top of page
nvngothao

Nhà thơ Hoàng Cầm: Liệu còn chăng hoạn nạn?

Ông từng có một tuổi trẻ tài hoa, hào hùng và oanh liệt. Từ 8, 9 tuổi đã biết làm thơ (Từ thủa chớm biết yêu). Đỗ xong tú tài toàn phần từng đi dịch sách, viết lách cho nhà xuất bản Tân dân (Vũ Đình Long). Từng tham gia hoạt động yêu nước trước Cách mạng tháng Tám 1945…

Ông từng có một tuổi trẻ tài hoa, hào hùng và oanh liệt. Từ 8, 9 tuổi đã biết làm thơ (Từ thủa chớm biết yêu). Đỗ xong tú tài toàn phần từng đi dịch sách, viết lách cho nhà xuất bản Tân dân (Vũ Đình Long). Từng tham gia hoạt động yêu nước trước Cách mạng tháng Tám 1945...

Nhận tin nhà thơ Hoàng Cầm mất lúc 9.30 sáng ngày 6-5-2010 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, tôi chạnh nhớ câu thơ đầy tiên cảm của ông viết năm đã ngoài bảy mươi, trong bài thơ ‘Tự bạch’ khi trả lời câu hỏi cho tập sách được thực hiện theo ý tưởng của một nhóm bạn văn, do Lại Nguyên Ân và tôi tổ chức biên soạn: Nhà văn Việt Nam – Chân dung tự hoạ (1995).

Nỗi lo tiên tri đấy đã thành sự thật. Mùa xuân cách đây sáu năm, ông bị ngã, và từ đó, như bước chuẩn bị cho ngày về nơi cao xanh vĩnh hằng, ông bó mình trên tầng 5 ngôi nhà nơi hai người con vừa xây dựng. Ngoài vài lần ngoại lệ, ngồi xe lăn, xuất hiện vài nơi, như Đại hội Nhà văn lần thứ 5, ngày nhận Giải thưởng Nhà nước, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ ngày ra mắt vở kịch Kiều Loan được dựng lại sau nửa thế kỷ. Còn khi ông sinh hoạt, tiếp khách và sáng tác đề từ căn phòng nhỏ lưng trời ấy. Nhưng bước qua sinh nhật 85, sức ông ngày một xuống.

Thời gian vẫn lạnh lùng và tàn nhẫn thực thi sứ mệnh của nó: tước dần đi sinh lực và sức sáng tạo của một con người có sức sống mãnh liệt, một con người ham sống, yêu đời và yêu cuộc sống với tất cả vị đăng cay, mặn ngọt. Nhưng, ông luôn bình tĩnh đón đợi và chấp nhận. Bởi ông biết, từ lâu, cái chết đã bất lực tước đi tên tuổi của ông với tư cách tác giả những áng văn chương nhiều thể loại, trong đó có những hạt ngọc không sợ sự sàng lọc của thời gian!


Cũng trong bài thơ Tự bạch trên, ông cho ta biết:


“Bố! Nho gia nghẽn sách

Mê Châu Trinh, Sào Nam

Hễ thi là phá cách

Đành lang đồ lang thang…

Về già tưởng thua cuộc

Nuôi con mòn trăng sao.

Mẹ: gái làng quan họ

Tài sắc giàn hội xuân

Búp sen men ven chợ

Hàng xén thẹn gương tần.”


Và tác giả:

“Ra đời nơi sương khói

Dòng Tiêu tương đam si

Mỵ nương nghe vời vợi

Đắm đuối niềm Trương Chi.”


Nhưng ông có ý thức:

“Khí thiêng sông núi nhập

Duyên nghiệp thầm dư ba

Nghĩa tình quê vun đắp

Thấu dạ nghén tài hoa.

Tắm ba dòng trong đục

Sông Thương thường ly thương

Sông Cầu lơ thơ hát

Sông Đuống se nghiêng buồn.”


Quả vậy, ông từng có một tuổi trẻ tài hoa, hào hùng và oanh liệt. Từ 8, 9 tuổi đã biết làm thơ (Từ thủa chớm biết yêu). Đỗ xong tú tài toàn phần từng đi dịch sách, viết lách cho nhà xuất bản Tân dân (Vũ Đình Long). Từng tham gia hoạt động yêu nước trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong và sau Cách mạng, tham gia văn hoá cứu quốc, tổ chức đoàn kịch, diễn kịch (Trong đó có Kiều Loan). Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đưa đoàn kịch đi phục vụ quân dân vùng các tỉnh lân cận Thủ đô. Năm 1947, cả hai vợ chồng cùng nhiều văn nghệ sĩ gia nhập quân đội. Ông lại tham gia lập Đội tuyên truyền lưu động, tiền thân các đơn vị nghệ thật trong quân đội. Năm 1952 được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị. Sau hoà bình 1954, văn công phát triển, ông được cử làm Trưởng đoàn kịch nói quân đội.


Những năm tháng này, không chỉ sáng tác, ông còn là một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng với giọng ngâm thơ trầm hùng, cuốn hút mà ngày nay ít ai sánh kịp. Cũng không thể quên, những năm đầu chống Pháp, hàng loạt văn nghệ sĩ tiền chiến hăng hái tham gia công tác kháng chiến nhưng sáng tác còn nhiều lúng túng, thì Hoàng Cầm với các bài thơ: Tiếng hát Sông Lô, Bên kia sông Đuống, Đêm liên hoan… đã nổi lên như một trong không nhiều tác giả được công chúng yêu mến rộng rãi.


Sau 1955, do nhu cầu, ông được điều về Nhà xuất bản của Hội Văn nghệ. Ông có tên trong Ban chấp hành đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam 1957, mà cũng là hội viên sáng lập.


Do tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm, ông bị kỷ luật treo bút ba năm. Nhưng đất nước bận vào chiến tranh, cái án đó kéo dài gấp mười lần. Bước vào thời kỳ Đổi mới, cũng một số bằng hữu đồng lứa, ông được khôi phục Hội tịch Hội Nhà văn. Các sáng tác của ông được công bố đầy đủ, và ta thấy hiện rõ chân dung một nhà thơ lớn với những tác phẩm thẫm đẫm lòng yêu đất nước, yêu lịch sử dựng và giữ nước oai hùng với những tầng sâu văn hoá cội nguồn trong trẻo và ấm sáng.


Mặc cho những lận đận trong cuộc đời, những vần thơ ông không hề có chút oán hận, bi quan.


Chất văn hoá kinh Bắc thấm đẫm trong thế giới giàu có của thơ ông, và đến lượt các tác phẩm của ông đã làm rạng danh tình yêu, con người, tình yêu quê hương đất nước của miền Quan họ.


Đã mấy chục năm nay, đêm trước Hội Lim, 12 tháng Giêng, đám bạn bè văn nghệ hậu sinh chúng tôi đã có thói quen, hẹn nhau tới nhà mừng sinh nhật ông. Rất nhiều năm, đó là một đêm đông vui, rộn ràng lời ca, tiếng hát, hoa đẹp, rượu quý! Khách xa gần, trong ngoài nước đều có.


Sinh nhật 89 của Người, đã vắng vẻ hơn. Từ dạo trong năm, nhà thơ đã ít ngồi dậy, trí nhớ sa sút nhiều, người chỉ còn da bọc xương. Nhưng, mấy ai ngờ, ông đã ra đi sớm vậy.


Nguyện cầu linh hồn nhà thơ thanh thản về miền thơ viễn xứ. Bởi ở trần gian này ông đã để lại một nghiệp thơ vì cái Đẹp, cái Thật, cái Thiện như ông hằng tìm kiếm./



4 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentários


Post: Blog2 Post
bottom of page