top of page
  • nvngothao

Nhà văn Ngô Thảo: Và “Của để dành”...

2016. Hẹn gặp nhà văn Ngô Thảo trong cái rét đầu đông của Hà Nội. Trên căn phòng làm việc ở tít tận tầng 11 của khu cao ốc trên phố Lý Thường Kiệt, con phố sang chảnh nhất nhì của Thủ đô Hà Nội, Ngô Thảo có một chốn nhỏ hòa mình trong thiên nhiên để tiếp bạn, và viết...

Với một nhà văn cả đời chỉ biết cầm bút chơi với chữ, ở tuổi thất thập cổ lai hy, khỏe mạnh, an vui, có một phòng văn ấm áp, tiện nghi, ngó ra ban công đã có thể chạm mắt vào hồ Hoàn Kiếm chỉ để đọc sách và ngẫm nghĩ về đời sống này thôi thì đó là thiên đường.

1. Có lẽ, nỗi sợ đáng kể nhất của những nhà văn, cả đời chỉ biết có chữ nghĩa thì lúc về hưu, rời cái góc nhỏ bề bộn nơi phòng làm việc của cơ quan mà mình đã gắn bó đến gần trọn cuộc đời, họ sẽ phiêu dạt về đâu trong bộn bề đời sống khi mà trong trái tim và khối óc của họ vẫn ngồn ngộn thứ để viết. Nhiều nhà văn đã chọn lối sống ẩn dật, trở về ngôi nhà nhỏ của mình và khép lại cái thế giới ồn ào sôi động bên ngoài để tĩnh lặng riêng mình. Đời sống của nhà văn vốn dĩ đã lặng lẽ, khi về hưu phần nào lại càng lặng lẽ hơn xưa.

Nhà văn Ngô Thảo thì ngược lại. Hơn chục năm nay, kể từ ngày nghỉ đời công nhân viên chức, đây mới là quãng thời gian thú vị với nhiều việc ý nghĩa mà ông tâm huyết chỉ chực có thời cơ là thực hiện. Ngô Thảo đi nhiều, tìm lại chiến trường xưa, tìm lại bạn bè đồng chí, tri ân với đồng đội, cả những người đang sống hay đã khuất. Ông làm tất cả những việc không của riêng ai, như là bổn phận người lính còn sống lành lặn từ chiến trường trở về mang món nợ lớn với bao đồng đội đã hy sinh.

Với một trái tim giàu trắc ẩn, một tấm lòng thiện, Ngô Thảo đã đến với bạn bè cũ, đã thăm hỏi, sẻ chia, in sách, tổ chức tiệc sinh nhật cho đồng đội các nhà văn còn sống. Ông có mặt ở nhiều tang lễ nhà văn, với tư cách là người thân, là người đứng ra lo cho bạn bè những giây phút cuối. Những việc Ngô Thảo làm vì đồng đội bạn bè nhiều lắm, đến nỗi nhắc đến Ngô Thảo, bạn văn chương một lòng yêu mến. Những ai đã là bạn của Ngô Thảo đều quý mến ông ở tấm lòng, ở cách chơi, cách đối nhân xử thế.

Cuộc đời nhà văn Ngô Thảo là cuộc đời của một người lính cầm bút, thoát bom đạn sinh tử từ chiến trường trở về sau thời bình với một tấm lòng nhiều trắc ẩn. Về với đời thường biết bao gian nan vất vả. Bao phen suýt chết, thoát chết cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Những tai nạn hi hữu, những lúc gặp bệnh tật nan y tưởng không thể qua khỏi.

Thế nhưng, ông lão Ngô Thảo sau tất cả những trận gió to sóng cả, vẫn vượt thoát ngoạn mục với nụ cười tủm tỉm an nhiên tự tại trên môi, trên gương mặt đôn hậu mà chúng tôi vẫn đùa ông là gương mặt của người có Phúc.

Ngô Thảo nhiều bạn, và thường xuyên chiều bạn. Ở đâu có Ngô Thảo ở đó có hội hè vui vẻ… Ngô Thảo hình như ăn về hậu vận. Và cái hậu vận quý giá của nhà văn, và là niềm mơ ước có lẽ với bất kỳ ai về già ấy là có của để dành. Gia tài để dành ở đây chính là con cái.

Giá trị sống lớn nhất, ý nghĩa nhất, và mang lại nhiều hạnh phúc nhất cho mỗi người không chỉ có việc ta đã cống hiến được gì cho cuộc đời mà hậu duệ của ta, con cái của chính chúng ta đã thắp sáng được giấc mơ của cha mẹ chúng. Con cái thành đạt là niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh nổi.


2. Của để dành đáng tự hào nhất của nhà văn Ngô Thảo ấy là những đứa con. Những đứa con đã cống hiến cho đời những giá trị nho nhỏ về văn hóa. Và bạn bè ông, giới điện ảnh không ai là không biết thương hiệu công ty BHD của các con Ngô Thảo. Ra đời từ năm 1996, Công ty TNHH BÌNH HẠNH ĐAN là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh.

Hiện nay công ty mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim nhựa, phân phối phim nhựa cho hệ thống các rạp chiếu phim trên toàn quốc. Hẳn những ai yêu âm nhạc, hay theo dõi kênh truyền hình từ những năm đầu của thập kỷ 90 sẽ ấn tượng với chương trình Những bài hát còn xanh do biên tập viên Ngô Thị Bích Hiền - một gương mặt đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với khán giả truyền hình bởi sự tinh tế nhẹ nhàng của người dẫn chuyện. Chương trình tồn tại một thời gian rất dài, thu hút đông đảo khán giả yêu thích. Những bài hát còn xanh kết thúc, chuyển sang chương trình mới là Địa chỉ văn hóa cũng rất ấn tượng. It ai biết rằng, các con của nhà văn Ngô Thảo là một trong số ít những người đầu tiên mở đầu cho xã hội hóa truyền hình, sản xuất những chương trình hợp tác đầu tiên với Đài truyền hình.

Cũng ít ai biết, Công ty BHD tiền thân từ một cửa hàng bán đồ lưu niệm Ba hạt dẻ của hai cô con gái nhỏ Bích Hiền, Bích Hạnh, sau này là chủ nhân của tập đoàn BHD. Chính là các con gái con rể của nhà văn Ngô Thảo, đặc biệt là hai con gái Ngô Thị Bích Hiền và Ngô Thị Bích Hạnh, và con rể Nguyễn Phan Quang Bình là những người sáng lập ra công ty gia đình BHD và làm nên thương hiệu đình đám BHD trong nước cũng như quốc tế.

Nhà văn Ngô Thảo có ba người con, hai gái và một trai. Cả ba con của ông đều tự tìm ra công ăn việc làm cho mình. Con trai Ngô Vĩnh Hoàng, từng du học ở Pháp, đến giờ vẫn làm những công việc độc lập trong nhiều chuyên ngành nghệ thuật. Nhưng được biết đến nhiều hơn, phải kể đến hai cô con gái. Nhắc đến hai cô con gái của mình, trong một ngày đầu đông, khi mà các con vừa tổ chức sự kiện đình đám kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của Công ty BHD và khai trương cụm rạp chiếu phim thứ 7 của Công ty BHD tại Vincom center số 2 Phạm Ngọc Thạch, tăng số lượng cụm rạp chiếu phim của BHD lên đến 7 địa điểm trong cả nước, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ: Có một gia đình an yên, trước hết, tôi mang ơn người con gái tên là Vũ Thị Bích Lộc. Là bạn cùng học từ cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng- Vinh, nàng đã gan góc và liều lĩnh nhận lấy một anh Binh nhì , mồ côi cha mẹ, khi vừa tốt nghiệp Đại học. Bích Hiền mới 3 tuổi đã được mang theo vào giới tuyến Vĩnh Linh để tìm thăm chồng, vừa từ chiến trường theo đơn vị về hậu cứ. Chuyện này đã là điểm xuất phát để con rễ Nguyễn Phan Quang Bình làm đạo diễn bộ phim đầu tay Vũ khúc con cò ( Kịch bản Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Thu Bồn ). Bà cũng là người chịu đựng được những người bạn rất cá tính của chồng. Ngay trong những năm còn cơ hàn, nhà chỉ có diện tích chưa đến 20m2,vẫn là nơi tụ bạ, lui tới của bạn bè thập phương.


"Điều mà tôi yên tâm đối với các con của mình, không phải việc các cháu làm ra nhiều tiền, hay trở thành người nổi tiếng, hay làm ra được một thương hiệu có giá hàng triệu đô la. Ngay bây giờ, nếu bán thương hiệu này đi, các cháu đã có đủ tiền để sống thoải mái đến hết đời mà không phải suy nghĩ. Nhưng các con tôi đã lựa chọn làm việc, và để kiếm đủ tiền hàng tháng chi trả cho khoảng hơn 500 nhân viên của tập đoàn BHD nghĩa là các con tôi đã chọn vất vả và kèm cả rủi ro.

Tôi mừng bởi các cháu luôn muốn cống hiến, và mong muốn làm ra được những tác phẩm văn hóa có ích cho xã hội. Các cháu đều là những người yêu lao động, chăm chỉ làm việc. Dù công việc thiên về kinh doanh, nhưng các cháu luôn lấy tiêu chí nhân văn lên hàng đầu, nó như là quan điểm kinh doanh, nền tảng văn hóa, truyền thống của gia đình xưa nay cha mẹ truyền lại cho và các cháu vẫn trân trọng gìn giữ. Các cháu đều là những người có trái tim nhân hậu, biết quan tâm tới người khác, biết lắng nghe và sẻ chia.

Để tồn tại được trong thế giới showbiz và xây dựng phát triển mạnh thương hiệu của mình là không đơn giản. Nếu chỉ đặt mục đích lợi nhuận lên trên hết thì mọi việc có thể sẽ dễ dàng hơn, nhưng quan trọng là chúng sẽ để lại gì cho cuộc đời. Tôi đọc được tinh thần đó ở Hiền, Hạnh, Bình. Chúng có lý tưởng, và luôn phấn đấu với mong muốn cống hiến được những giá trị văn hóa lớn trong những tác phẩm điện ảnh, trong các chương trình nghệ thuật cho đời. Đó mới là điều tôi an tâm nhất ở các con.”

Ngô Thảo mang cho tôi cuốn sách nhỏ của hai cô con gái Bích Hiền, Bích Hạnh những năm tháng đầu đời: Gọi mùa thu bay đi. Ông trân trọng lặng giở từng trang sách nhỏ. Nhìn người cha già trở nên run run chạm tay vào những ký ức, những kỷ niệm về các con của mình trên từng trang sách đã ố màu, trên từng trang văn, từng con chữ của các con mới thấy hết tình yêu, sự trân quý của ông đối với kho của để dành của mình. Hai cháu gái con của Bình –Hạnh: Nguyễn Phan Thảo Đan, Nguyễn Phan Linh Đan, ngay khi đang học ngành Điện ảnh ở Đại học New York đã có tác phẩm tham dự các liên hoan phim quốc tế.

Ngô Thảo cười, ông nói đời yên tâm nhất là có "kho của để dành". Trong gia tài văn chương, sự nghiệp ông coi mỏng nhẹ tựa gió đông kia, thì cái kho của để dành của nhà văn Ngô Thảo với ông mới là vô giá. Âu đó cũng là phước báu, là phúc phận của nhà văn Ngô Thảo để dành.


3. 2021 Ai nói lão nhà văn Ngô Thảo đã bước sang tuổi Bát thập. Ai hình dung cách đây mấy năm ông từng qua cơn bạo bệnh “thót tim”. Ai cho rằng lão nhà văn Ngô Thảo là người lặng lẽ. Ông chỉ là người viết lặng lẽ thôi, còn với đời sống thường nhật, lẫn thế giới tinh thần của lão nhà văn lại vô cùng sôi động và phong phú mà không dễ ai, kể cả người trẻ bì kịp. Cứ nhìn cách lão nhà văn chơi và một ngày đẹp trời lại ra sách mới, cuốn nào cũng trên dưới 500 trang mới thấy sức lao động của ông thật là đáng nể.

Là người đã cầm bút từ đầu những năm 1960 và ròng rã cho đến tận lúc này ngót 60 năm. Những bài phê bình văn học đầu tiên được đăng khi còn học năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Luận văn tốt nghiệp năm thứ 3 về nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã được đăng trên Tạp chí Văn học từ 1963. Nhưng ra trường, về Viện Văn học chưa được nửa năm, ông đã đi bộ đội, và có một mạch 20 năm mặc áo lính, từng mấy năm chiến đấu trong đơn vị pháo binh ở chiến trường B 4- Trị Thiên, trước khi về tạp chí Văn nghệ Quân đội.


Cuốn sách đầu tiên ra đời năm 1978 Từ cuộc đời chiến sĩ- Phê bình, tiểu luận, cho đến năm 2021 này, đã cho ra đời 15 đầu sách, mà cuốn nào cuốn nấy đọc cái tên sách lên là đã thấy người viết công phu cực nhọc thu thập tài liệu và ghi chép điền dã tỉ mỉ, công biên soạn sưu tầm dài hơi đến thế nào.. Đó là Năm tháng chưa xa rồi Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập; Đời người đời văn; Văn học với đời sống, đời sống văn học ; Như cuộc đời, Sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường; Văn học về người lính; Mây bay về núi, Thao thức với phần đời chiến trận. v.v.v.


Lão nhà văn Ngô Thảo đặc biệt nặng tình với đồng chí đồng đội, với bạn văn chương. Tôi đã từng chứng kiến sự dày công của ông với cuốn sách Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập. Ngày đó tôi còn đang là phóng viên tờ An ninh thế giới, ông đã tìm đến tôi và kể lại câu chuyện của cố nhà văn Nguyễn Thi và nhờ tôi đưa câu chuyện đau lòng thời hậu chiến của gia đình nhà văn Nguyễn Thi lên báo An ninh Thế giới, để độc giả hình dung rõ hơn số phận văn chương và số phận cuộc đời dâu bể của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi. Tôi quen lão nhà văn Ngô Thảo từ đó, cùng đồng hành một phần với ông trong câu chuyện hậu chiến của nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi. Tôi cùng ông đến gặp và trò chuyện nhiều lần với vợ của cố nhà văn Nguyễn Thi và đưa câu chuyện của bà lên báo.

Thời đó không chỉ liên lạc với báo An ninh thế giới, nhà văn Ngô Thảo còn liên lạc với một số tờ báo lớn để đưa câu chuyện của liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Thi lên, đưa bạn đọc trở lại những năm tháng chiến đấu và sự cống hiến sáng tạo của nhà văn Nguyễn Thi trong chiến trường với những trang sách được viết trong mưa bom, bão đạn thấm đẫm về cuộc chiến trong những trải nghiệm khốc liệt nhất. Cũng chính nhà văn Ngô Thảo đã có công đi Nam về Bắc, gặp đồng đội cũ của Nguyễn Thi, sưu tầm tập hợp lại những di cảo để lại của liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Thi để có được cuốn sách toàn tập quý giá về văn về đời Nguyễn Thi.

Sau này ông tiếp tục giúp gia đình đồng đội cũ của mình - nhà thơ Thu Bồn nhiều việc như làm cuốn sách Tráng sĩ hề dâu bể xuất bản năm 2013 kỷ niệm 10 năm ngày mất Thu Bồn; Tuyển tập thơ Thu Bồn; Tuyển tập trường ca của Thu Bồn; và làm hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn Thu Bồn. Năm 2017, ông đã cùng bạn hữu và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình Đêm thơ Thu Bồn nhân dịp ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Năm 2011, lão nhà văn Ngô Thảo nổi sóng trên văn đàn với cuốn Dĩ vãng phía trước. Là cuốn sách tư liệu văn học liên quan đến chuyện đời, chuyện văn một thuở của nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ… trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Đó là giai đoạn đất nước đang phải trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước. Các nhà văn cùng thời hoặc là bậc đàn anh cha chú của nhà văn Ngô Thảo đã và đang vừa cầm súng vừa cầm bút, đi sơ tán ở các chiến khu để sáng tạo nghệ thuật góp phần cùng cả nước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhà văn Ngô Thảo may mắn được góp mặt trong giai đoạn ấy cùng các văn nghệ sĩ lớn. Tập sách Dĩ vãng phía trước là một cuốn sách tư liệu văn học chứa đựng cảm xúc, suy nghĩ về văn học thời chiến tranh, do nhà văn Ngô Thảo góp nhặt công phu trong nhiều năm kể lại.

Cũng cần phải nói thêm rằng, nhà văn Ngô Thảo từng có 15 năm công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1971-1985), từng là lính chiến đấu tại chiến trường B4 (Trị Thiên)… bởi thế, qua những trang viết trong Dĩ vãng phía trước, độc giả có thể gặp những nhà văn chiến sĩ, tên tuổi của họ để lại trong lịch sử văn chương như: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Thúc Tề, Nguyễn Đình Lạp, Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Dương Thị Xuân Quý…

Những nhà văn, chiến sĩ ấy được Ngô Thảo đưa vào trong sách của mình không chỉ như tạc bia cho họ, mà còn chỉ ra một bức tranh có tầm vóc về nền văn học cách mạng. Ông viết về họ một cách nâng niu, như nâng niu chính quá khứ của mình… Đó là những cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc; bài nói chuyện của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu hay những ghi chép đáng quý tại Hội nghị nhà văn Đảng viên bàn về văn học...


Bởi đã từng là một người lính vào sinh ra tử, nên suốt cuộc đời cầm bút viết phê bình, Ngô Thảo chỉ định vị một hướng, là quan tâm đến các tác phẩm văn học chiến tranh, các tác giả văn học chiến tranh. Ông quan niệm nếu nhà văn xây dựng tác phẩm bằng ngôn ngữ của đời sống thì nhà phê bình là người phải biết xây dựng hệ thống tư tưởng của cá nhân anh ta trên nguyên liệu là tác phẩm của các nhà văn và kinh nghiệm, vốn sống của chính mình. Chiến tranh là câu chuyện quá khứ, nhưng khi soi rọi vào đời sống hôm nay, với sự sắc sảo của mình, Ngô Thảo chỉ ra cho chúng ta nhiều bài học quý giá, không chỉ trong sáng tạo tác phẩm văn học…

Và một điều đặc biệt nữa về cuốn sách Dĩ vãng phía trước, lão nhà văn Ngô Thảo đã hoàn thành nó trong giai đoạn cam go nhất của đời mình. Ông bị căn bệnh ung thư hành tá tràng dày vò, phải bay qua bay lại giữa Việt Nam và Singapore để làm hóa trị. Bởi từng là một người lính trước khi trở thành một nhà văn và từng là một nhà văn cầm súng nên có lẽ mối hiểm nguy của cái chết chưa từng khiến lão nhà văn chùn bước. Thật may, cứ ngỡ đó là cuốn sách cuối cùng, nhưng hóa ra người hiền trời không nỡ gọi , lại tiếp tục gia hạn cho ông những năm tháng dài để ông tiếp tục sứ mệnh một người cầm bút.. Sau cuốn Dĩ vãng phía trước, ông tiếp tục cho ra mắt thêm 4 cuốn sách mới và ấn phẩm mới nhất là Lặng lẽ những đời văn. Nối tiếp các cuốn sách tư liệu: Thư chiến trường ,Nghiêng trong bóng chiều; Bốn nhà văn nhà số 4, lão nhà văn tâm sự: “Ra mắt sách vào tuổi 80 là một trong muôn vàn cố gắng góp phần lưu giữ một số kí ức về những tác giả và tác phẩm đó. Tập sách cũng lưu giữ những ý kiến cá nhân về hiện tình đất nước, về văn hóa và văn học nghệ thuật trong nhiều thời gian. Thẳng thắn và trung thực, với tinh thần trao đổi, nhìn vào từng loại hình nghệ thuật cụ thể, đề nghị những giải pháp khả thi để đưa văn hóa và VHNT phát triển, cân bằng với kinh tế, khoa học kỹ thuật, xứng đáng là nền tảng tinh thần của một xã hội Việt Nam phát triển”.


Ngô Thảo được biết đến trên văn đàn như một nhà lý luận phê bình điềm đạm. Ông là tác giả của 15 cuốn sách, bao gồm lý luận phê bình, biên soạn, ghi chép. Tuyển Tiểu luận Phê bình văn học của Ngô Thảo do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010 là những tổng kết về sự chiêm nghiệm của ông về nền văn học Việt Nam và những chân dung văn học không thể nào không kể đến.

Ông từng đoạt các giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995 với tác phẩm Như cuộc đời; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm Văn học về người lính;Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Bộ quốc phòng với tác phẩm: Dĩ vãng phía trước; Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật năm 2012.

Báo Văn nghệ Công an số 316 ngày 17-11-2016

Số 575 ngày 11-11-2021

6 views0 comments

Recent Posts

See All

CHO NGÀY 30-4: CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Thời gian là cỗ máy mài vô tình và tàn nhẫn đối với ký ức cá nhân. Trong biển thông tin hỗn loạn và nhiều kênh hôm nay, ký ức lại càng gặp nhiều thách thức thường trực và dữ dội. Một cách cổ sơ và thủ

Post: Blog2 Post
bottom of page