top of page
nvngothao

ĐẠO DIỄN NGUYỄN ĐÌNH NGHI ( 1928- 2001) MỘT NHÂN CÁCH VĂN HOÁ LỚN

Updated: Dec 22, 2020




Tác giả, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Kiểm, gần mười năm trước, trong hồi ký Xuân thất thập( NXB Sân khấu- 2004), đã xúc động kể lại những kỹ niệm đẹp với hai bậc thầy, hai cha con nhà thơ Thế Lữ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Đó là những năm sau hiệp định Genever 1954, Đoàn Ca kịch Liên khu V tập kết ra miền Bắc. Trong lúc bỡ ngỡ và lúng túng trên hành trình tìm hướng đi để tồn tại và phát triển, làm sao vừa giữ được bản sắc quê hương, vừa phải dựng được các vở diễn sân khấu mới, họ đã gặp được hai vị ân sư khi dựng vở Tiếng sấm Tây Nguyên, mà tác giả là Thanh Nha và Thế Lữ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Chính tác phẩm được Huy Chương Vàng Hội diễn sân khấu 1964 ấy đã biến một đơn vị nghệ thuật non nớt thành một tên tuổi lừng lẫy trên sân khấu miền Bắc nhiều năm về sau. Dạo đó, Nguyễn Đình Nghi vừa tốt nghiệp Trung ương hí kịch học viện Bắc Kinh.

26 năm sau, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi lại được mời dựng cho Đoàn Ca Kịch Quảng Nam- Đà Nẵng vở Muối mặn đời em ( của Lưu Quang Vũ- Nguyễn Kiểm chuyển thể dân ca). Và vở này lại được nhận Huy Chương Vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc 1990! Bao nhiêu năm qua, ấn tượng của Nguyễn Kiểm và bạn bè đồng lứa về một đạo diễn uyên bác, có phương pháp làm việc cẩn trọng, ân cần, đầy lòng thương yêu và tôn trọng đồng nghiệp vẫn tươi mới và gần gũi; hình vóc, cốt cách của người nghệ sĩ bậc thầy vẫn in đậm trong tâm trí.

Tình cờ, tôi may mắn được chứng kiến những ngày nhà thơ Thế Lữ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng Tiếng sấm Tây Nguyên từ những năm 1962-1963 ấy, khi đang là sinh viên khoá 5 khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp, tới dạy bổ túc văn hoá cho một số nghệ sĩ trong Đoàn. Dòng đời đưa đẩy, để ¼ thế kỷ sau, khi từ quân đội chuyển ngành, tôi lại được bước vào giới sân khấu, được gặp lại hai ông. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cho biết: Công việc dạo đó không dễ dàng, vì Dân Ca Khu V, mà hạt nhân là Bài Chòi là thứ mà chính tác giả và đạo diễn mới lần đầu tiếp xúc.Cùng với các nghệ sĩ trong Đoàn, thêm một lần nữa, Thế Lữ và Nguyễn Đình Nghi đã có công đầu khai mở con đường sáng tạo cho một kịch chủng mới: Kịch dân ca Khu V, để sau này có thêm: Dân ca kịch Trị Thiên, Dân ca Nghệ Tĩnh…

Nói thêm một lần nữa, vì từ trước cách mạng 1945, chính Thế Lữ, ngọn cờ đầu của Thơ mới, một trong 7 vị lập Tự lực văn đoàn, với vốn văn hoá Đông Tây sâu rộng, tự hào về sức sống của văn hoá dân tộc, đã hào hứng và chủ động du nhập, Việt hoá một hình thức sân khấu Phương Tây, tạo nên một loại hình sân khấu mới, sẽ có vai trò quan trọng trong văn hoá VN, đó là Kịch nói. Ông đã tự mình tổ chức một đoàn kịch đi biểu diễn khắp nam Bắc, và mặc dầu là người đa tài, suốt phần đời còn lại, ông đã gắn bó với sân khấu, là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, mà tháng 5 này kỷ niệm 55 năm thành lập.

Hiểu rất rõ tâm huyết của bậc sinh thành, nối nghiệp cha, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi luôn xác định: Sân khấu bao giờ cũng là bộ mặt văn hoá của một đất nước, và ông đã đem cả cuộc đời mình gắn bó, gầy dựng và phát triển sân khấu với niềm tin và niềm tự hào không dấu diếm. Năm 1992, trong dịp nói chuyện về sân khấu Việt Nam ở Pháp, ông nói: Những người gây dựng kịch nói VN đầu tiên là những người trí thức, hiểu biết sâu sắc nền văn hoá Pháp, lại vừa là những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ hàng đầu của nước VN. Họ huy động vào cái nghệ thuật mới mẻ này không chỉ có lòng say mê, bản năng thiên bẩm, và sự hiểu biết về sân khấu, mà toàn bộ vốn Văn hoá của họ. Họ tiếp xúc với sân khấu Pháp không chỉ như một ngành nghệ thuật biệt lập, mà trong sự tiếp xúc tổng thể với cả một nền văn hoá. Đồng thời bằng uy tín lớn lao đạt được ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật khá, họ đã góp công lớn thay đổi thân phận con hát hèn kém trong xã hội cũ, tạo ra nhân phẩm mới cho người diễn viên. Không còn ai dám coi khinh nghề sân khấu khi có những diễn viên tên là Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tú Mở, Đoàn Phú Tứ, Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Khoát…Những người đầu góp công xây dựng nền kịch nói VN, những nhân cách nghệ sĩ như họ không thể cam tâm với sự bắt chước.

Sự hồi cố về những nhân tố ở nơi bắt đầu để có một loại hình nghệ thuật mới mẻ mang đậm hơi thở văn hoá dân tộc và đã có một sự phát triển rực rỡ, từng hấp dẫn triệu triệu khán giả trong thời đất nước còn bị nô lệ, trong chiến tranh cách mạng cũng như chiến tranh chia cắt, trong hoà bình xây dựng, từng tới với công chúng khắp hang cùng ngõ hẽm gần một trăm năm qua, thăng trầm gắn với sự tồn vong của đất nước, hơn thế, còn là một kịch chủng nghệ thuật, bằng tác phẩm của mình đã góp sức động viên hàng triệu người tham gia chiến đấu và chiến thắng, không chỉ là cái nhìn khoa học và khách quan về quá khứ, mà đáng quí là nó vẫn còn có ý nghĩa thời sự, nhắc nhỡ những người có trách nhiệm với sự xây dựng và phát triển của nền sân khấu VN hôm nay.

Cùng với các loại hình sân khấu truyền thống Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch Dân ca, Rối, Xiếc, Kịch nói đã có những bước phát triển rực rỡ . Thế hệ đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã có công tiếp nhận ngọn lửa vừa được thắp sáng để đưa nó đi xa, toả sáng trên sân khấu khắp cả nước. Trong thế hệ của mình, ông là một trường hợp hiếm hoi, một trường hợp cá biệt mà sân khấu VN may mắn có được. Là con trai nhà hoạt động sân khấu hiện đại hàng đầu Thế Lữ, từ bé, Nguyễn Đình Nghi đã được sống trong thế giới những người trí thức tài hoa, giàu lòng tự hào và yêu văn hoá dân tộc- hoạt động trong nhiều ngành nghệ thuật khác nhau: Văn, thơ, nhạc, hoạ. Đầu kháng chiến chống Pháp, ở độ tuổi vị thanh niên, khi tản cư lên Việt Bắc, ông lại được sống giữa lòng cơ quan tập họp những văn nghệ sĩ ưu tú tham gia kháng chiến, khi làm thư ký, khi giữ thư viện để có dịp học thêm tiếng Pháp với tác giả Màu thời gian Đoàn Phú Tứ, học chữ Hán với bậc túc nho siêu hạng Phan Khôi có lúc còn tham gia làm diễn viên Đoàn kịch Chiến thắng mà Thế Lữ là người sáng lập. Chính Thế Lữ, bằng con mắt tinh đời đã phát hiện ở người con trai những phẩm chất cần cho sân khấu. Và ông đã không nhầm. Vốn kiến văn sách vở được thử thách và bồi dưỡng trực tiếp từ những bậc trí thức nghệ sĩ tài hoa đã giúp cho Nguyễn Đình Nghi có một căn bản văn hoá đáng kính nể. Tới hoà bình sau 1954, ông đã được cử đi học đúng lúc để mở rộng tầm hiểu biết, và cũng may mắn được học và nâng cao trình độ ở hai Trung tâm đào tạo rất có uy tín thời bấy giờ: Trung ương hí kịch Học viện Bắc Kinh và Học viện Sân khấu Lunatrarxki ở Matxcơva. Thói quen ỷ lại vào một trí nhớ tuyệt vời mà ngại mọi ghi chép sách vở của hầu hết đạo diễn, đã làm vĩnh viễn mất đi cùng với sự ra đi của một kho tàng văn hoá lớn, một nhân chứng hết sức quí báu của nền văn hoá thế kỷ XX. Khi còn sống, ông thực sự là một cuốn từ điển bách khoa với những ký ức sống động và cụ thể về những sự kiện, những nhân vật trong giới trí thức nghệ sĩ đặc biệt tài hoa ở nơi đầu nguồn của cả nền văn hoá VN hiện đại, mà chiến tranh đã làm cho tản mác ở hai phe từ thuở Thơ mới, Tự Lực Văn Đoàn đến Hà Nội, Hải Phòng ngày cách mạng và kháng chiến, những cánh rừng Việt Bắc không chỉ là nơi ẩn nấp mà còn là nơi đội ngũ trí thức phát hiện, khám phá ra bao nhiêu giá trị quí báu làm nên sức sống bền vững của văn hoá dân tộc, những tài liệu nguyên khôi, chân thực không hề bị dư luận xu thời làm cho méo mó, di dạng đi.

Nhiều năm công tác ở văn phòng Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, được đi theo các đạo diễn, tác giả ở Ban thư ký, Ban chấp hành từ tác giả Xuân Trình, Trần Vượng, Tất Đạt, đạo diễn Dương Ngọc Đức, Xuân Đàm, Phạm Thị Thành, Doãn Hoàng Giang, Đình Quang, … qua các mùa hội diễn, hội thảo, đi dàn dựng, duyệt mộc rồi góp ý dựng vở ở các đơn vị, các địa phương, bao giờ ý kiến của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cũng được tôn trọng, lắng nghe, dù không phải ông là người hay nói. Quý báu hơn vẫn là những câu chuyện thú vị không sống gần không thể biết về các bậc tài danh một thưở, với những nhận xét, đánh giá độc đáo, sâu sắc và trong những câu chuyện đó bao giờ ông cũng giành phần để nói về Bố tôi – Thế Lữ, với niềm say mê về xây dựng nền sân khấu, đặc biệt sân khấu kịch nói Việt Nam.

Và như là người thực hiện di nguyện thiêng liêng của bậc sinh thành, hơn 40 năm hoạt động, người nghệ sĩ uyên bác, tài hoa này chỉ chọn làm một việc, một nghề duy nhất: Đạo diễn sân khấu, và chỉ làm những gì liên quan đến nghề này mà từ chối dứt khoát mọi chức tước hành chính – cơ sở để lên lương, thăng tiến.

Ngay cả trong đạo diễn, ông cũng là người không ham số lượng. Nhiều đàn em có thể tự hào về con số hàng mấy trăm vở diễn, thì hình như ông chỉ dàn dựng đâu hơn 40 vở. Nhưng mỗi vở diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng đều từng để lại những dấu ấn, những mốc son trong lịch sử sân khấu Việt Nam qua các chặng đường, từ Con nai đen, Tiếng sấm Tây Nguyên, Cơ sở trắng thập niên 60, Âm mưu và hậu quả, Đại đội trưởng của tôi, Hình và bóng, Con cáo và chùm nho thập niên 70, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Nguồn sáng trong đời, Âm mưu và tình yêu thập kỷ 80, đến Muối mặn đời em , Vua Lia, Hernani, Điều không thể mất và vở cuối cùng Rừng trúc của thập kỷ 90 thế kỷ XX.

Với vốn văn hóa rộng lại sâu, Nguyễn Đình Nghi không chỉ là một thợ dựng, một người thực hiện, mà còn là một nhà tư tưởng, một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch, một nhà nghiên cứu, có lập thuyết, lý thuyết của sân khấu VN. Ông biết phiêu lưu khi cần thiết, nhưng cũng tỉnh táo rút những bài học kinh nghiệm từ những vở chưa thành công. Ông rất sợ những người coi nghề đạo diễn, diễn viên chỉ là cái máy thực hành những thao tác đã được lập trình cho mọi vở diễn, vai diễn mà không có cảm hứng và khoái cảm sáng tạo. Một đời ông, kiên trì tìm sự thăng hoa, bay bổng cho sân khấu VN trong các kinh nghiệm quý báu từ sân khấu dân tộc: Tính ước lệ, sức tả thần để đưa sân khấu thoát khỏi ám ảnh, lôi cuốn của cái tầm thường, dù ăn khách, để mở rộng phạm vi thể hiện, tạo môi trường liên tưởng rộng hơn cho người thưởng thức. Luận án Tiến sĩ của ông có đề tài: Những nguyên tắc cơ bản của Sân khấu Cổ truyền VN. Bốn vở bị phê phán và cấm ở những thời điểm khác nhau: Con Nai đen (1962), Cơ sở trắng (1964) Hình và bóng (1976), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1980) là những vở diễn bị suy diễn vượt ngoài ý định của đạo diễn,nhưng cũng nói lên sức mạnh của những tác phẩm đa tầng, đa nghĩa, giàu hàm lượng văn học. Ông là người rất kén chọn kịch bản. Không phải vô cớ khi ông say sưa với loại kịch rất kén khán giả của Nguyễn Đình Nghi, những cũng hết sức khuyến khích, gợi ý và động viên nhà viết kịch trẻ tuổi Lưu Quang Vũ viết cho những vở giàu tính thời sự, ăn khách mà vẫn có chất lượng văn học. Nguyễn Đình Thi và các vở dựng của ông cũng góp phần cổ vũ, chiêu dụ nhà văn Nguyễn Khải tới với sân khấu bằng các vở kịch Cách mạng, Hành trình đến tự do, Vòng sóng đến vô cùng,…

Ai cũng biết, trong dàn dựng, không chỉ kỹ lưỡng, cẩn trọng về cấu trúc, về chi tiết các lớp kịch, lưu ý sự khác biệt giữa những động tác, cử chỉ hồn nhiên, bản năng với những động tác được kiểm soát, có ý thức để thể hiện rõ tính cách, ông còn rất chú ý và khó tính thậm chí khắt khe đến đài từ, ngôn ngữ nhân vật, cách phát âm, nhã chữ, nhịp điệu, tốc độ, âm vực. Giọng nói, theo ông không chỉ phải chuẩn mà còn phải thể hiện được lòng yêu kính của người nghệ sĩ với cái linh diệu, thẩm thúy của tiếng Việt, ngôn ngữ Việt và truyền cảm hứng tới khán giả.

Ông có khả năng phi thường về phát hiện năng khiếu của diễn viên, chọn đúng vai cho từng người để họ được tự do tung hứng lên sàn diễn. Nhờ sự phát hiện, kèm cặp của ông, hàng trăm diễn viên ở nhiều đoàn nghệ thuật, không chỉ kịch nói, được có những vai diễn để đời của mình, có những vai là đỉnh cao của cả một đời sáng tạo, để găm giữ tên họ vào ký ức khán giả. Một Trọng Khôi còn nhắc mãi vai ông Hàng Thịt trong Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt. NSND vóc hạc mình mai chết danh với các vai hài, khi dựng Nguyễn Trãi ở Đông Quan, trước sự kinh ngạc của nhiều người và của chính diễn viên, đạo diễn chọn ông vào vai Nguyễn Trãi và sau đó là Vua Cờ Đế Thích. Nghệ sĩ của hàng ngàn vai diễn này có một đặc điểm nổi tiếng không kém là hay quên lời thoại. Để giúp Trần Tiến tự tin, đạo diễn bố trí hai bên cánh gà hai người thường trực nhắc vở. Nhưng thật lạ làm sao, với hai vai khá nhiều lời này, Trần Tiến đã diễn xuất thần đến mức không mấy khi cần đến phụ trợ. Với hai vai siêu, phiêu này, sân khấu đã có một hình ảnh Trần Tiến mới. NSND Lê Khanh với màn độc thoại trong Rừng Trúc cũng làm giàu có, đầy đặn tài năng một đời diễn. Ông nghiêm khắc ngay cả với vợ mình, NSUT Mỹ Dung trong chọn vai diễn. Nhưng với vai vợ ông Trương Ba, Mỹ Dung quả là vai diễn khó thay thế.

Ông cho rằng, một nền sân khấu cũng như một nhà hát, muốn có truyền thống phải tìm cách bảo lưu sống những tác phẩm thành công của mình. Để cho những vở diễn hay phải chấp nhận một đời sống ngắn ngủi là sự lãng phí lớn của nghệ thuật, là thiệt thòi cho lớp người tới sau, khi họ- cả nghệ sĩ và công chúng- luôn bắt đầu từ số không, khác gì những bậc tiền nhân tiêu hết vốn liếng của cái của mình, để lại một gia tài trống không cho hậu thế.

Sân khấu thời kinh tế thị trường, ông đau lòng khi chứng kiến mà không ngăn được xu thế biến vở diễn thành hàng hoá đơn thuần, vai diễn thành phương tiện kiếm tiền trực tiếp từ tấm vé của khản giả. Họ sẵn sàng biến sân khấu từ nơi thực hiện những giấc mơ khó kiếm trong đời thật thành chốn kể những chuyện đời thường tầm phào, sống sít, tào lao; không ngượng, ngại mang nguyên xi những bụi bặm, cỏ rác bày ra sàn diễn cốt mua được tiếng cười dễ dãi của một lớp công chúng. Họ đâu biết, càng ăn nên làm ra, họ càng đưa nghệ thuật sân khấu trở về thời bị rẻ rúng, biến nghệ sĩ thành đám xướng ca xưa!

Dẫu vậy, ông không hối hận, không bao giờ tỏ ra hối hận vì con đường mình đã chọn với một tình yêu thuần khiết, thanh cao và chung thuỷ- như ông hằng nghĩ- đó là một tình yêu không vụ lợi, vì nó, ông đã hy sinh cả đời mình. Với kiến văn sâu rộng, một đời ông chưa nhận làm một chức vụ hành chính nào, dù điều đó có thể tạo cho ông nhiều bỗng lộc hơn. Và với tư cách một đạo diễn ông đã là một trong những người có công đầu trong kiến tạo ngôi nhà sân khấu Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.

***

Lần đầu tiên, giới sân khấu nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng hai đạo diễn Dương Ngọc Đức và Nguyễn Đình Nghi.

Sân khấu nước nhà đang hồi lao đao, thưa vắng khán giả, mơ hồ về định hướng phát triển. Hy vọng, giải thưởng cao quí này không chỉ đơn thuần là sự tưởng thưởng xứng đáng công lao của các bậc tiền nhân, mà còn là lời động viên, nhắc nhở những người hoạt động sân khấu hôm nay tìm thấy những bài học thiết thực, có tính thời sự trong việc tổ chức lực lượng, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ, tập họp các trí tuệ, tinh hoa, tài năng sáng tạo để đưa sân khấu VN vào một chặng phát triển mới.

NGÔ THẢO


Tác phẩm tiêu biểu:
- Con Nai đen 1962
- Tiếng sấm Tây Nguyên 1962
- Cơ sở trắng 1964
- Người con gái sông Cấm 1964
- Âm mưu và hậu quả 1971
- Đại đội trưởng của tôi 1975
- Tổ quốc 1976
- Hình và bóng 1976
- Con cáo và chùm Nho 1976
- Đỉnh cao phía trước 1977
- Nguyễn Trãi ở Đông Quan 1980
- Cô gái đội mũ nồi xám 1981
- Người trong cõi nhớ 1985
- Hoa Cúc xanh trên đầm lầy 1987
- Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt 1987 (1986?)
- Nguồn sáng trong đời 1985
- Âm mưu và tình yêu 1988
- Lôi Vũ 1989
- Muối mặn đời em 1990
- Vua Lía 1992
- Hernani 1994
- Điều không thể mất 1989
- Rừng trúc (cùng Phạm Thị Thành) 1999

4 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page