top of page
nvngothao

Ý TƯỞNG XÂY DỰNG MỘT SỐ CÔNG TRÌNH QUY MÔ QUỐC GIA Ở DÒNG SÔNG BẾN HẢI

(QTO) - Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Trị, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022). Đây cũng là dịp để tỉnh lần đầu tiên tổ chức lễ hội “Vì hòa bình”. Các hoạt động về kỷ niệm ngày lễ lớn của quê hương, đất nước đang được lên kịch bản, trong đó có mối quan tâm chung của Nhân dân Quảng Trị cũng như bạn bè gần xa. Mới đây, nhà văn Ngô Thảo, một người con của Quảng Trị, thay mặt những đồng hương đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội gửi đến chính quyền tỉnh văn bản phác thảo ý tưởng xây dựng một số công trình quy mô quốc gia ở hai bờ sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17. Ý tưởng này đã có từ lâu nhưng nay được đề cập trở lại nhân những ngày lễ lớn của quê hương và đất nước (Báo Quảng Trị từng đặt vấn đề này - Bài: Nghĩ về một công viên ở đôi bờ Bến Hải của Phương Minh - số xuân Ất Mùi- 2015).

Theo nhà văn Ngô Thảo, trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam, một cột mốc lịch sử quan trọng từ Cách mạng tháng 8/1945 đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 là sự kiện ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc được giải phóng, lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc. Tại đây, trong suốt 20 năm chia cắt là nơi diễn ra nhiều sự kiện, tập trung nhân tài, vật lực của cả nước, là một thời kỳ đau thương nhưng hào hùng, thể hiện khát vọng thống nhất đất nước. Đã có rất nhiều người con của đất nước tham gia công tác, chiến đấu ở đây, và từ đây đi vào chiến trường phía Nam. Có nhiều người đã hy sinh, nhưng cũng có nhiều người từ đây mà trưởng thành, lập nên nhiều chiến công lớn. Nơi đây một thời là điểm hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ đi thực tế, công tác, có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật còn mãi với thời gian. Đã có nhiều đơn vị quân đội, thanh niên xung phong, giao thông vận tải, y tế… tham gia công tác, chiến đấu, lập công từ đất này. Người dân đôi bờ sông tuyến không chỉ tham gia sản xuất, chiến đấu mà còn tạo dựng một hình ảnh đẹp về tình người, tình quân dân, trải qua thời gian bao người còn lưu luyến.



Trong những năm qua, với sự quan tâm của trung ương và cả nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải được công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt. Đã có một số công trình ghi dấu thời kỳ lịch sử đặc biệt ở đôi bờ sông Bến Hải, như cầu Hiền Lương lịch sử, tháp canh ở bờ Nam, giàn loa truyền thanh bờ Bắc, nhà liên hiệp… được phục chế; nhà trưng bày hiện vật được xây dựng. Các tỉnh, thành trong nước, lực lượng vũ trang tài trợ xây dựng một số công trình, cụm tượng đài hai bờ sông. Nhưng so với tầm vóc lịch sử của khu di tích, các công trình hiện có vẫn còn rời rạc, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với vị trí lịch sử, ký ức tâm linh của những người trực tiếp sống và chiến đấu cũng như thân nhân của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ và gìn giữ mảnh đất thiêng liêng này. Cho đến nay trên hành trình xuyên Việt, nhiều người có nhu cầu dừng lại nơi này, nhưng tại đây chưa có công trình, dịch vụ gì có sức hấp dẫn du khách ở một điểm dừng có giá trị trên chiều dài con đường thiên lý Bắc - Nam.



Từ những vấn đề đặt ra như trên, nhân những ngày lễ lớn của quê hương, đất nước sắp tới, nhà văn Ngô Thảo và những đồng hương Quảng Trị tại Hà Nội kiến nghị trở lại vấn đề tỉnh Quảng Trị nên tiến hành một cuộc vận động rộng rãi đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế tham gia sáng kiến, đóng góp thiết thực để xây dựng một số công trình quy mô quốc gia ở hai bờ sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17, để nơi này trở thành một công viên văn hóa, lịch sử mang khát vọng thống nhất non sông một thời của dân tộc. Các công trình này lấy cầu Hiền Lương làm trục trung tâm. Đồng thời với việc khôi phục, tôn tạo, bảo tồn các di tích thời chiến, chọn điểm thích hợp xây dựng các công trình tưởng niệm lớn, các khu vui chơi giải trí, phục vụ du lịch. Đặc biệt ngoài nhà trưng bày tổng hợp đã có, cần xây dựng thêm Bảo tàng văn học- nghệ thuật kháng chiến. Nếu được tổ chức vận động tốt sẽ huy động được sự quan tâm, tình cảm cũng như đóng góp cụ thể về tinh thần, vật chất của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác tại nơi này. Đây là những công trình để lại cho muôn đời sau về một kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh.



Trong một bài báo cách đây 6 năm về trước (như đã dẫn ở phần trên), chúng tôi từng kiến nghị: Để Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trở thành điểm hội tụ của du khách, nhất là thế hệ trẻ, cần kêu gọi các thành phần kinh tế cũng như các tỉnh, thành trong cả nước giúp đỡ đầu tư xây dựng đôi bờ sông tuyến một thời này thành một công viên mang tên Thống Nhất. Công viên được thiết kế không gian thân thiện, vẫn giữ nguyên hiện trạng dân cư để du khách có thể vào thăm những mảnh vườn, ao tôm, tìm hiểu cuộc sống của người dân đôi bờ sông tuyến một thời… Ngoài nhà trưng bày, kỳ đài, nhà liên hiệp, cụm tượng đài, cầu Hiền Lương lịch sử, theo chúng tôi nên dành một khu đất thoáng đãng bên sông để xây dựng những ngôi nhà mang đặc trưng các vùng miền trong nước, như các loại nhà sàn ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; nhà lá ở Nam Bộ; nhà rường ở miền Trung; nhà vì kèo chắc chắn ở đồng bằng Bắc Bộ… Ở trong đó có phòng nghỉ, gian ẩm thực đặc trưng cho cả ba miền, để du khách mỗi khi hành hương về đây có chỗ nghỉ ngơi, thưởng thức sản vật của mọi miền quê, mua sắm hàng lưu niệm địa phương ngay trên mảnh đất Vĩ tuyến 17… Tất cả cần được tiến hành như một cuộc vận động để huy động sáng kiến của đồng bào, giới chuyên môn cả nước về quy hoạch, quy mô, thiết kế các nội dung và cách thức huy động nhân tài, vật lực cho các công trình tầm vóc quốc gia bên dòng sông giới tuyến của một thời.



Như vậy, những công trình ghi dấu chiến công một thời nếu được xây dựng ở đôi bờ sông Bến Hải, cầu Hiền Lương sẽ đóng góp một điểm nhấn trên đường thiên lý Bắc Nam, Vĩ tuyến 17. Khi hoàn thành, những công trình này không chỉ là một địa chỉ du lịch mà còn tạo nên một trung tâm để quy hoạch dân cư và phát triển kinh tế vùng. Mặt khác đây là điểm liên kết các địa danh đường Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - địa đạo Vịnh Mốc - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ, tạo thành một cụm di tích lịch sử quan trọng của Quảng Trị cũng như của cả nước.


Phương Minh

7 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page