nhưng số người thật sự gắn bó và hiểu quân đội lại không nhiều. Tôi có một chút lo lắng là đội ngũ nhà văn quân đội hiện nay đang thiếu “ý thức lính”, họ mới chỉ khoác áo lính mà chưa thật sự mang “phong cách” nhà văn quân đội.
PV: Những biến động thời cuộc như vậy đặt ra cho nhà văn quân đội và văn học về đề tài người lính những yêu cầu gì mới, thưa ông?
Nhà phê bình Ngô Thảo: Không chỉ nhà văn quân đội mà ngay cả hình ảnh người lính hôm nay cũng đã khác. Người lính thời đất nước có chiến tranh, muốn tìm lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc là phải “xông lên phía trước”. Bây giờ thì với người lính, những năm làm nghĩa vụ quân sự là phải “lùi lại phía sau”, chấp nhận một cuộc sống khác hẳn bạn bè cùng trang lứa đang sống cuộc sống tiện nghi, nhưng bù lại là sự rèn luyện nghiêm khắc trong các binh chủng quân đội hiện đại sẽ giúp họ có được nguồn năng lượng tinh thần, kỹ năng sống mà bạn bè ngoài đời không dễ có.
Thời chiến, đối tượng phản ánh của các tác phẩm văn học nghệ thuật thường là người lính bình thường, nhưng hiện nay theo tôi, văn học, nghệ thuật phải quan tâm nhiều hơn đến đối tượng là tướng lĩnh quân đội, cảnh báo về những cám dỗ đối với cán bộ cấp cao quân đội trong thời bình. Những năm vừa qua, có hơn 20 nghìn đảng viên bị kỷ luật với nhiều mức độ. Nhiều trường hợp là tướng lĩnh cấp bộ, tổng cục, quân khu, biên phòng, cảnh sát biển và gần đây là quân y, bao nhiêu năm là niềm tự hào của nhân dân, nay đã không thể đứng vững trước danh lợi thời cuộc mà vướng vào vòng lao lý. Trong mọi nguyên nhân của sự thật đau xót này, có nguyên nhân là hệ thống cán bộ hiện đại không được giáo dục chu đáo về văn hóa mà trong đó không thể không nhấn mạnh văn học, nghệ thuật là nền tảng giúp xây dựng bản lĩnh và nhân cách cho mỗi con người. Nhiều tướng lĩnh, anh hùng vi phạm pháp luật, nhắc chúng ta rằng, xây dựng văn hóa nền cho mọi công dân là điều kiện tiên quyết cho một xã hội văn minh, ổn định.
PV: Theo ông vì sao những tác phẩm hay về hình tượng người lính trong thời bình vẫn còn hiếm hoi?
Nhà phê bình Ngô Thảo: Trong số các nhà văn trẻ của quân đội bây giờ thật khó để tìm ra một người lính nghĩa vụ trở thành văn nghệ sĩ như thời chiến tranh. Như tôi đã nói, đa số văn nghệ sĩ quân đội ta hiện có là tuyển vào quân đội, vì tôn trọng quyền tự do của người sáng tác nên ít có đơn vị ra quy chế “ăn cây nào rào cây ấy”, nghĩa là phải có tác phẩm về quân đội, nên kết quả là số lượng văn nghệ sĩ quân đội thì đông nhưng số lượng tác phẩm về bộ đội và lực lượng vũ trang thì ít, tác phẩm hay lại càng hiếm. Lâu nay ít có tác phẩm nổi trội viết về đề tài quân đội được dư luận đặc biệt quan tâm. Mấy cuốn sách gần đây được chú ý viết về chống đế quốc Mỹ, quân tình nguyện Campuchia lại đều là của các cựu chiến binh đã về hưu. Nhìn lại lịch sử thì thấy rằng, thành tựu văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình dài từ phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng người có năng lực sáng tác. Trong giai đoạn mới nhiều biến động của đất nước, để có thêm những tác phẩm xứng tầm về hình tượng người lính, rất cần có một chiến lược phù hợp bắt đầu từ nhân tố trung tâm là con người.
PV: Chỉ còn hai năm nữa (2024) là tròn 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, là người nặng lòng với dòng văn học đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, ông có đề xuất gì?
Nhà phê bình Ngô Thảo: Lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng, ngoài Bảo tàng văn học của Hội Nhà văn ra, chúng ta rất cần có một Bảo tàng văn học chiến tranh, mà nếu được hoàn thành vào dịp 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam thì tuyệt vời. Bảo tàng riêng về văn học chiến tranh này nên được đặt tại Quảng Trị, ngay bên cầu Hiền Lương và phải được số hóa. Khách tham quan trong nước và quốc tế khi đến Bảo tàng văn học chiến tranh sẽ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, những gian khổ và vinh quang mà những người lính quân đội đã đi qua, để mang về hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.
Tôi cũng mạo muội đưa ra một đề xuất, vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà nước cần có một cuộc rà soát xét duyệt và tặng thưởng xứng đáng cho các văn nghệ sĩ quân đội có cống hiến to lớn vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của nước nhà. Bởi họ chính là những người đã bằng lao động sáng tạo của mình biến “khoảnh khắc thành mãi mãi”, truyền cho lớp trẻ hào khí, tinh thần làm nên tầm vóc của con người Việt Nam hôm nay.
PV: Xin cảm ơn nhà văn Ngô Thảo về cuộc trò chuyện!
Comments