Dạo ấy, đâu như cuối 2005 đầu 2006 gì đó, khi lần đầu tiên đọc "Cánh đồng bất tận" đăng ba kỳ liên tiếp trên tuần báo Văn nghệ, nhà văn Ngô Thảo đã thực sự ngất ngây và choáng. Ông bố của BHD, cố vấn cho công ty truyền thông thích thử thách mình trong những "canh bạc" khó: làm phim, lập tức đề ra phương án, mua đứt bản quyền truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.
Rồi Ngô Thảo, từ Hà Nội vào TP HCM, cùng với "cạ" của mình, những ông bạn già, biên kịch Ngụy Ngữ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Hồ và đạo diễn Trần Mỹ Hà lặn lội xuống Cà Mau gặp Nguyễn Ngọc Tư "đặt cục gạch", đợi khi mưa thuận gió hòa, bắt đầu xác lập hành trình mới cho con thuyền long đong những phận người đầy thương khó… 1. 5 năm ấp ủ cho một bộ phim, nhiều nhặn gì so với hơn một thập niên ròng rã, James Cameron đợi kỳ được cho công nghệ 3D đạt đến độ hoàn mỹ, mới chung tay xây đắp nên "kỳ quan" Avatar quần đảo cả thế giới. Nhưng 5 năm lại là giới hạn cuối cùng trong hợp đồng mà những cố vấn nghệ thuật của BHD đã thương thảo và ký kết với Nguyễn Ngọc Tư, để được quyền làm phim "Cánh đồng bất tận". Cả Ngụy Ngữ, Nguyễn Hồ, Trần Mỹ Hà, Nguyễn Quang Sáng không thôi xuýt xoa về "Cánh đồng bất tận", về những tưởng tượng của họ cho một bộ phim mênh mang sông nước miền Tây, nhưng lại không được trùng lặp với những hình ảnh tuyệt đẹp mà trước đó, "Cánh đồng hoang", "Mùa len trâu" đã tạo dựng. 15 triệu, Ngô Thảo bảo gia đình ngày ấy phải bán đi 2 hay 3 cây vàng gì đấy không nhớ chính xác, riêng Tư thì đương nhiên, khó có thể quên. Chưa bao giờ, chỉ một truyện ngắn của Tư lại được trả giá cao như thế, được nâng giấc và chăm bẵm chỉn chu đến thế, ngay từ khi vừa xuất hiện, chào đời. Nguyễn Ngọc Tư nhà văn, cũng như nhiều người viết khác, chân chỉ hạt bột, chỉ quen nghĩ đến giá trị tinh thần, mà luôn e dè ngượng ngập, ít khi dám so đo tính toán trị giá vật chất cho tác phẩm của mình. Tư "gả bán" xong "Cánh đồng bất tận", và bỏ luôn ra khỏi đầu những hoài nghi về hình hài một bộ phim sẽ được tượng hình trong tương lai. Nhưng Nguyễn Phan Quang Bình cùng ê kíp thì không thể nhẹ tênh như thế. Lỡ bị ám bởi cánh đồng buồn se sắt, bị cái đớn đau của những kiếp người u uất hành hạ, từ lúc có được chữ ký của Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã dường như phải sống một cuộc sống khác, cuộc sống của kẻ biết mình trót leo lên lưng hổ, không còn đường lùi. Lựa chọn người chấp bút, để biến số phận của cha con Út Võ và cô gái điếm cuối mùa tên Sương, từ ngôn ngữ văn học thành kịch bản điện ảnh, không ai hơn Ngụy Ngữ, nhất là khi, được sự trợ giúp biên tập từ nhà văn Nguyễn Hồ. Người am hiểu sông nước miền Tây bậc nhất, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, theo Ngô Thảo, tuổi này lại chỉ còn thích rong ruổi điền viên vui thú, hơn là lao động kiểu lực điền: viết. Trần Mỹ Hà và nhiều đạo diễn khác cũng muốn giành cơ hội làm phim. Khó ai có thể bỏ qua cám dỗ trước một dự án, chắc chắn sẽ tạo ra dư luận, trong cái mớ bòng bong điện ảnh nước nhà, làm phim ra rồi thường thì chịu phận ẩm mốc trong các viện lưu trữ, mà ít khi được xuất hiện lan tràn trong các rạp chiếu. Nhưng cuối cùng, Nguyễn Phan Quang Bình đã tự ấn định cái kết cho mình: dấn thân. Dustin Nguyễn là tên tuổi duy nhất Bình nhắm cho vai Út Võ. Vẻ đẹp giai nam tính và tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế của Dustin Nguyễn, thì khỏi phải nói, rất phù hợp với vai diễn này, thoạt đầu, Bình đã định tìm Hồng Ánh cho Sương, bởi Ánh lợi thế nói giọng miền Nam, lại cũng đầy đặn mỡ màng kiểu một người đàn bà đã qua thời xuân sắc nhất. Nhưng tiếc (hay may) là quãng ấy, Hồng Ánh đang vướng chuyện du học, và cũng còn những lý do ngoài tầm kiểm soát khác, để dự định hợp tác không thành. Nguyễn Phan Quang Bình quay về với "người cũ", nữ diễn viên múa đã lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh, trong chính bộ phim đầu tiên anh làm đạo diễn: "Vũ khúc con cò". Khi cùng Quang Hải thành một "cặp đôi" trong "Vũ khúc con cò", Đỗ Thị Hải Yến chưa bao giờ đóng phim, chưa hề tỏ tường những khái niệm máy quay, trường quay hay diễn xuất, ngôn ngữ điện ảnh gì hết… Kịch bản hay, đầu tư kỹ lưỡng, tiền sản xuất phim lại lấy từ chính túi mình, Bình sẵn sàng để lao vào một cuộc chơi sống còn, sinh tử. Ngạo nghễ và tự tin Nguyễn Phan Quang Bình đã bán đi cái trang trại của gia đình ở một vùng bán sơn địa, được mua từ thời đất còn chả ai để tâm để mắt, đánh đổi lấy bộ phim mà ngay lúc rậm rịch khởi quay, dư luận đã luôn bàn ra tán vào, râm ran ngóng chờ đủ chuyện. 2. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình bắt đầu chuỗi ngày ruổi rong tìm bối cảnh, tìm cho ra những hình ảnh thực nhất của cuộc sống đời thường. Đoàn phim đã dắt díu nhau tới Bình Phong Thạnh, trong khuôn viên bao la của Trung tâm nghiên cứu phát triển dược liệu ở huyện Mộc Hóa, Long An. Hàng héc ta đất đã được đoàn phim thuê trồng lúa, để tới ngày quay, sẽ có một cánh đồng bất tận đang vào lúc trổ đòng. Đàn vịt 500 con cũng được điểm danh từ khi còn bé tí, giao cho người chăm nuôi, huấn luyện, để chúng quen với đám đông, quen với đèn đuốc ánh sáng, để khi cần lên tiếng thì lũ gia cầm quen ầm ĩ ấy mới đồng thanh quàng quạc, khi mà phim bắt buộc phải thu âm đồng bộ, ấy vậy mà lúc quay, chúng cũng bị hao hụt ít nhiều, phần vì người nuôi biến thành món nhậu, phần nữa do tách đoàn, lạc lối, không thể tìm về chỗ tập trung. Những khuôn hình tuyệt đẹp trong phim, hoàn toàn là cảnh thật. Cánh đồng cỏ năn cỏ lác rẽ lối cho Sương lúc rời bỏ con thuyền của cha con Út Võ, đi về miền vô định. Cả Bình, cả Yến, cả Dustin Nguyễn đều chưa bao giờ có dính líu gì tới miền Tây, chưa hề gắn kết gì với vùng đất này, trước khi bị hành bởi "Cánh đồng bất tận". Họ đã cảm nhận về vùng sông nước Cửu Long, bằng những trải nghiệm đầu đời của chính mình, không giống ai, nhất định không bị lụy vào một giá trị nào sẵn có. Miền Tây đẹp và nên thơ như thế, bất chấp cuộc sống của mỗi con người còn đầy rẫy những toan lo, bất chấp những số phận cá nhân còn chông chênh, khốn khó. Điểm tựa vô cùng tận cho Nguyễn Phan Quang Bình không phải là sự hậu thuẫn của cả đại gia đình, sự đỡ đần của những người bạn nghệ sỹ đã gắn kết nhiều năm cùng BHD, mà chính là lượng "fans" hâm mộ hùng hậu truyện ngắn "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư. Lợi thế ấy cũng thành ra sức ép, khi rất nhiều người, luôn lăm lăm đem truyện của Tư làm đối trọng, để xét nét săm soi bộ phim vừa tung ra rạp. Chưa đầy hai tuần sau khi công chiếu, "Cánh đồng bất tận" đã thu được hơn 9 tỷ đồng tiền vé, con số "hàng khủng" so với một bộ phim thuộc dòng nghệ thuật, nhưng vẫn chưa thể coi là thu hồi đủ vốn liếng 7 tỷ nhà sản xuất bỏ ra, do còn phải ăn chia tỷ lệ 50-50 cho các chủ rạp. Nghệ thuật hay thị trường, đích cuối của tác phẩm cũng là công chúng. Điện ảnh, không thể tồn tại nếu thiếu vắng người xem. Nhưng bộ phim có những cách tìm tòi độc đáo của đạo diễn, chỉ có thể dành riêng cho những liên hoan, nơi luôn khuyến khích cái mới lạ, khác biệt. Công chúng chỉ cần sự ấm áp của lòng người, cần được vui, được buồn, được cười và được khóc, được chia sẻ đồng cảm với những phận người trong tác phẩm. Chưa đầy một phút cho cảnh "nóng" của Hải Yến và Dustin Nguyễn, không phải là yếu tố tiên quyết tạo nên sức lôi cuốn của "Cánh đồng bất tận". Cũng không phải câu chuyện vùng miền, đặc trưng riêng của đất phương Nam, mà chính những phận người, chính nỗi đau tái tê câm lặng của Sương, của Út Võ, của chị em Nương, Điền mới cộng hưởng thành những lớp sóng lăn tăn, lan tỏa sự đồng cảm tới xung quanh… Cuối cùng thì bộ phim của Nguyễn Phan Quang Bình cũng dễ dàng dành cho số đông, thuộc về số đông. Một số đông những con người đa cảm, dễ mủi lòng, sẵn sàng rơi nước mắt. Đôi lúc, những con người tưởng như thông minh lại thành ra tội nghiệp, vì đã đánh mất đi những niềm vui thông thường, bào mòn đi khả năng rung động trước những điều đơn giản, những chuyện bé mọn. Đâu chỉ tuyệt tác mới làm ta sung sướng, mà những tác phẩm, tưởng là "sến", tưởng bình dân cũng làm nên giá trị khôn cùng, hay ít nhất có sức mạnh dẫn dụ, lôi kéo lòng người. Nguyễn Phan Quang Bình đã cố tình thuê một nhà dựng phim người Mỹ, một cá nhân chưa hề biết đến Nguyễn Ngọc Tư, chưa bao giờ tiếp cận văn bản "Cánh đồng bất tận", với mức thù lao đắt giá, trả bằng đôla Mỹ, tính theo ngày. Khoảng 30 tiếng đồng hồ của tất cả các thước phim đã quay, người dựng phim đúc kết lại còn 100 phút. Đạo diễn cũng sợ mình bị ma mị, dẫn dắt bởi truyện, sợ mình bị chính Nguyễn Ngọc Tư và những con chữ của cô "lôi kéo", áp đặt. Một sự rạch ròi tuyệt đối giữa truyện và phim, để công chúng có riêng cho mình tác phẩm điện ảnh riêng biệt, không phụ thuộc, không lẫn lộn trong dòng chảy đương thời. "Cánh đồng bất tận" vẫn tiếp tục hành trình vượt ra khỏi biên giới quốc gia, đến với nhiều vùng đất khác. Con thuyền cũ kỹ, buồn nản của cha con Út Võ, sau ngày phim đóng máy, đã được tặng lại cho Hải Yến. Yến đã kéo con thuyền gỗ về neo tại bến sông Sài Gòn, không xa mấy căn nhà cô đang ở, để lưu lại cho mình một kỷ niệm, một dấu ấn về chuỗi ngày rong ruổi trên những cánh đồng năn, lác của đất phương Nam. Ngô Hương Sen
Comments