Những người làm sân khấu, mà chắc không chỉ giới sân khấu, thật sự vui mừng khi thấy NSND Dương Ngọc Đức có tên trong danh sách không nhiều đạo diễn sân khấu được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2011 . Sự muộn màng này với người đạo diễn hàng đầu của sân khấu VN hiện đại có lý do ở tiêu chí xét giải.( Ông mất ngày 3 tháng 6 năm 2010). Ngay từ đợt đầu, một số đạo diễn xuất sắc đã đươc đề nghị, nhưng lúc đó lúc đó lại chỉ xét tặng tác phẩm của các tác giả kich bản. Cũng đợt đó một số vở múa, bộ phim lại được xét. Một tác phẩm sân khấu chỉ thực sự góp mặt trong đời sống khi nó được dàn dựng trên sàn diễn. Trong sân khấu hiện đại, tác giả của vở diễn đó chính là đạo diễn.
Không như các vở diễn được dàn dựng những năm gần đây, đặc biệt của các đơn vị phía Bắc, tuổi đời ngắn, suất diễn thưa, nhiều năm, cả trong chiến tranh, và sau giải phóng, dù đời sống muôn vàn khó khăn, mà nhiều vở hay có tuổi đời hàng chục năm, có suất diễn lên đến hàng ngàn lần. Ai cũng biết, sân khấu dân tộc có tuổi đời hàng ngàn năm, cải lương và kịch nói xuất hiện vậy là cũng đã xấp xỉ trăm năm. Xưa nay vẫn có những người suốt đời chỉ làm một nghiệp con hát. Nhưng các gánh hát khắp nam bắc hợp tan, tan hợp là thường xuyên. Nghệ sĩ tuổi đời cao có nhiều, mà hiếm có đoàn hát có tuổi thọ đáng kể. Chỉ từ sau hòa bình 1954, ở Miền Bắc mới lần lượt thành lập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của từng kịch chủng. Nhiều đoàn trong đó đã tồn tại qua hơn nửa thế kỷ. Cũng từ bấy giờ một số đoàn mới xuất hiện chức danh Đạo diễn. Nhưng phải đến nhưng năm 60 của thế kỷ trước,sân khấu mới thực sự có các đạo diễn chuyên nghiệp được đào tạo bài bản ở các nước trong khối XHCN. Chính họ đã cùng thế hệ nghệ sĩ đàn anh tạo nên một nền sân khấu VN hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc, định hình các kịch chủng, và đưa sân khấu nước nhà đạt đến một đỉnh cao mới về thành tựu nghệ thuật cũng như khả năng lôi cuốn hấp dẫn công chúng rộng rãi, thực hiện xuất sắc sứ mệnh xã hội của nghệ thuật mà chưa một thời đại nào trong lịch sử đạt đến.Trong những người góp tài, góp sức đặt nền, xây móng, bồi dưỡng, vun đắp và sáng tạo nên nền sân khấu giàu các giá trị nhân văn và cao thượng ấy, tên NSND Dương Ngọc Đức luôn được nhắc ở hàng đầu. Không chỉ vì ông từng là người đứng đầu hai đơn vị kịch nói lớn là Hải Phòng(1964-1971) và Kịch nói Trung ương(1972-1983), ba khóa là Tổng thư ký-Bí thư Đảng đoàn Hội NSSKVN(khóa 2-3-4 1983-1999), Đại biểu Quốc hội hai khoá 7 và 8; nói đúng hơn, là từ những thành tựu nghệ thuật của một đạo diễn mà ông được giới sân khấu cả nước tín nhiệm bầu vào các chức danh trên.
Chàng trai phố cổ Hà Nội (Phố Mã Mây ) có năng khiếu nghệ thuật từ thuở ấu thơ, nhưng lớn lên gặp lúc đất nước có chiến tranh, như bao bạn bè xuất sắc đồng lứa, sau đêm cả đô thành bốc cháy sau lưng, những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng,rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm, bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Chiến đấu xuất sắc,ông được cử đi học Trường Lục quân VN những khóa đầu tiên. Những năm trong quân ngũ, năng khiếu văn nghệ của ông vẫn luôn được phát huy, nên sau hòa binh, 1957, ông được phân công về làm cán bộ chinh trị của Đoàn kịch nói Trung ương. 1959, ông được cử đi học đạo diễn ở Lêningrat( bây giờ là Peterbua). 1964, tốt nghiệp trở về, ông nhận phụ trách Đoàn kịch Hải Phòng còn rất non trẻ. Đó cũng là thời điểm chiến tranh phá hoại lan ra cả nước. Thành phố Cảng Hải Phòng là một trọng điểm đánh phá của địch. Bảy năm ở đó, Dương Ngọc Đức đã tạo dựng đươc một đoàn kịch mạnh với những vở diễn đặc sắc: Lưới thép, Chiều cuối, Anh còn sống mãi , Lật đất, Ma sa. Cùng với các vở diễn đó là một tập thể tên tuổi nghệ sỉ được đông đảo công chúng yêu mến: Ngọc Hiền, Anh Đào Vân Thìn, Lệ Thu, Ngọc Thủy, Lưu Thao, Thăng Long, Trần Vinh, Lê Chức, Hoàng Long…Củng những năm này, anh còn có các vở diễn gây được tiếng vang lớn là vở Tấm vóc Đại hồng của Đoàn Chèo Hải Phòng và vở kịch Tiền tuyến gọi của Đoàn kịch Hà Nội. Mỗi vở đã có hàng ngàn đêm diễn, phục vụ công chúng rộng rải ở nhiều vùng miền khác nhau, và đã thực sự góp sức cổ vũ lớp lớp thanh niên ra trận.
Được điều về làm Chỉ đạo nghệ thuật rồi Đoàn trưởng Đoàn kịch Trung ương, 12 năm ở đây là thời gian sáng tạo rưc rỡ nhất với tư cách đạo diễn của Anh. Dấu ấn đầu tiên là dưng vở Đôi mắt, vốn là kịch bản của tác giả nghiệp dư ( Vũ Dũng Minh ). NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn và tác giả hàng đầu cả nước hiện nay,nhiều lần nhắc đến duyên nợ sâu nặng với Đạo diễn bậc thầy , khi được ông giao nhiệm vụ biên tập, thực chất là viết lại kịch bản Đôi mắt. Và cũng từ vở diễn này mà lớp diễn viên Trong Khôi, Doãn Hòang Giang, Doãn Châu, Anh Dũng…của Đoàn có dịp thể hiện tài năng.Kế đó là hàng loạt vở làm dậy sóng sân khấu một thời: Đảo thần vệ nữ, Những người bóc đá, Những bông hoa anh túc, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Nghêu sò ốc hến…của Đoàn kịch Trung ương. Kịch Hà Nội còn có Hoa và Ngần, Đại úy Xaphô nôp ( Những người Nga), Hẹn ngày trở lại; Đoàn Cải lương Trung ương có vở diễn thể nghiệm Người công dân số một, Một truyền thuyết về tình yêu. Đoàn kịch Quân đội có Mười đóa phong lan. Tính về số lượng vở dựng, Dương Ngọc Đức có thể không theo kịp lớp đàn em,nhưng trong thế hệ của mình, không mấy người vượt được ông. Vậy mà ông đã nổi tiếng là người đạo diễn khó tính khi chọn kich bản. Là người lão thực, vốn thận trọng , chỉn chu trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, Dương Ngọc Đức đã thực sự tạo được một phong cách nghệ thuật khó lẫn. Đó là những vở diễn luôn có sự mạch lạc trong các đường dây hành động kịch, sự sắc nét khi tạo hình và tạo tính cách các nhân vật, tính nghiêm cẩn trong tổ chức sân khấu, sự sang trọng trong hình thức trình bày câu chuyện kịch để thể hiện một câu chuyện gần đời sống mà không rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Các tác giả nhận thấy đạo diễn luôn hiểu thấu và trân trọng những tìm tòi, sáng tạo của họ. Diễn viên thuộc các kịch chủng khác nhau được ông tận tụy gợi mở để họ có thể phát huy hết các sở trường của mình trong các vai diễn với những tính cách khác nhau. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang nhận xét: Có cảm giác như Dương Ngọc Đức không chịu được một hạt sạn trên mặt sàn sân khấu. Vở diễn của anh, màu sắc dịu dàng,đường nét thanh thoát, mọi diễn biến đều ăn khớp với nhau, gắn bó với nhau thành một dòng hiền hòa trôi chảy. NSND-họa sĩ Phùng Huy Bính, người họa sĩ nhiều năm cộng tác trong dàn dựng với đạo diễn nhận xét: Dương Ngọc Đức là đạo diễn của những cái gì trong sáng. Anh không thể chịu được sự lập lờ, không minh bạch. NSND Đào Mộng Long, một bậc thầy về diễn xuất từng tâm sự: Làm việc với Dương Ngọc Đức tôi luôn luôn bị đòi hỏi, luôn luôn bị giao những lớp kịch hóc búa, những nhiệm vụ sân khấu phức tạp. Nhưng biết làm sao ? Chỉ có diễn viên tồi mới không thích điều đó. (Dẫn theo DHG).Với đức độ của một bậc trưởng thượng, với tài năng chín muồi của một người vốn có năng khiếu nghệ thuật, được đào tạo bài bản, lại rất chịu khó tự học, đạo diễn Dương Ngọc Đức bằng gần trăm vở dàn dựng đã nâng cao vị trí nhiều tác giả , làm rạng danh và tạo phong cách và vị trí nhiều đơn vị sân khấu trung ương và địa phương, giúp hàng trăm diễn viên thuộc nhiều đơn vị , nhiều kịch chủng có những bước tiến dài trong nghệ thuật và đạt nhiều danh hiệu cao quý.
Trước tình hình sa sút của sân khấu những năm gần đây, sẽ hữu ích hơn, nếu những người làm sân khấu hôm nay , biết tìm từ con đường phấn đấu của những người đi trước những bài học để tiếp tục đưa nghệ thuật đi vào cuộc sống, làm cho nghệ thuật trở nên hữu ích với sự phát triển của đất nước.
Ngô Thảo
NSND Dương Ngọc Đức sinh ngày 17-8-1930 tại Hà Nội, ông từng giữ các trọng trách: bí thư Đảng Đoàn Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (ba nhiệm kỳ), đại biểu Quốc hội hai khóa 7 và 8. Ông cũng là đạo diễn của nhiều tác phẩm sân khấu: Tiền tuyến gọi, Masa, Đôi mắt, Tấm vóc Đại Hồng, Người công dân số một, Đảo thần vệ nữ, Khúc thứ ba bi tráng, Hẹn ngày trở lại, Chuyện lạ thành Nu Kha, Nghêu Sò Ốc Hến...
Do tuổi cao sức yếu, ông trút hơi thở cuối cùng lúc 21g15 ngày 3-6-2010, thọ 81 tuổi. Linh cữu của NSND Dương Ngọc Đức được quàn tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu tổ chức lúc 11 giờ 15 ngày 8-6, sau đó an táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ Hà Nội.
Comments