top of page
  • nvngothao

Những trang sách tri ân người anh hùng




Bạn đọc đang cầm trên tay cuốn sách mang tên: “Sống mãi trên mảnh đất anh hùng”- được viết theo thể loại truyện ký, về cuộc đời của một người anh hùng đã cống hiến tuổi xanh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang.


Trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong thế kỷ 20, có biết bao người anh hùng đã thầm lặng ngã xuống như Nguyễn Kim Vang. Xương máu của những con người con thân yêu đó đã thấm vào đất đai cây cỏ, cho mặt đất hôm nay bừng lên sức sống, cho nụ cười hòa bình nở trên môi bao em thơ.


Nguyễn Kim Vang chỉ sống trên cuộc đời vỏn vẹn 28 năm. Nhưng 28 năm đó anh đã kịp lập nên nhiều chiến công hiển hách, đóng góp vào trong trào cách mạng của dân tộc. Anh đã dành tất cả thanh xuân của mình để sống chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Người anh hùng đã khuất, nhưng câu chuyện về anh còn được kể lại cho hôm nay và mai sau, để tuổi trẻ hôm nay biết rằng có những con người một thời đã sống, chiến đấu và hy sinh như vậy. Để các thế hệ tiếp nối có thể tự hào về cha anh, và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn hòa bình cho Tổ Quốc, kiến thiết và xây dựng đất nước cho muôn đời sau.


Cuốn sách được thể hiện dưới ngòi bút của hai tác giả: Bình Nguyên Trang và Nguyễn Bá Thuyết khá sinh động. Được biết, Nguyễn Bá Thuyết là nhà báo rất xông xáo trên mảnh đất Phú Yên và Nam Trung Bộ. Anh là đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Còn Bình Nguyên Trang là nhà văn thuộc thế hệ 7X, từ lâu đã được biết đến với những tác phẩm ấn tượng thuộc nhiều thể loại truyện ngắn, thơ, bút ký. Bình Nguyên Trang đã từng nhiều năm làm báo trong lực lượng vũ trang- Báo Công an Nhân dân, trước khi chuyển về công tác tại báo Nhân Dân. Nhấn mạnh điều này để thấy, hai tác giả của cuốn sách đều từng công tác trong lực lượng vũ trang, chính vì vậy, họ có lợi thế khi xây dựng lại chân dung người anh hùng Nguyễn Kim Vang- một người lính biên phòng, sau này là một cán bộ an ninh đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng ở chiến trường Phú Yên.


Cuốn sách cung cấp cho ta rất nhiều tư liệu về một người lính, một AHLLVT. Nguyễn Kim Vang sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tại xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, và giống như bao thiếu niên Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ, cậu bé sớm nung nấu trong lòng những ý tưởng cao đẹp, phải học tập, rèn luyện, chiến đấu để bảo vệ quê hương. Nền tảng gia đình, đặc biệt là người cha Nguyễn Lựu, cũng là một người lính can trường đã từng vào sinh ra tử đã nuôi dưỡng trong các con của ông, đặc biệt là Nguyễn Kim Vang, một tình cảm sâu sắc, một tấm lòng chung thủy với cách mạng, một ý chí mạnh mẽ quyết chiến đấu để giành cho được độc lập, thống nhất đất nước. Dưới sự định hướng của người cha, Nguyễn Kim Vang sớm được đưa ra miền Bắc khi tuổi còn nhỏ, được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, trải qua nhiều năm tháng thử thách trui rèn trong các môi trường chiến đấu khác nhau, để cuối cùng trở về miền Nam và lập những chiến công lớn cho đến khi hy sinh ngày 26/2/1972.


Cuộc đời của người anh hùng không dài, nhưng những nẻo đường anh đi qua thì rất dài, gắn với những giai đoạn lịch sử khó khăn, gian nan của dân tộc. Các tác giả đã cố gắng đi tìm lại dấu chân của người anh hùng, từ khi sinh ra tại miền quê giàu truyền thống yêu nước, đến những năm tháng học ở trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, rồi trở thành sĩ quan biên phòng, đi chiến đấu tiễu phỉ ở biên giới Việt Lào, rồi lên biên cương Cốc Lếu- Lào Cai, đặc biệt hành trình vượt con đường Trường Sơn huyền thoại, băng qua mưa bom bão đạn để trở về miền Nam làm nhiệm vụ cách mạng. Mỗi bước chân của người anh hùng được kể lại sinh động nhờ việc các tác giả đã “chịu khó”, dành nhiều thời gian đi và gặp những nhân chứng- những người cùng thời đã sống và chiến đấu với Nguyễn Kim Vang, cùng với việc tìm kiếm và nghiên cứu tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau. Chọn thể loại truyện ký để thể hiện lại câu chuyện là cách làm khôn ngoan của các tác giả, ở đó họ vừa có thể bám vào các chi tiết về cuộc đời nhân vật, trên những tư liệu cụ thể, lại vừa có thể phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình để cho đời sống nhân vật được dày dặn hơn, thuyết phục hơn. Những trang viết về những năm tháng tiễu phỉ ở Nghệ An, những ngày “mưa dầm cơm vắt” vượt Trường Sơn, mối tình đầu với người nữ biệt động, và đặc biệt là sự hy sinh của người anh hùng trên mảnh đất quê hương là những trang viết thực sự xúc động trái tim người đọc. “Sống mãi trên mảnh đất anh hùng” mang giá trị văn học sâu sắc nhờ những trang viết cảm động như vậy. Các tác giả đã bằng cả tình yêu, sự trân trọng, lòng biết ơn của mình để dựng lại chân dung một người anh hùng, đã kiên gan bền chí, không ngại hy sinh gian khổ, không tiếc máu xương cho hòa bình độc lập của dân tộc.


Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Thế hệ trẻ hôm nay đang được sống trong hòa bình, được hưởng những hoa trái là thành tựu kết tinh từ sự hy sinh thầm lặng của bao lớp người đi trước, những con người thầm lặng như Nguyễn Kim Vang. Những trang sách về cuộc đời những con người đã hiến dâng tuổi xuân cho cách mạng vẫn luôn cần thiết trong hôm nay, như một cách để chúng ta được gặp lại họ, chiêm nghiệm lại giá trị của hòa bình, của hạnh phúc và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng, bảo vệ, kiến thiết đất nước. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến thế hệ trẻ. Những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay cần được nghe lại câu chuyện về cuộc đời của những người trẻ năm xưa, như AHLLVT Nguyễn Kim Vang, để tìm cho mình một lý tưởng sống mới , cống hiến nhiều hơn cho dân tộc, cho xã hội. Bởi quá khứ huy hoàng của dân tộc Việt Nam đã được viết lên từ những con người như Nguyễn Kim Vang.


Nhà văn Ngô Thảo

20 views0 comments

Recent Posts

See All

NGHĨ VỀ CÁI KHÁC CỦA VĂN HÓA- THỂ THẢO- DU LỊCH

Góp ý Dự thảo Chiến lược văn hóa 2021-2030 : Nước Việt Nam mình có một thể chế khác với nhiều nước trên thế giới, nên trong tổ chức hành chính cũng có những nét khác biệt. Có một bộ mang tên Văn hóa-

ĐỂ GIỮ GIÁ TRỊ CHO GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

LẠI BÀN VỀ GIẢI THƯỞNG VHNT Báo Thời nay= Phụ trương báo Nhân dân số ra ngày thứ 2-15-3 2021 Giải thưởng cho các tác giả và tác phẩm VHNT là một vấn đề không mới. Hồ sơ văn thư lưu trữ ở Phòng Phủ T

Post: Blog2 Post
bottom of page