top of page
nvngothao

NGHĨ VỀ VỊ THẾ CÁC HỘI SÁNG TẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Ý KIẾN NGẮN -1 :

Năm 2020, các Hội sáng tạo VHNT Trung ương đã lần lượt tiến hành Đại hội theo nhiệm kỳ 5 năm. Những ngày còn lại, sau Đại hội Hội Nhà văn, sẽ là ĐH Liên hiệp các Hội VHNTVN. Cơ cấu của Ủy ban Liên hiệp này, hình như không phải do ĐH bầu mà chỉ là hiệp thương giữa Lãnh đạo các Hội để xác định nhân sự.

Dự thảo Báo cáo Chính trị ĐH 13 của Đảng nêu rõ : Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội VHNT,tập họp đông dảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả. Trong phần nhận định tình hình hiện nay, Dự thảo cũng thẳng thắn chỉ ra : Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị,chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới,, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng,tiêu cực. …Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. … Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Những nguyên nhân đó đã tạo ra một thực tế đáng lo lắng: Trong nền kinh tế thị trường, văn hóa dân tộc đã không phát triển theo kịp độ tăng trưởng của kinh tế , và giao lưu quốc tế.Trên mặt bằng và không gian chung, thị phần văn hóa nội địa ngày càng lép vế cả về chất lượng và số lượng. Điện ảnh là lĩnh vực có số liệu rõ ràng. Hàng năm Hội đồng duyệt cấp phép nhập hơn 200 trên gần 300 phim phải xem. Trong khi phim nội địa, năm nhiều nhất là 40 phim được sản xuất, nhưng số thu hồi được vốn không nhiều. Thỉnh thoảng vẫn có một số phim có lãi, mà là lãi lớn, nhưng chỉ vài ba..( Năm qua, ảnh hưởng dịch, thì số lượng phim mọi nước đều giảm mạnh) .Trên gần 70 Đài truyền hình, và hàng trăm kênh phát sóng,thì phim và ca nhạc , các chương trình giải trí nước ngoài cũng chiếm thời lượng áp đảo. Điều dễ thấy đầu tiên, là phương tiện truyền tải phát triển, không đi đôi với nội dung nội sinh được truyền tải. Để lấp đầy thời lượng phát sóng, các Đài thành nơi giới thiệu, quảng bá cho văn hóa một số quốc gia khác một cách vô tội vạ. Không nói đến, sự lãng phí ghê gớm về nhân lực, nội dung, phương tiện kỹ thuật để duy trì một số lượng cơ sở phát sóng mà không cần biết đến số lượng và hiệu quả tác động đến đối tượng xem, chính các Đài này đã nhân rộng không công cho các sản phẩm văn hóa đại chúng nước ngoài lấn áp và đè bẹp thị phần ít ỏi của các sản phẩm văn hóa nội địa.Lĩnh vực xuất bản cũng không nằm ngoài tình trạng này.

Có lý do gốc, nằm ở lực lượng sáng tạo, sáng tác VHNT và công tác tổ chức để tạo ra những tác phẩm VN- NT và sản phẩm Văn hóa đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của một lượng công chúng ở một quốc gia có gần 100 triệu người cả trong và ngoài nước. Sáng tạo, sáng tác VH-NT là lĩnh vực của tài năng. Thiên tài thì không phải các quốc gia thời nào cũng có. Nhưng phát hiện, bồi dưỡng, tố chức cho những người có năng khiếu thành những tài năng để có thể sáng tạo ra những tác phẩm từ chất liệu cuộc sống của đương thời, thể hiện tinh thần, tư tưởng, tình cảm thời đó, thì nhiều quốc gia, nhiều thời kỳ đã làm được.

Những năm cả nước có chiến tranh,mặt bằng học vấn, điều kiện phát hiện, bồi dưỡng , đào tạo tài năng VH-NT tất nhiên rất hạn chế,nhưng từ thực tiễn cách mạng và kháng chiến đã xuất hiện một đội ngũ văn nghệ sĩ đông , mạnh, sáng tạo được một nền một VH- NT mang hơi thở, hình ảnh,khí thế của thời đó.Sức sống, hơi ấm, ánh sáng lý tưởng của những tác phẩm đó, không chỉ có giá trị cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của dân tộc đương thời, mà còn có sức sống lâu bền trong lòng công chúng hôm nay. Những chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm thời chiến vẫn được đông đâỏ khán thính giả yêu thích. Vậy mà , những năm qua,đất nước và xã hội đã có những thay đổi lớn lao. Gần đây, Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ,tiềm lực,uy tín và vị thế như ngày nay. Nhưng hình như VH- NT chưa tìm ra được GIAI ĐIỆU TỰ HÀO- tên một chương trình âm nhạc của VTV-của chính ngày hôm nay.Xưa đương ra mặt trận, đường Trường Sơn nhỏ bé thế, mà là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu bài thơ, bài hát hay. Bây giờ cao tốc thênh thang, đường Trường Sơn dài rộng thế, mà không tìm đâu ra một ca khúc gọi là.Lâu lắm rồi, vắng bóng những tác phẩm về người lính thời bình, dù biên cương này, biển dảo, bao nhiêu thời điểm người dân gặp hoạn nạn , khó khăn, đều có những người lính ngày đêm canh giữ, bảo vệ. Những ngày bão lũ, sạt lở ở mấy tỉnh miền Trung vừa qua , là một dịp để cho mọi người thấy hình ảnh Người lính Vì Nhân dân quên mình, Vì Nhân dân hy sinh.Khán thính giả thường thấy hơn trên các màn ảnh là những phim về Cảnh sát hình sự. Để tăng sức hấp dẫn, nhiều phim còn mượn kịch bản nước ngoài, có hình ảnh những băng nhóm, tổ chức tội phạm ở quy mô , tôi nghĩ, khó tồn tại ở nước ta ( Phim Ngày phán xử chẳng hạn ).. Cấu trúc chung thường là các băng nhóm tội phạm lôi cuốn lực lương Công an vào cuộc, chứ không phải thế chủ động nằm ở phía lực lương đông dảo các loại hình Công an.Thực ra, việc để cho công chúng rộng rãi quen nhìn thấy tội phạm,và tội ác diễn ra hàng ngày, như một việc bình thường, là điều luôn gây tác dụng ngược.

Trong văn học , sân khấu cũng vậy. Việc tìm tòi, sáng tạo về hình ảnh con người Việt Nam hôm nay hầu không được đăt ra cho cả người sáng tác lẫn người có trách nhiệm tổ chức. Số lượng tác phẩm, số người tham gia sáng tác nhiều, nhưng những tác phẩm tạo được sự chú ý rộng rãi của công chúng và có dư luận xã hội thì quả là không dễ đọc tên cụ thể. Số lượng bản in vài ba nghìn bản, ở một cộng đồng ngôn ngữ trăm triệu người , thì thật các nhà văn không nên cam chịu. Ở thời đại 4,o, một ca sĩ đưa bài hát mới có 15-20.000.000 người nghe. Trên Youtube, những tên tuổi có hàng mấy triệu người theo dõi là bình thường. Có nghĩa những sản phẩm họ làm ra, không phải cái nào cũng hay, tử tế, có chất lượng, nhưng họ có công chúng nghe và xem. Đó là con số mà các nhà văn nên suy nghĩ, và không ai ngăn họ ao ước chiếm lĩnh.

Tất nhiên, tự nhà văn khó và cũng không thể tự mang sách mình phát hành tới mọi đối tượng công chúng. Để làm tốt việc đó, cần một hệ thống phát hành năng động, phù hợp tình hình phát triển mới, không chỉ sách in. Trong một xã hội đề cao việc học tập, đối với cán bộ viên chức, thì TỰ HỌC phải là việc suốt đời, và với tất cả mọi người, thì sách vở vẫn là nguồn tài liệu chính. Tiếc thay, ở nước ta hiện nay, số sách tiêu thụ trên đầu người quá thấp so với các nước ( Chỉ tiêu Nhà nước từng đặt 5 cuốn cho mỗi người, thì cho đến nay chỉ mới đạt 1,5/ người ). Không mấy cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện có lấy một tủ sách trong nhà. Nhưng mặt khác, cũng phải hỏi lại, hàng trăm nhà văn, nhà thơ đã và đang viết gì, nội dung các tác phẩm đã in mà sao không gây được sự chú ý, quan tâm của công chúng rộng rãi? Tất nhiên ,trong xã hội phát triển,có quá nhiều thứ chi phối sự quan tâm của mọi người, nên một nhà văn, một tác phẩm muốn được chú ý, tự mình đã phải tạo ra những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Vẫn đang có những tác giả, ngay lần đầu in đã đạt con số 100.000 bản, và nhiều lần tái bản. ( Trên thế giới, nữ sĩ Agatha Christie-1890-1976- thời hiện đại, chuyên viết truyện trinh thám, có số bản in là 2 tỉ, trong đó tiếng Anh, 1 tỉ và 1 tỉ là hàng trăm ngôn ngữ khác, trong đó tiếng Việt có gần 20 cuốn ). Gần đây, ở nước ta, cũng có mấy cuốn sách phát hành được cả triệu bản, tuy không phải sách văn học. Điều đó, chứng tỏ, sức đọc không phải là vấn đề chính làm giảm số lượng in của sách văn học. Hãy nhìn lại lực lượng tác giả, để tìm lý do.

Hội Nhà văn VN hiện có hơn 1.100 hội viên. Theo chỗ tôi biết, có hơn 700 trong số đó có độ tuổi 65 trở lên. Số hội viên dưới 40 chắc không đến 100.. Năm nay, Hội Nhà văn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của mấy nhà văn lớn. Tố Hữu được nhắc nhiều đến Từ ấy, Chế Lan Viên với Điêu tàn, Tô Hoài có gần 200 đầu sách được in , thì vẫn được nhắc nhiều là Dế mèn phiêu lưu ký.Các tác phẩm đó đều được viết khi các tác giả chưa tới tuổi 20 .Hiện nay, nhiều tác giả có sách in cũng ở độ tuổi khá trẻ.Nhưng từ mấy cuốn sách được in đến vị thế một nhà văn, với trách nhiệm xã hội nghiêm túc là điều không phải ai cũng có ý thức, và cũng có khả năng trở thành.Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khải thường từ chiêm nghiệm bản thân và bè bạn mà khuyên lớp trẻ, có gì gắng nên viết trước tuổi 50. Sau đó, có thể khôn hơn, khéo hơn, từng trãi hơn, nhưng cái viết ra không còn cái hương, cái sắc, cái sức lôi cuốn mê say của tuổi trẻ. Nghiệm lại, thấy nhận xét đó có cơ sở. Khi ta trẻ là thời cơ, là lợi thế, là tài sản cho hầu hết sáng tạo lớn trong mỗi đời người.

Các hội sáng tạo văn học nghệ thuất có lẽ nên mở rộng vòng tay tìm, phát hiện, tập họp, cỗ vũ những người trẻ có năng khiếu sáng tạo, có tình yêu với VN- NT để hướng họ vào con đường lớn, chứ không nên chỉ là của những người đã trưỡng thành, nhiều người đã hết đà và cạn năng lực sáng tạo.Trong đời sống văn nghệ hiện nay, đã hình thành nhiều nhóm bạn bè trẻ, cùng chí hướng, cùng cỗ vũ nhau trong cuộc sống và trong công việc. Sản phẩm họ làm ra trong văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh,…đang làm nên phần sinh động, ít nhiều mới mẻ,được những công chúng trẻ chú ý, và yêu thích.

Có một thực tế, là không biết từ bao giờ , tuổi các Hội càng cao, càng trở nên già nua. Từ những tổ chức tập họp những người tài năng, trẻ tuổi, đi hàng đầu trong mọi hoạt động chiến đấu và xây dựng đất nước, là bệ phóng , là nơi đào tạo, cung cấp những nhân sự sáng giá cho các cơ quan lãnh đạo và quản lý nhà nước về văn hóa, đã chuyển dịch thành bãi đáp của các cán bộ về hưu, hầu hết đã cạn năng lượng sáng tạo. Điều đó không chỉ diễn ra ở các hội Trung ương, mà hầu hết Hội Văn học- nghệ thuật địa phương cũng không ngoại lệ. Có thể lấy lý do về sự vững vàng lập trường, tư tưởng của những cán bộ lãnh đạo là cần thiết. Nhưng trong VH-NT, lập trường tư tưởng phải thấm nhuần trong từng tác phẩm cụ thể, chứ không tồn tại ở bên ngoài. Một khi, tổ chức và những người trực tiếp sáng tạo xa rời nhau, thì sự khủng hoảng nhân sự các tổ chức Hội hiện nay là điều dễ hiểu. Vị trí xã hội của các Hội, và văn nghệ sĩ ngày càng sa sút cũng một phần có nguyên nhân từ sự già nua trong cả tư duy chung cũng như sử dụng nhân lực sáng tạo, như Dự thảo Văn kiênj ĐH 13 đã chỉ ra .

NGÔ THẢO

5 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page