top of page
nvngothao

Thư ngỏ gửi tác giả “Cánh đồng bất tận”


Thế là sau 45 ngày đêm làm việc liên tục, gần một trăm con người đã chung lòng, chung sức đem hết tài năng và tâm huyết hoàn thành việc hiện thực hóa câu chữ “Cánh đồng bất tận” thành hình ảnh trong một bộ phim truyện, tạm định tên là “Sông nước". Ngày 11-1-2010, sau khi quay cảnh cuối: Ông Võ tự tay châm lửa đốt ngôi nhà yêu thương của mình, nơi cô vợ đẹp, ông hết lòng bao bọc, chăm sóc đã bỏ nhà theo người đàn ông khác, đoàn phim đóng máy. Một trong những người chúng tôi muốn báo tin này đầu tiên, đó là người đã sinh thành ra các nhân vật, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư. Tư ơi ! Tư có nhớ không? Bốn năm về trước, tháng 8 năm 2005, khi Cánh đồng bất tận được in ba kì liền trên báo Văn nghệ, được ông già về hưu Ngô Thảo, cố vấn Hãng phim Việt, một người ham đọc giới thiệu, trên chuyến bay tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Hồ Nam- Trung Quốc tìm đối tác làm ăn, vợ chồng Ngô Bích Hạnh- Nguyễn Phan Quang Bình đã chuyền tay nhau đọc. Trở về, việc đầu tiên là Nguyễn Phan Quang Bình bay vào Sài Gòn, mời ba bậc trưởng lão có uy tín trong làng điện ảnh phía Nam là Nguyễn Hồ, Ngụy Ngữ, Mỹ Hà về Cà Mau gặp Ngọc Tư đặt vấn đề mua bản quyền để làm phim. Chắc Tư cũng trong tâm trạng ngỡ ngàng, nên đã đồng ý ngay. Hợp đồng ghi thời hạn mười năm. Có lẽ, cả hai bên cũng đã hơi liều, tại thời điểm đó chưa nghĩ đến điều gì cụ thể? Thế mà, chỉ bốn năm sau, hôm nay, phần hình ảnh đã quay xong! Một điều không tưởng đã được thực hiện. Trong 4 năm ấy, bao nhiêu điều bất ngờ đã diễn ra. Báo Tuổi trẻ đã đăng lại nhiều kỳ. Một cuộc tranh luận kịch liệt, được rất đông người đọc tham gia, ý kiến đa chiều hiếm thấy. Rồi lại dấy lên câu chuyện đạo văn, vì có 1 truyện đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội sau đó, viết về Miền Bắc, có nhiều chi tiết giống hệt truyện Tư! Kết quả là truyện được giải đúp, vừa của Hội Nhà văn Việt Nam, vừa của các nước Đông Nam Á. Có mấy nước đã dịch. Tìm người có thể chuyển thể thành kịch bản văn học. Nhà văn, nhà biên kịch Ngụy Ngữ, tác giả của nhiều kịch bản nổi tiếng, nhận lời sau mấy lần đi thực tế Miền Tây, phải đánh vật với cả năm trời, với nhiều lần sửa chữa. Sợ ông nhà văn Miền Trung thiếu chất Nam Bộ, lại phải cậy đến ông nhà văn, nhà biên kịch, biên tập khá nhiều phim về đất Nam Bộ, là nhà văn Nguyễn Hồ, làm biên tập bổ sung. Khi chuyển thành kịch bản mới thấy cái khó đầu tiên, gọi là truyện ngắn, nhưng do sự súc tích cùa ngôn ngữ văn học, nếu thật thà chuyển thể theo lối minh họa cho sát văn bản thì bộ phim có thể dài đến 5 tiếng…! Không một rạp chiếu phim nào, một bộ phận khán giả nào chấp nhận, dù nhà sản xuất có đồng ý làm. Muốn hay không, phim chọn lựa chi tiết nào cũng không thể quá 100 phút. Lấy gì và bỏ gì? Kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh một tác phẩm đã quá nhiều người biết - 100.000 bản sách đã bán - là một thách thức. Vấn đề đầu tiên khi đưa vào sản xuất: Tiền đâu? Một hãng phim tư nhân không thể phiêu lưu bỏ vốn làm một bộ phim lớn mà không nghĩ tới doanh thu. Nếu bỏ 10 tỉ vốn mà không thu được 20 tỉ- một con số mơ ước ở nước ta - thì vẫn còn lỗ (tỉ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và rạp chiếu là 50/50). Nghe không thú vị gì, nhưng vẫn phải kể những chuyện nhà văn không bao giờ cần biết đến, như nhà sản xuất vì yêu thích tác phẩm mà bán cả đất, cả nhà khi cần thì tác giả nên biết!. Khi bắt tay thực hiện bộ phim, đạo diễn mới thấy trong truyện còn thiếu nhiều chỉ dẫn cần thiết. Văn chương chỉ viết một câu: Có người… mà nếu thể hiện đủ là trọn một phim. Bao nhiêu thứ Tư tả: con đò, ngôi nhà, mấy bến sông, những túp lều… tác giả nhắc khơi khơi vậy, nhưng đã làm phim thì phải xác định: Con thuyền của vùng nào (mỗi vùng mỗi khác)? Lều dựng bằng gì, lợp bằng gì, hình dáng cụ thể ra sao? Con thuyền để một gia đình sinh sống được phải dài bao nhiêu, cao bao nhiêu, làm bằng chất liệu gì? Mấy lần đi tìm khắp các bến sông Miền Tây, để chọn mua một chiếc thuyền, không mới, nhưng cũng không thể cũ nát quá, vì còn phải sử dụng thật sự. Lại phải mất bao công tạo nên dáng phong trần, đủ rộng cho bốn người, lại còn có góc đặt máy quay… Đó chỉ mới là một việc nhỏ để con thuyền lên phim đủ tính chân thật. Mấy tháng liền đạo diễn, trợ lý, chủ nhiệm, quay phim, họa sĩ, phục trang đi thâm nhập cuộc sống, cách sống, để có cảm hứng sáng tạo, chọn cảnh, chọn trang phục cho diễn viên, có cái nhìn tổng quan về không gian sống, tạo nên thế giới tinh thần của các nhân vật. Chợ nổi Cần Thơ được chọn làm cảnh quay đầu tiên: Đánh ghen. Không phim trường, phải chọn bối cảnh tự nhiên, có nhiều điều bất tiện, nhưng lại có những hình ảnh chân thật bất ngờ và thú vị, mà không có một sự bài trí nào có được. Đấy là chiếc cầu khỉ cổ sơ, bầm dập với mưa gió, tàn tạ và rách nát, là nơi Sương phải chạy qua để tránh sự truy đuổi của những người đàn bà ghen. Đa phần các cảnh còn lại được thực hiện ở lãnh địa độc lập như một ốc đảo của Trung tâm nghiên cứu dược liệu, sở hữu hơn 1000 hecta rừng tràm. Để hoàn thiện nơi ăn chốn ở cho sáu, bảy chục con người, Đoàn phải lo đóng góp tiền cho Trung tâm xây thêm nhà cửa. Nhờ người điều khiển các loại phương tiện giao thông thủy phục vụ Đoàn (lái phà, ca nô, tắc ráng, thuyền… phải có bằng). Nhờ tát nước, sạ lúa sớm mấy mẫu chuẩn bị cho ngày cuối đã có cả cánh đồng lúa chín vàng. Mua mấy trăm con vịt, thuê người chăn và hướng dẫn các diễn viên lùa vịt chạy đồng. Lo bếp ăn cho cả đoàn sao cho an toàn, lại đủ sức trụ giữa Đồng Tháp Mười hàng mấy tháng. Mấy chục tấn đạo cụ, nhiều máy móc, phương tiện hiện đại phải đi thuê của các hãng phim lớn ở Hà Nội được chuyển bằng nhiều phương tiện tới hiên trường: máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy. Đó là máy phát điện lớn, cần cẩu nặng 30 tấn, giàn đèn 5 kw kềnh càng phải dùng phà chuyển tải theo các địa điểm quay. Kinh hoàng nhất cũng là cảnh quay đêm, có nhiều đêm thức trắng. Đó chỉ là một số công việc có tên trong muôn vàn điều cần làm của giai đoạn chuẩn bị . Nhân sự của đoàn làm phim có lẽ là một bất ngờ lớn với tác giả và tất nhiên với cả công chúng xem phim. Đạo diễn là một chàng trai đất Bắc đang là Giám đốc của Hãng phim Việt với quá nhiều công việc nhưng trót nặng lòng với Cánh đồng bất tận mà phải gác lại bao công chuyện, đi tìm người tâm đầu ý hợp để bàn việc viết kịch bản văn học, sửa đi sửa lại sao cho có thời lượng hợp lý mà cốt chuyện vẫn hấp dẫn. Mấy năm mất ăn mất ngủ với dự án của mình, người đạo diễn đã năm sáu lần cùng các vị và bạn hữu trong ê kíp làm phim lặn lội, lăn lộn trên sông nước miền Tây để thấm chất Nam Bộ, chọn được những địa điểm, cảnh vật đặc sắc còn ít được các phim đi trước khai thác. Chủ nhiệm Lê Chí Dũng, phó đạo diễn Lý Thái Dũng người miền Bắc, dẫu dày dạn kinh nghiệm làm phim khắp cả nước, nhưng trước Cánh đồng bất tận vẫn cảm thấy khớp. Họ phải huy động những máy móc, thiết bị hiện đại nhất của các hãng phim cả nước cùng đạo quân tinh thông về kỹ thuật và tận tụy với nghề, có số má khắp Bắc - Nam. Dàn diễn viên còn nhiều bất ngờ hơn. Theo tác giả, vai nữ chính là một cô gái già, đã tàn tạ, phải phiêu dạt về hành nghề ở miền sông nước còn hoang sơ. Nhưng người được chọn, gây ngạc nhiên với cả người được chọn là một diễn viên quê ở xứ Bắc, chưa một lần đặt chân tới miền Tây. Được phát hiện và quen với đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từ phim Vũ khúc Con cò, nhưng mấy năm qua, liên tục được các đạo diễn trong và ngoài nước chọn vào các vai định hình trong vẻ trầm lặng, đài các, ít hành động. Đỗ Hải Yến tiết lộ: khi đọc truyện, thấy một cô gái khổ cả một đời: mở đầu, bị trận đòn ghen tơi bời hoa lá, thân thể bị dày vò, cấu véo bầm dập, cuối truyện lại phải lầm lũi đi về một nơi vô định, thấy cũng thích. Nhưng không khi nào nghĩ đó có thể là vai của mình. Có chăng là vai cái Nương, chị thằng Điền. Nhưng khi được mời vào vai chính, Yến mừng ít lo nhiều. Dẫu sao, cũng đã quen với một cuộc sống không giàu có cùng đầy đủ tiện nghi, nhận vai diễn một con người hoàn toàn lạ lẫm, một tính cách khác xa những vai đã diễn, Yến mất cảm giác an toàn. Nhưng đó lại là một thách thức rất đáng để liều mình. Bây giờ thì Hải Yến đã hoàn thành vai diễn mà không có cảnh nào phải hối hận vì không đạt đến mức cần phải có. Sự hài lòng và cảm phục của bạn diễn về sự nhạy cảm và tính chuyên nghiệp của Yến là một cơ sở của niềm tin. Vai nam chính do Dustin Nguyễn, một người Việt đang sống ở Mỹ, từng tham gia làm phim ở Hollywood, mấy năm qua đã quen mặt trong các vai diễn phim sản xuất ở Việt Nam... Cũng là một bất ngờ bởi diễn viên chưa hề có ấn tượng, hiểu biết gì về cuộc sống sông nước Nam Bộ. Là một võ sư mà mới ngày tập đầu đã bị vấp ngã bong gân vì đường quá trơn. Hôm được về nhận giải nhất diễn viên trong liên hoan phim còn đi tập tễnh. Sau hơn 2 tháng hóa thân vào vai ông Võ (trong truyện Tư đặt tên là Vũ, nhưng do cố vấn cho rằng ở Nam Bộ, người ta quen tên Võ hơn), chuẩn bị quay cảnh cuối - nhưng là ở giữa phim - được cạo râu, cắt tóc sạch sẽ, bỗng ngồi ngơ ngác bần thần và nhớ ông Võ như vừa qua một cơn lên đồng dài ngày. Có cái gì thật độc đáo, phức điệu, đa nguyên, thẳm sâu trong đời sống tinh thần người đàn ông đẹp trai, tài hoa, chu đáo, tận tụy với người mình yêu mà bị phản bội. Như Tư đã viết: Có vẻ khó tin khi một người nghĩ rằng chỉ cần hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn, thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Thù hận bộc lộ công khai, rộng khắp và dai dẳng càng làm rõ hơn tình yêu sâu nặng với người vợ tình cờ trời ban. Nhưng Tư ơi, văn viết dễ mà diễn thật khó. Trong phim anh ta đã phải nói nhiều hơn trong truyện nhưng cũng không đến vài mươi câu, những câu rất ít từ. Còn lại, phải sử dụng tối đa tài nghệ của một diễn viên chuyên nghiệp, có đẳng cấp. Rồi tác giả sẽ xem để biết Dustin Nguyễn đã diễn thế nào những trạng thái, tâm lý mà Tư đã phát hiện! - Những suy nghĩ cồn cào làm cho vẻ mặt cha tôi lung linh như bầu trời nhiều mây với gió. Thoắt quang đãng, thoắt âm u, thoắt khoái trá, thoắt đau đớn. - Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười đó, nó vừa dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thiệt dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước. Tất nhiên bộ phim không phải là bản minh họa của truyện, nhưng các diễn viên đã đọc rất kỹ để thẩm thấu chiều sâu tâm lý nhân vật. Và họ đã cùng nhau tạo dựng một bộ phim mà cho đến giờ này, tất cả đều rất hài lòng sau những ngày vất vả vật lộn với nắng gió, sình lầy, muỗi bọ miền Tây. Đó không phải là tự đánh giá của Dustin Nguyễn, người rơi thẳng đứng từ xứ sở công nghiệp điện ảnh xuống một môi trường làm phim thủ công trong địa bàn tự nhiên hoang dã, của Đỗ Hải Yến sau một vai tự lột xác mình mà còn của các diễn viên xinh tươi: Mỹ Uyên (người phụ nữ bị bỏ rơi); Tăng Thanh Hà (vợ) và Lan Ngọc, Thanh Hòa- hai chị em trong vai Nương và Điền. Đó là nỗi buồn đau của người vợ phải bỏ người chồng đẹp trai lại muôn phần tử tế để chạy theo một anh chàng bán tơ bất thành nhân dạng nhưng có chân trời tự do. Của người thiếu phụ đành đoạn bỏ con để chạy theo Võ, mong ôm ấp cái gia đình đang tan vỡ ấy, nhưng lại bị bỏ rơi tàn nhẫn. Của đứa con gái bị hắt hủi, đánh chửi, dày vò bầm dập bởi cái tội không sửa được là càng lớn lên càng giống mẹ, không chỉ về hình hài mà cả về tính cách, cả bản năng… Ngày mới xuống, ai cũng lo hóa trang cho nước da có màu bùn đất. Sau hai tháng, giờ nhìn ai cũng ra người lam lũ. Để đạt đến tối đa sự chân thực, bộ phận lo phục trang mấy tháng liền theo đoàn đi chọn cảnh, bắt gặp ai có bộ đồ bắt mắt, hợp với các nhân vật là lân la làm quen, thuyết phục họ cho bằng được để một đổi một, cùng tính năng cùng tác dụng, chỉ khác là đồ mình hoàn toàn mới. Áo quần đó, mang về bỏ vào máy, giặt mấy bận mà không hết mùi mồ hôi, bùn đất đã thấm vào trong từng sợi vải. Tư biết không? Khi đọc truyện có người chê Tư ác, có lẽ họ chỉ thấy mặt nổi là người đàn ông của Tư rất độc ác với người thân. Nhưng Tư không thể ngờ, với những người yêu Tư, đúng hơn là yêu tác phẩm của Tư, họ đã phải khổ sở, khốn khổ khốn nạn thế nào để biến những gì Tư ngồi trong nhà tưởng tượng thành cuộc sống thực ngoài đời. Muỗi Đồng Tháp, muỗi không thấy Tư viết trong truyện. Nhưng mấy buổi quay đêm, khi mấy ngọn đèn 4,5 KW bật pha, thì hàng tỉ tỉ muỗi và côn trùng hoang dã bu kín. Để diễn viên diễn và mấy chục người có thể phục vụ, đã phải dùng rất nhiều biện pháp kỹ thuật từ thô sơ đến hiện đại: Rất nhiều bếp lửa đã liên tục bỏ thêm lá tràm chanh còn tươi để lấy khói và hương xua muỗi. Quạt gió như bão đẩy cả muỗi, khói và hương đi xa. Mấy cái lưới vợt lớn đặt dưới đèn, dùng quạt đẩy muỗi vào lưới để nhốt bớt. Các loại dầu và hương liệu chống muỗi nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước được trang bị và sử dụng không hạn chế. Hàng chục chiếc vợt muỗi được sử dụng hết công suất trong tay các thành viên liên tục lóe sáng kèm tiếng nổ như súng liên thanh. Mấy tấm màn xanh, trắng, hồng được căng lên làm nơi tạm trú cho những ai công việc có thể ở trong màn. Thế mà người nào muỗi cũng cắn rát mặt, rát cổ, rát chân tay. Chắc Tư không nghĩ có ngày Tư lại đẩy những người yêu tác phẩm của mình vào một hoàn cảnh kinh hoàng như vậy! Mà đó chỉ là một trong nhiều nỗi nhọc nhằn trên Cánh đồng bất tận ngoài đời! Tuy vậy, hình như trời cũng thương những người nghệ sỹ thiện tâm. Ngoài những gì đã kể, thì thời tiết là nỗi lo thường trực của người làm nghệ thuật ánh sáng, lấy cảnh trí tự nhiên làm phim trường. Suốt hai tháng, chắc được trời Phật phù hộ, có thiên thời, địa lợi, nhân hòa và cả mơ được ước thấy. Khởi quay vào mùa khô, nhưng có mấy cảnh cần có mưa trên diện rộng, máy móc hiện có thì chỉ có thể tạo từng cơn mưa nho nhỏ. Đến giờ quay, đạo diễn nói ước gì… thì có 2 lần, hai cơn mưa chợt tới, đột ngột, chóng vánh nhưng cũng đủ cho thực hiện cảnh quay. Gần cuối phim, không chịu đựng được sự độc ác của Võ, Sương phải ra đi. Con đường đất ghập ghềnh mấp mô giữa cánh đồng hoang bạt ngàn cây bàng đang mùa vàng lá! Cần lắm một trận gió tạo nên ấn tượng về sóng lòng đang nổi trong người thiếu phụ có tấm lòng Bồ tát mà bất lực, đang liều lĩnh hướng tới một nơi vô định. Mấy chiếc quạt gió quá bé bỏng giữa bao la đất trời. Lại phải lạy trời xin một cơn gió. Và ngọn gió chướng đã về đúng lúc đoàn chuẩn bị cảnh quay. Một cảnh đẹp ngoài tưởng tượng được thu vào ống kính. Đến nay thì toàn bộ phần thu hình đã hoàn tất! Có vài trục trặc từ chất lượng phim được cung cấp nhưng đã kịp thời phát hiện để quay lại. Tới đây là giai đoạn hậu kỳ. In tráng xong, phải mất một vài tháng dựng phim. Phần này phải mời thêm một chuyên gia từ Hollywood, căn cứ vào những thước phim đã có, để dựng một câu chuyện mà người chưa đọc Cánh đồng bất tận có thể hiểu được. Lại thời gian tính bằng tháng để cho nhạc sỹ xem và sáng tác. Một thời gian không ngắn hơn cho dàn nhạc giao hưởng tập và thu âm. Rồi ghép nhạc, các vấn đề về âm thanh, màu sắc… Khâu nào cũng phải chờ đợi và cần thời gian. Và bây giờ, cần khẩn cấp hơn là… tiền. Nếu khi in báo, tác giả nhận được tiền trăm, khi ký chuyển nhượng bản quyền làm phim có tiền triệu, thì đến lượt người làm phim phải chi tới tiền tỉ, nhiều tỉ. Nhà sản xuất cũng là đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình mấy năm nay, dự định làm một phi vụ lãi lớn là bán 7.000m2 đất rừng của nhà để mua Cánh đồng bất tận. Đất hồi rớt giá, chưa bán được, mà phim thì đã đến lúc phải khởi quay vì đã lỡ hẹn với tác giả. Dẫu còn nhiều việc phải lo cho đến khi bộ phim chào đời, nhưng lúc này, đạo diễn và nhà sản xuất thấy tự tin, vì trong điều kiện cho phép, đã huy động được một ê kíp những người làm phim có tay nghề cao, nghêm túc và tâm huyết quyết thực hiện một bộ phim giàu tính nhân văn và gần gũi. Tất nhiên ai cũng biết, bộ phim chỉ có thể xới lật được một tầng nghĩa nhất định nào đó của một tác phẩm văn học vốn đa nghĩa. Ngoại cảnh Cánh đồng bất tận đến đâu rồi cũng tìm tới giới hạn. Phía đồng lúa đang chín sớm kia là của nước bạn rồi. Nhưng cánh đồng tâm hồn, tình cảm của những người nông dân Nam Bộ xưa nay được cả dư luận và trong văn chương mô tả là hồn nhiên, chất phác, giản dị vừa được nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đào, bới, xới, lật và phần nào được thể hiện trong hàng loạt truyện đã viết, mới thực sự là những cánh đồng chưa dễ tìm tới biên hạn. Các tác phẩm đó sẽ tiếp tục là một nguồn cảm hứng, nguồn đề tài, mời gọi và thách thức các loại hình nghệ thuật khác. Trên hành trình ấy, bộ phim vừa thực hiện, chỉ là thêm một bước mạnh dạn và liều lĩnh. Rất cảm ơn tác giả đã sinh ra Cánh đồng bất tận. Đã sang năm mới, chúc Ngọc Tư và gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc và cùng bạn đọc đón xem Cánh đồng bất tận trên phim. Chờ đợi đứa con tinh thần mới của Tư. Thân ái!

6 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page