top of page
  • nvngothao

Thêm một cách “tổng kết” về chiến tranh

Nguyễn Khắc Phê :Bốn nhà văn Nhà số 4 (*)

Thêm một cách “tổng kết” về chiến tranh

Nguyễn Khắc Phê


Bốn nhà văn hiện diện trong cuốn sách tư liệu văn học vừa được nhà phê bình Ngô Thảo cho in cuối năm 2020 đều là những tên tuổi lớn, quen thuộc với bạn đọc cả nước: Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thu Bồn (từ đây gọi chung là “4 nhà văn”). Cả 4 nhà văn đều đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao nhất về Văn học nghệ thuật, nên tác phẩm của các ông là đề tài của hàng trăm bài báo, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đã công bố trong mấy chục năm qua. Mặc dù vậy, cuốn sách vừa ra đời của Ngô Thảo có chỗ đứng riêng, có nội dung và giá trị mà những công trình xuất bản trước đây chưa/không có điều kiện thực hiện.


Trước hết, nói đến “điều kiện” vì Ngô Thảo tuy vừa lên tuổi 80, cũng đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, vẫn thuộc lớp đàn em, nhưng có may mắn từng sống chung nhiều năm với 4 nhà văn dưới mái nhà “số 4 Lý Nam Đế – Hà Nội” – Trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi hội tụ, khơi nguồn và nuôi dưỡng nhiều tài năng văn chương, không chỉ đối với những người cầm bút mặc áo lính. Với thuận lợi như là “người trong nhà”, với tác phong làm việc cẩn thận, chu đáo, khoa học và công bằng, Ngô Thảo đã cung cấp cho bạn đọc những tư liệu tin cậy, có thể nói là “tư liệu gốc”. Trong nghiên cứu, học thuật đây là yếu tố rất quan trọng. Với mỗi nhà văn, Ngô Thảo không đi sâu về mặt lý luận, trường phái này nọ mà chủ yếu cung cấp cho bạn đọc những tư liệu cần thiết để vừa nắm được những thành tựu chủ yếu, sở trường và cả “sở đoản” cùng những thao thức, vật vã đến đau đớn của họ để vượt lên chính mình, vừa hiểu sâu hơn cuộc đời, những trăn trở và động lực đã đưa họ từ người lính trở thành nhà văn có nhiều tác phẩm giá trị. Bốn nhà văn lớn đứng chung trong một cuốn sách, tuy đã dày đến 500 trang, nhưng vẫn có thể chưa làm bạn đọc thỏa mãn vì “Niên biểu” chưa thật đầy đủ (ví như cần thêm danh mục tác phẩm và thời điểm xuất bản…) và cũng thiếu những bài phê bình chuẩn mực mà sắc sảo về các tác phẩm chủ yếu của mỗi nhà văn; do cuốn sách không thể dày hơn và có lẽ tác giả muốn dành số trang cho những tư liệu “nguyên chất”, không biến dạng qua thời gian. Rất nhiều thư từ, ghi chép những buổi trò chuyện, tâm sự giữa các nhà văn có không ít điều tế nhị “nhạy cảm” mà trước đây không dễ công bố, cả chuyện tình riêng đầy uẩn khúc của Nguyễn Thi, Thu Bồn đã được “bạch hóa” trong cuốn sách này, giúp bạn đọc hiểu được chân dung và sự nghiệp của 4 nhà văn toàn diện và chân thật hơn.


Điều đặc biệt nữa là Ngô Thảo đã “khéo” chọn 4 nhà văn đều có tác phẩm nổi bật tiêu biểu cho thành tựu của nền văn học cách mạng và kháng chiến, nhưng mỗi người có một vẻ đẹp riêng, cuộc đời và phong cách sáng tác rất đa dạng, địa bàn “tác chiến” cũng khác nhau, trong đó 2 nhà văn Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn đã dành nhiều công sức viết về chiến trường Trị Thiên Huế. Nhờ thế, cuốn sách tuy chỉ gồm 4 nhà văn, nhưng đã giúp bạn đọc hình dung được cả chiều rộng lẫn bề sâu của nền văn học cách mạng và kháng chiến. Qua 500 trang sách, chúng ta đã được “gặp lại” những hình tượng đẹp, những người anh hùng và cả những con người bình thường, từ Cồn Cỏ đảo thép, Trị Thiên Huế “nơi đụng đầu lịch sử”, đến đường Trường Sơn trong mây, qua Tây Nguyên bất khuất vào tận cửa ngõ Sài Gòn…đã vượt qua biết bao gian nan, nguy hiểm góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của dân tộc mùa Xuân 1975. Những nhân vật đó, nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, bình luận; nhưng cuốn sách của Ngô Thảo còn gợi ra một vấn đề thú vị: Chính các nhà văn - đặc biệt là Nguyễn Thi và Thu Bồn – rất xứng đáng là nhân vật hoặc “nguyên mẫu” của nhân vật một tiểu thuyết có sức ôm chứa không chỉ cả một giai đoạn lịch sử kháng chiến của dân tộc mà còn biết bao vấn đề xã hội, nhân văn; chuyện tình yêu cũng cực kỳ hấp dẫn! Đề tài này, đang chờ đợi các cây bút sung sức tiếp cận và thể nghiệm…


Ở đây, trong giới hạn một bài báo, xin dẫn trường hợp Nguyễn Thi (tức Nguyễn Ngọc Tấn) đã anh dũng hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn trong đợt 2 Tổng tấn công Mậu Thân (5/1968) lúc vừa tròn 40 tuổi! Trong 4 nhà văn, Nguyễn Thi có ít tác phẩm nhất - bao nhiêu tác phẩm còn dang dở ( như tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa”, “Sen trong đồng”, “Cô gái đất Ba Dừa”…) khi nhà văn vĩnh viễn nằm lại trận tuyến ác liệt ở tuổi sung sức nhất; đồng đội không tìm được di hài liệt sĩ, nhưng di sản Nguyễn Thi để lại – trong đó có “24 sổ tay ghi chép mà nhờ một sự may mắn kỳ lạ, bạn bè còn giữ được và gửi về hậu phương” - như là ngọn đèn giúp hậu thế soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, xã hội và văn học! Nguyễn Thi quê Nam Định, năm 1943 theo anh trai vào Sài Gòn đi học; và ngay năm 1945 đã tham gia “Thanh niên Tiền phong” (“thủ lĩnh” là Phạm Ngọc Thạch”) rồi sung vào đội “Cảm tử quân” của Nguyễn Bình…Năm 1955, Nguyễn Thi tập kết ra Bắc và năm 1961, anh thuộc nhóm nhà văn đầu tiên trở lại chiến trường miền Nam… Nguyễn Thi vào mặt trận theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhưng đồng thời cũng do sự thôi thúc từ một nỗi đau riêng: Anh đi tập kết, không chờ được người vợ sinh con đầu lòng; và rồi cô Trang vợ anh, lại không giữ được trọn vẹn tình yêu thật đẹp với anh… Vì thế, anh “trở lại với Nam Bộ thân yêu, với Sài Gòn,… còn có tiếng gọi thiết tha của tình cảm cha con với đứa con gái mà anh luôn ân hận một cách xót xa…” Nhưng anh chưa tìm gặp được người con gái thì đã hy sinh!...


Chỉ là “trích yếu” một cuộc đời như thế, đã thấy rộng dài và sâu thẳm biết bao dấu ấn lịch sử đất nước cũng như số phận nhiều lớp người từng gắn bó với các chiến sĩ-nhà văn trong cuộc trường chinh của dân tộc. Trên con đường đi tới thắng lợi cuối cùng, đã có biết bao anh hùng ngã xuống nơi mũi tên hòn đạn như Nguyễn Thi, nhưng còn có những số phận như cô Trang vì chia ly mà lầm lỡ và đứa con gái không bao giờ biết mặt cha; và như Thu Bồn – “nhà thơ đi qua vài cuộc hôn nhân, nhưng không dám có con lần nữa” vì ám ảnh di chứng chất độc da cam; và nữa, như thân phụ Nguyễn Minh Châu chết trong tù thời “Cải cách”, nỗi đau thầm lặng chưa mấy người biết…


Cũng vì thế, có thể nói cuốn sách về 4 nhà văn của Ngô Thảo đã góp thêm một cách “tổng kết” về chiến tranh…

(Xin chú ý: Nếu dùng ảnh chân dung 4 nhà văn, cần ghi đúng chú thích như sau: “Chân dung 4 nhà văn (từ trên xuống và từ trái qua): Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn.”)


5 views0 comments

Recent Posts

See All

VÀ NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ NHÀ SỐ 4

Tôn Phương Lan Rồi có một hôm nào đó cũng phải nhờ Ngô Thảo tháo gỡ những băn khoăn của tôi hơn ba mươi năm trước về việc “đang yên đang lành” bên tạp chí Văn nghệ quân đội anh lại chuyển đi, xem có đ

Post: Blog2 Post
bottom of page