Thứ 5, 17/05/2018 | 11:57
Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, nhà văn Ngô Thảo có ghé qua đại học Massachusetts Boston nói chuyện với sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu.
Sự kiện này do viện William Joiner - viện Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả Xã hội (gọi tắt là viện Joiner) thuộc đại học Massachusetts tổ chức.
Tham gia buổi thuyết trình có Tiến sĩ Thomas Kent, Giám đốc viện Joiner; Giáo sư David Hunt, giáo sư sử học chuyên giảng dạy về chiến tranh Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Bá Chung, nhà nghiên cứu tại viện Joiner; cùng một số các nhà văn cựu binh Mỹ.
Dịch giả Phan Thanh Hảo - nhà văn Ngô Thảo tại đại học Massachusetts
Nhà văn Ngô Thảo chia sẻ những trải nghiệm khắc nghiệt của mình trong chiến tranh thông qua tác phẩm "Những bức thư từ mặt trận" do các con ông thu thập những lá thư ông gửi từ chiến trườngvà 300 bức thư của một ông Đại tá người Mỹ gửi về cho vợ, do cô con gái của ông này cung cấp. Hai người lính, hai chiến tuyến, hai thân phận, hai câu chuyện khác nhau, nhưng cùng trong một cuộc chiến. Tuy điều kiện vật chất, cấp bậc khác nhau, nhưng tâm tư tình cảm của người ở mặt trận đối với gia đình thì gần như nhau.
Câu chuyện về chiến tranh, về nhà văn Ngô Thảo, người chiến sĩ - trí thức, bỏ đèn sách, bút nghiên, ra trận; về những cô gái thanh niên xung phong bám sát các cung đường, san lấp hố bom, choàng dù trắng đứng bên những trái bom chưa nổ làm hiệu cho xe tránh, bên cái chết cận kề, làm không khí ngày xuân yên bình nơi đây trầm hẳn xuống.
Từ trái qua phải: Nhà văn Ngô Thảo, GS. Turner, Dr. Thomas Kent, Giám đốc viện William Joiner, Dr. Tạ Văn Tài, nhà thơ Nguyễn Bá Chung, dịch giả Phan Thanh Hảo, Phương, TS. Thơ, TS. Bảo.
Những thảo luận xoay quanh thân phận người lính của cả hai miền Nam – Bắc thời hậu chiến, số phận thương đau của những người con mất cha, người vợ mất chồng. Mất mát quá lớn, không bút nào tả nổi. Nhà văn Ngô Thảo thấy mình mang nợ với cuộc đời vì chưa viết hết được những “niềm đau”. Theo ông, nỗi đau là cái ta cảm thấy ngay trên bề mặt, còn “niềm đau” là cái chìm sâu, dai dẳng theo năm tháng.
Mọi người xúc động nghĩ về những người đã mất và những người còn may mắn trở về, bỏ lại tuổi xuân nơi chiến trường và sống với niềm đau cùng nỗi thất vọng. Cử tọa cũng đưa ra vấn đề vì saoViệt Nam chưa có những thiên anh hùng ca, sử thi về chiến tranh như "Chiến tranh và hoà bình" hoặc "Cuốn theo chiều gió" cùng những vấn đề làm sao thực sự hoà giải giữa các bên tham chiến.
Nhà văn Ngô Thảo rất xúc động chia sẻ: “Cách đây mấy chục năm đi đánh Mỹ, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ lại có ngày đặt chân đến đất nước này”. Ông cảm ơn tình cảm ấm áp mà viện Joiner và cử toạ dành cho ông. Theo ông, tình cảm đó giống như mặt trời bé xinh mỗi con người cần để toả sáng và sưởi ấm đồng loại.
Minh Phương, đại học Massachusetts
Comments