Nguyên Phó Tổng Thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
Bây giờ thì chúng ta có nói gì cũng là nói để chúng ta nghe với nhau thôi. Người mà chúng ta nói đến, nhà báo Phan Quang mấy năm gần đây thính lực sa sút, nên nhiều điều ông không còn nghe rõ. Ai khen chê gì đối với ông cũng không quan trọng nữa rồi. Nhưng cũng có thể vì thế mà nhân dịp này, ngoài lời chúc mừng ông vượt qua tuổi 90 vẫn minh mẫn, vẫn viết đều đều, chúng ta nên bàn đôi điều mà khi còn đương chức đương quyền, ông không muốn bàn tới.
Nhà báo Phan Quang
Tôi muốn cùng các vị bàn về một hình thức tưởng thưởng xứng đáng cho thế hệ những người làm báo cách mạng thế hệ đầu tiên, mà Phan Quang là một trong những người cuối cùng nay còn tiếp tục hoạt động.
Là một người thuộc lớp hậu sinh, có lẽ do tình đồng hương, mà giữa muôn đàn em yêu kính, vào tuổi 70, theo đề nghị của những người thân kính, khi cần làm Tuyển tập tác phẩm, ông đã giao cho tôi. Nhận ba bao tải lớn những tác phẩm đã đăng báo, in sách thuộc nhiều thể loại, tôi thật choáng váng vì số lượng bài viết, vì những lĩnh vực rất khác nhau ông từng am hiểu, cả về các thể loại, không riêng báo chí, ông từng thể hiện thành công. Hai mươi năm gần đây, năm nào ông cũng có dăm ba tập sách mới in. Cũng hai mươi năm gần đây, nước ta đã có bao nhiêu đợt tuyên dương, khen thưởng ở cấp Nhà nước. Đặc biệt các thành viên thuộc các Hội Văn học nghệ thuật với nhiều Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Bé mọn như chúng tôi, có dăm ba cuốn sách gọi là Lý luận- Phê bình mà từng được có tên trong Danh sách nay đã lên con số hàng nghìn đó. Vậy mà… Phan Quang??? Ông viết báo, làm văn từ những năm 1946-1947, khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh đưa cậu thanh niên mười mấy tuổi từ vùng Pháp tạm chiếm ở Trị Thiên ra vùng tự do Liên khu IV về làm báo Cứu quốc, tờ báo của Mặt trận Việt Minh thực chất là của Đảng ở vùng này xuất bản đều đặn hằng ngày trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Gần mười năm liên tục đi về vùng tự do và vùng chiến sự để viết bài, làm tin, cho đến ngày theo bộ đội về Thủ đô ngày đầu giải phóng. Quảng đời ấy được ông ghi lại trong cuốn Từ nguồn Thạch Hãn đến Bờ Hồ Gươm, mà hai năm trước tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã có buổi ra mắt rất cảm động. Ông là nhà báo của chiến tranh chống Pháp.
Nhưng ông còn là nhà báo chuyên về nông nghiệp và nông thôn những năm xây dựng miền Bắc, và là nhà báo về đồng bằng sông Cửu Long sau ngày đất nước thống nhất. Không chỉ là người đưa tin, người phản ánh, ông còn là nhà nghiên cứu và từ lâu đã có những đề xuất khá toàn diện và chuẩn xác cho hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Phan Quang là nhà báo chính trị kỳ cựu. Ở cương vị của mình, Ông đã tiếp xúc, đưa tin, viết bài và viết nhiều về các lãnh tụ cách mạng, các chính khách, từ Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh…, giữ lại cho hậu thế hình ảnh thế hệ lãnh đạo cách mạng đầu tiên ở một cự ly gần, đầy tin cậy.
Ngay trong thế hệ của ông có mấy ai làm công tác đối ngoại báo chí và đối ngoạ nghị viện lại quen nhiều, biết rộng, trực tiếp giao tiếp, và thân tình với nhiều chính khách, nhân vật văn hóa, báo chí tầm cỡ quốc tế, đầy tư liệu cụ thể và hấp dẫn qua các tập Du ký như ông?
Sống cùng thời, và do thế mạnh của tính cách và tri thức, ông là người bạn thân gần và được rất nhiều văn nghệ sĩ quý trọng, trao đổi thư từ, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp. Phác thảo chân dung các văn nghệ sĩ ông từng thân quen là cả một kho tư liệu sống không dễ gì mấy ai có được. Thực tế, đó là những sáng tác văn học đúng nghĩa, mà không là Phan Quang, không từng cùng sống gần gủi với họ, không thể viết được.
Phần bút ký, ký sự du lịch tràn đầy tư liệu của một người uyên bác, tinh tế và cẩn trọng. Ông còn đứng riêng một cõi, khó tìm được đối sánh, khi nhắc đến phần dịch thuật của ông. Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Những ngôi sao ban ngày, Trà thư, Sử thi huyền thoại Đông Tây cùng hàng chục cuốn dịch đặc sắc khác, với số chữ, số lần tái bản liên tục mấy chục năm qua, mà chắc hậu thế sẽ còn chuyền tay nhau tiếp tục tìm đọc say mê.
Xin không nhắc đến những chức việc xã hội và trong hệ thống chính trị mà ông từng nắm giử nhiều năm. Chỉ riêng về phương diện một nhà văn hóa với nghĩa chuẩn xác nhất của từ đó, một người lao động chữ nghĩa nghiêm cẩn, một người ngay trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, công việc quản lý bận rộn vẫn làm một người viết báo thường trực, mà vẫn tự học để nâng tầm kiến thức của mình lên một tầm cao mới, không phải ai cũng đạt tới, để mang lại cho bạn đọc cả nước một kho tàng kiến thức lịch sử - xã hội - văn hóa rộng, sâu, với bản tính khiêm nhường, và có lẽ do khiêm nhường mà người có nhiều nhà trong một nhà đó cho đến nay, vẫn không có tên trong Danh sách Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật đang khá thoáng rộng của nước nhà.
Có thể có một lý do dễ thấy, vì cái danh nhà báo đã lấn át tất cả. Mà cho đến nay các nhà báo Việt Nam không biết do từ nguồn nào, lại không nằm trong khung được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh? Thể loại chỉ là cách phân chia theo chủ quan của chúng ta. Trong chiến tranh, ai nghĩ những bài báo của các nhà báo Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Thép Mới-Hồng Châu, Trần Bạch Đằng, Trần Đình Vân, Phan Quang… (xin dẫn một vài thí dụ) không có tác động xã hội lớn như những lời hịch, đầy sức khích lệ. Hình như trong hệ thống khen thưởng của Nhà nước ta hiện nay đang có một lỗ hổng nào đó, để lọt ra ngoài những người hoạt động văn hóa rất có công.
Nhân dịp này, chúc mừng một người, chúng ta tưởng nhớ một thế hệ làm báo, làm văn hóa đã có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, không có nhiều những giai đoạn như thế. Thật ra Giải thưởng với họ không còn quan trọng, cả về danh và thực. Nhưng lâu dài hơn, là tên tuổi họ sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu dồi dào khi hậu thế, quê hương cần đặt tên đường, tên trường, tên các địa chỉ văn hóa.
Chúng tôi mong các nhà lãnh đạo đương chức, đương quyền hôm nay nên suy nghĩ về một nghĩa cử nhân văn và văn hóa này.
Ngô Thảo
Comments