TP - Lời vào sách mới của Ngô Thảo khiến người ta cảm động: “Là lớp hậu sinh, nhưng năm nay cũng đã vào tuổi 80, trông lại, thấy mình may mắn được tại thế lâu hơn nhiều bậc đàn anh tài năng, trước khi nối bước theo họ, tôi tập hợp một số bài viết trong nhiều thời gian, về mấy tác giả mà bằng nhiều cách tôi từng quen biết: Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn làm nên tập tư liệu văn học Bốn nhà văn nhà số 4”.
Sách “Bốn nhà văn nhà số 4”
Nhà văn Trung Trung Đỉnh hay gọi Ngô Thảo là “Chị Thảo”. Vì Ngô Thảo có sự chu đáo, tỉ mẩn của chị em chăng? Trung Trung Đỉnh thường hay… mơ được ra đi trước Ngô Thảo, thì sướng. Nguyên văn câu nói của tác giả Ngõ Lỗ Thủng: “Ông ấy sẽ lo cho mình chu đáo”. Trung Trung Đỉnh nói thế kèm nụ cười. Còn họa sỹ Đào Hải Phong chia sẻ với tôi: “Tôi quí Ngô Thảo vì Ngô Thảo yêu mến người tài”. (Tất nhiên người tinh tế như Đào Hải Phong chẳng bao giờ dại đến mức nhận mình tài).
Thấm thoắt tôi đã may mắn được biết nhà phê bình Ngô Thảo gần chục năm nay, qua sự giới thiệu của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Biết Trung Trung Đỉnh sẽ biết Ngô Thảo, tất nhiên. Vì Trung Trung Đỉnh luôn xem Ngô Thảo như người anh ruột thịt. Chẳng thế mà, sinh đứa con đầu lòng, Trung Trung Đỉnh dùng tên vợ ghép với tên người anh của mình, thành cái tên đẹp: Hương Thảo. Nhưng người như Ngô Thảo, không chỉ riêng Trung Trung Đỉnh yêu quí. Tôi còn nhớ buổi Ngô Thảo “alo” đến nhậu, nhưng nhậu thì ít nghe ông giãi bày tâm trạng bức xúc thì nhiều, ông bất bình vì Thu Bồn trượt giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ vì “khâu thủ tục”.
Nhưng ngày 23/2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chủ trì cuộc họp hội đồng, đã đặt câu hỏi mà người yêu văn chương quan tâm: “Tại sao Xuân Quỳnh, Thu Bồn chưa được trao giải thưởng?”. Cuối cùng, Thu Bồn đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Người trong giới đều biết, Ngô Thảo đã làm hồ sơ giúp Thu Bồn thay cho người con trai nhiễm chất độc da cam của cố thi sĩ. Việc gì cần làm cho người anh, người đồng nghiệp, Ngô Thảo đều hết mình.
Nghe nói, Ngô Thảo cũng là người ở bên Thu Bồn những giây phút cuối. Ông muốn Thu Bồn được vinh danh, vì hơn ai hết, là một nhà nghiên cứu phê bình văn học, ông hiểu Thu Bồn xứng đáng được vinh danh. Lo cho Thu Bồn đã đành, Ngô Thảo còn lo cho cả giọt máu của “tráng sĩ hề dâu bể” để lại. Đi kèm giải thưởng cao quí là một số tiền không nhỏ, khoản tiền ấy có thể cần thiết cho người con của Thu Bồn. Là Ngô Thảo nghĩ thế! Cũng chẳng phải với riêng Thu Bồn, Ngô Thảo mới ân cần, chu đáo cả sau khi bạn văn đã qua đời.
Có lần, tôi theo chân Ngô Thảo đến thăm người vợ thứ hai của Nguyễn Thi và con trai của cố nhà văn. Ngô Thảo đến để trao nhuận bút từ cuốn sách ông hì hụi làm cho đồng nghiệp và cả nhuận bút ông viết bài về Nguyễn Thi, cho người nhà của cố nhà văn. Những việc làm của ông với bạn văn, khiến tôi nhiều khi quên mất Ngô Thảo là một nhà phê bình văn học. Chơi với bạn văn thân như thế, tính hiền như thế thì phê bình làm sao?
Vài tuần trước, Ngô Thảo mang tặng tôi cuốn sách “Bốn nhà văn nhà số 4”. Ông định dạng cuốn sách này là “tư liệu văn học”, về 4 nhà văn nổi tiếng của văn nghệ quân đội: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn. Được tặng sách song tôi chưa có thời gian đọc ngay, cách đây vài ngày, vào một buổi tối, ngồi ở quán cà phê quen thuộc, tôi mở sách ra xem. Thật bất ngờ vì quá thú vị. Sách của nhà phê bình văn học thường gây cho độc giả cảm giác ngại đọc.
Nhưng sách của nhà phê bình Ngô Thảo hoàn toàn khác, văn chương giản dị, ít lý luận, lại giàu chi tiết sống động của đời thường. Bởi Ngô Thảo không chỉ sống với tác phẩm của nhà văn, ông còn đi bên cạnh cuộc đời họ. Thế mà khi tặng sách, tôi hỏi Ngô Thảo, điểm đặc biệt trong cuốn sách này. Ông đáp: “Chẳng có gì đặc biệt đâu”. Lý do ông ra sách chỉ vì sợ 4 “cột cái” trong ngôi nhà văn nghệ quân đội bị lãng quên: “Văn chương lâu lâu phải nhắc lại. Không nhắc thì ai cũng có thể quên được hết. Đó là một thời văn chương tác động lớn tới xã hội. Cũng là thời văn chương có nhiều công chúng”. Không lo mình bị lãng quên mà chỉ lo đồng nghiệp bị quên lãng, ấy là Ngô Thảo. Trong phê bình, ông có quan điểm riêng, luôn cố gắng hướng về cái đẹp, như những dòng ông viết trong lời vào sách của cuốn “Dĩ vãng phía trước” (Ngô Thảo viết lời vào “Dĩ vãng phía trước” khi ông đang chuẩn bị hóa trị, ông phát hiện mắc ung thư năm 2011 và đã chiến thắng một cách thần kỳ): “Thời nào, ở đâu con người cũng có những cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ lẫn đáng quên. Nhưng khi qua rồi, cái tốt đẹp bao giờ cũng đáng nhớ. Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp là vậy”.
“Bốn nhà văn nhà số 4” hấp dẫn ngay từ những trang đầu tiên. Tôi vẫn giữ thói quen từ thời học sinh, khi đọc sách gặp câu hay, chi tiết thú vị, thường đánh dấu. Chỉ riêng phần “Ghi ở Hương Ngải”, đã bao nhiêu điều đáng phải đánh dấu. Hương Ngải chính là nơi Văn nghệ Quân đội sơ tán lần 2, 4/5/1972, thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ. Nếu không xem ghi chép của Ngô Thảo, ai biết tác giả “Thượng đế thì cười” ngoài đời hóa ra là người chẳng biết tình yêu là gì, chỉ vì quá tỉnh. Hồ Phương bảo: “Không nên nói chuyện tình cảm, càng không nên nói chuyện tình yêu với Nguyễn Khải, vì bao giờ Khải cũng như lột hết áo quần người nói chuyện với mình. Khải không tin có tình yêu”.
Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu tiết lộ: “Khải lại rất chiều con, biết rất nhiều thuốc chữa bệnh trẻ con, và lúc con ốm thì hắn ta thành ngay một người đàn bà vừa lanh chanh, vừa lắm lời, rối rít cả lên”. Đến lượt Nguyễn Khải “bóc mẽ” Nguyễn Minh Châu: “Nguyễn Minh Châu là người rất nhát gái, hay đỏ mặt, đỏ tai, Và để che đậy sự nhát gái của mình, khi nào trò chuyện hắn cũng nói những câu rất thô bỉ”. “Chuyện đời, chuyện yêu” của Nguyễn Thi- Nguyễn Ngọc Tấn có lẽ không sách nào viết tỉ mỉ, chi tiết, cảm động như “Bốn nhà văn nhà số 4”. Người đàn bà để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời Nguyễn Thi có tên Trang. Chị Trang được Ngô Thảo ví như Mađô của Việt Nam: “Một trí thức tốt bụng, dễ tin người. Hệt như Mađô trong “Cơn bão táp” I.Êrenbua. Một người như thế mà có lúc phạm sai lầm thì cũng là dễ hiểu thôi. Một người phạm sai lầm mà vẫn đáng trọng, đáng quý… Mađô của Việt Nam đấy”.
Nguyễn Thi có với “Mađô Việt Nam” một cô con gái tên Trang Thu: “Nếu như suốt đời, Tấn yêu một người nào nhất, yêu hơn cả cuộc đời mình, thì đó là cô con gái chưa thấy mặt, cháu tên là Trang Thu”. Vì sao sau này Nguyễn Thi lấy một người vợ “nông dân chay, văn hóa thấp, hoàn toàn không biết nghề của chồng”? Bởi nhà văn “quyết định trả thù đời” khi tình yêu lớn bị phản bội. Vì sao Nguyễn Thi đi B? “Trong nhiều dự định, có môt ý định lớn là tìm gặp cô con gái đang sống với bà ngoại ở Sài Gòn. Mậu Thân 1968, Tấn quyết định vào thành phố là để thực hiện nguyện ước đó”, sách ghi. Nhưng tuyệt vời ở chỗ, sống trong tâm trạng nặng nề, Nguyễn Thi vẫn viết những trang văn “trong sáng đẹp đẽ”.
“Bốn nhà văn nhà số 4” không chỉ đi vào chuyện đời nhà văn. Chuyện nghề mới là câu chuyện chiếm nhiều trang sách. Đọc “Bốn nhà văn nhà số 4” thấy không khí văn chương sôi nổi của một thời. Hãy xem Nguyễn Minh Châu đánh giá và dự đoán về tác giả “Tống biệt hành”: “Thâm Tâm là một nhà thơ sắc sảo, thông minh. Có khi rồi đây những thứ mình è cổ viết lách, nay sẽ là rơm rác hết, chỉ còn lại “Tống biệt hành” của ông ấy mà thôi. Đó là bài thơ không thể chết được”. Đừng tưởng Ngô Thảo hiền nên xuê xoa. Đối với nghề viết, ông dũng cảm và trung thực, ngay trong ghi chép. Đây là lời Nguyễn Khải đánh giá văn Lê Lựu: “Văn Lê Lựu xỉn; chữ nọ xọ lên chữ kia, xỉn. Dù có chữ mới!”.
Nguyễn Minh Châu tiếp tục: “Chữ Lê Lựu mới nhưng quê mùa”. Tác giả “Mảnh trăng cuối rừng” còn nhận xét Nguyễn Tuân: “Đọc Nguyễn Tuân luôn cảm tưởng ông ấy không nói với mình mà nói với thần tiên hay ma quỉ đâu đâu”. Các nhà văn đâu chỉ phê “văn người”. Họ cũng tự phê quyết liệt: “Dấu chân người lính” lúc đầu có tên là Trong khói lửa, nhưng sau tôi thấy khói lửa đã mịt mù cả nên đổi tên. Ngày trước nghĩ được cái tên: Mảnh trăng cuối rừng tôi thích lắm tự cho là hay. Giờ nghĩ lại thấy thối!”, Nguyễn Minh Châu nói. Riêng đầu đề sách đã thành cuộc luận bàn sôi nổi. Nguyễn Minh Châu “chê” Đỗ Chu “thối”: “Thằng Chu (Đỗ Chu) có những đầu đề cũng thối! “Gió qua thung lũng” đã khó chịu lại còn “Đám cháy trước mặt”. Nhưng Nguyễn Khải cho rằng dù “thối” thì vẫn hơn ông: “Mùa lạc” nghe ra sách nông nghiệp, “Xung đột” ra sách chính trị. Lại còn “Chủ tịch huyện” nữa chứ. Tôi đặt tên không hay”.
Câu hỏi nhiều người tò mò, Ngô Thảo trong “Bốn nhà văn nhà số 4” xuất hiện thế nào với tư cách nhà phê bình văn học? Có thể đáp: Sắc sảo, thẳng thắn, khách quan. Xin điểm một đánh giá của Ngô Thảo về đứa con tinh thần mang tên “Chiến sỹ” của Nguyễn Khải: “Tôi không nghĩ Nguyễn Khải đã dựng được một điển hình về người chiến sĩ. Cái gọi là người lính Việt Nam chống Mỹ điển hình có lẽ khó gói vào một người (…). Nhưng có thể nói mà không sợ sai rằng, với “Chiến sĩ”, Nguyễn Khải đã ghi được một nét khá tiêu biểu của người lính chống Mỹ. Có thể đòi hỏi ở Nguyễn Khải nhiều hơn: bởi vì trong thực tế, người lính sống hồn hậu hơn? Đời sống tâm tình của họ hầu như bị tác giả bỏ quên? Anh đã quá chuộng những anh lắm lời, lém lỉnh, không ngoan quá, đọc lắm lúc cứ thấy sờ sợ thế nào? Có lẽ cần phải trả cho tuổi trẻ cái thơ ngây cần thiết?”.
Còn đây là nhận xét của “người hiền” làng văn về Nguyễn Minh Châu: “Anh là một người thiếu tự tin giữa những nhà văn rất tự tin, đến mức họ không biết cái họ viết ra là dở”. Với Nguyễn Thi, Ngô Thảo viết: “Ở Nguyễn Ngọc Tấn không có cái sắc sảo trong đối thoại và phân tích tâm lý rạch ròi của Nguyễn Khải, không có cái hào hùng của Nguyên Ngọc, nhưng anh có ưu thế đặc biệt về giọng tâm tình…”.
NÔNG HỒNG DIỆU
Коментарі