*** Bài đăng trên trang Leminhquoc.com và báo Quảng Trị
Gần đến ngày Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, tôi nghĩ đến những người lính và phải là những người lính Việt Nam.
Dĩ nhiên tôi chỉ nghĩ đến họ trong phạm vi kiến thức giới hạn của mình, của một người con sinh sau giải phóng, lớn lên không còn tiếng đạn bom dội về ai oán, lớn lên trong những ngày đất nước từng bước hội nhập, vất vả, khó khăn, đấu tranh sinh tồn để mỗi ngày khoác lên mình một chiếc áo mới hoàn thiện hơn cho thế hệ chúng tôi, con cái chúng tôi và các thế hệ sau này.
Tôi cảm thấy mình càng hạn hẹp hơn khi bây giờ đã trở thành một người con xa xứ gần hai mươi năm, mà điều đó không ngăn cản tôi luôn tự hào khi nghĩ về họ - những con người làm nên lịch sử.
Đa số người nước ngoài khi nghĩ về đất nước tôi, họ sẽ nghĩ đến cụ Hồ, các cuộc chiến tranh, ẩm thực và du lịch. Một số độc giả sẽ đề cập đến Nhật Ký Đặng Thùy Trâm (Last Night I Dreamed of Peace), đến tác giả Bảo Ninh của Nỗi Buồn Chiến Tranh (The Sorrow of War) và Trại Bảy Chú Lùn (phiên bản tiếng Hung), tác giả Trần Mai Hạnh với Biên Bản Chiến Tranh (A War Account 1-2-3-4.75), hay các tác giả ngoại quốc như Tim O'Brien của Những Thứ Họ Đeo Mang (The Things They Carried), Graham Greene của Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American).
Ngay từ tác phẩm đầu tay đã làm nên tên tuổi một số nhà văn, vì sao? Vì chiến tranh là đề tài bất tận của đất nước tôi, và nó sẽ còn vang dội nhiều thế kỷ sau nữa.
Tác giả người Mỹ gốc Việt, Việt Thanh Nguyễn, với thành công vang dội của tác phẩm đầu tay Cảm Tình Viên (The Sympathizer) năm 2016, và gần đây nhất không thể không nhắc đến nhà văn trẻ với tác phẩm đầu tay viết bằng tiếng Anh đang làm mưa làm gió trên văn đàn quốc tế Nguyễn Phan Quế Mai với Những Ngọn Núi Ngân Vang (The Mountains Sing).
Tác phẩm đầu tay cũng đề tài chiến tranh Quân Khu Nam Đồng của Bình Ca (Tôi không biết đã được chuyển ngữ chưa?), nhưng trong bốn năm đã được tái bản mười lăm lần và nhận được nhiều lời khen ngợi. Ngoài ra, với dấu ấn "chiến tranh Việt Nam" không thể không kể đến nhà văn của Dế Mèn Phiêu Lưu Ký - Tô Hoài, với bộ ba tác phẩm Quê Nhà, Quê Người, Mười Năm và tác phẩm Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận.
Nói ngoài lề một tí... Năm nay, con trai tôi làm một bài luận tiếng Anh về bộ phim tài liệu trên Netflix, A Life on our Planet của David Attenborough, nên tôi may mắn được biết đến phim này. David Attenborough dành ra hơn sáu mươi năm cuộc đời để hoạt động vì môi trường, là nhân chứng sống chứng kiến nhiều điều tuyệt vời của thế giới phong phú, kỳ vĩ và quyến rũ cùng với sự thay đổi chóng mặt của đô thị hoá và sự can thiệp của con người, dẫn đến sự biến đổi khí hậu, cháy rừng, lũ lụt, thiên tai. Dân số gia tăng ảnh hưởng đến sự mất cân bằng sinh học và thảm hoạ sinh thái. Ở tuổi 94, sức nặng cảm xúc và trách nhiệm truyền đạt thông điệp đa dạng sinh học đến với loài người đè nặng lên đôi vai của ông. Thế giới cần có nhiều David Attenborough như thế để giúp cho sự tồn vong của nhân loại.
Những tác phẩm lớn và được biết đến rộng rãi phản ánh một phần quan trọng của lịch sử nước nhà dưới những cái nhìn khác nhau của người trong cuộc và ngoài cuộc. Cả trăm cả ngàn tác phẩm trong nước khác cũng được chuyền tay nhau qua các thế hệ.
Những nhân chứng của cuộc chiến lành lặn trở về mà ký ức vẫn luôn tươi rói, họ sống hết mình từng giây từng phút vì họ đã đứng giữa sự sống và cái chết. Những nhà văn nữ dệt lên những áng thơ văn đậm tình thắm ý: Trần Thị Thắng, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Vũ Thị Hồng, Phạm Hồ Thu... Báo Nhân Dân Cuối Tuần từng có bài viết về Những Thế Hệ Nhà Thơ Mang Áo Lính (Nguyễn Hữu Quý) qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, "vừa đánh giặc vừa làm thơ ghi lấy cuộc đời mình". Hay tác phẩm của những người đã sống và đi qua cuộc chiến Tây Nam: Mình và Họ (Nguyễn Bình Phương), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Mùa Chinh Chiến Ấy (Đoàn Tuấn), Mùa Xa Nhà (Nguyễn Thành Nhân), Rừng Khộp Mùa Thay Lá (Nguyễn Vũ Điền) mà theo nhà thơ Lê Minh Quốc "Những mùa không bao giờ quên và không được phép quên".
* Với dòng chảy lịch sử chiến tranh và văn chương suốt chiều dài đất nước như vậy, ngay trong lúc này đây, tôi muốn tri ân một tác giả đặc biệt, một người lính. Không phải cho bản thân mình, vì tôi cũng chỉ biết tác giả mới đây qua mạng internet, nhờ cầu nối của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Tôi xin khẳng định rằng, ông là một nhân vật luôn nhắc bạn đọc không được phép quên những trang văn viết về giai đoạn lịch sử đặc biệt này.
Tôi nói điều trên với tư cách là một người ít biết về ông nhất ở ngoài đời nhưng cũng là người có thể tạm gọi là đọc về ông khá nhiều qua internet. Và tôi đã mạn phép mày mò tổng hợp thông tin để lập một cuốn sách điện tử nho nhỏ, một trang web không chuyên nghiệp cho lắm, nhưng đủ để ghép các mảnh thông tin với nhau, tạo nên bức tranh khá hoàn chỉnh về một tác giả trong giới văn nghệ sĩ và trên văn đàn lý luận, phê bình Việt Nam: NGƯỜI LÍNH, NHÀ VĂN, NHÀ LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH NGÔ THẢO.
Cũng phải xin lỗi và nói thật, đây là lần đầu tiên tôi tạo một trang web; hy vọng với ý tưởng ban đầu như vậy, biết đâu nó sẽ được đóng góp ý kiến, và thậm chí được lập chuyên nghiệp hơn bởi một ai đó. Nhưng ít ra với một bạn đọc không chuyên là tôi, cũng cảm thấy mình hoàn thành một việc có ích.
Các bạn có thể truy cập ở đây: https://nvngothao.wixsite.com/llpb . Có ba phần: Trang Nhà, VIẾT (Tác Giả Viết, Viết Về Tác Giả, Bạn Bè, Gia Đình) và Thư Viện Ảnh. Trang web sẽ được cập nhật và sắp xếp trong giới hạn thời gian cho phép.
Vì sao tôi bắt tay vào làm trang web? Vì tôi mê thơ Đinh Thị Thu Vân, nhờ thơ Đinh Thị Thu Vân mà tôi biết ông và bắt đầu đọc ông. Vì ông là người gốc Vĩnh Linh, Quảng Trị mà tôi cũng gốc Quảng Trị. Và vì sau khi đọc một số bài kha khá về ông và tập sách mới ra nhất của Ngô Thảo: Bốn Nhà Văn, Nhà Số 4 (Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn). “Họ là bốn trụ cột trong lực lượng các nhà văn quân đội, những người đi trong đội hình nghiêm ngắn nhưng biết phá hàng rào, thỉnh thoảng ra khỏi hàng rào mà vẫn không lạc đội ngũ. Tôi cũng sẽ tiếp tục xuất bản cuốn Lặng Lẽ Đời Văn cũng vào năm nay về những nhà văn có đóng góp nhất định nhưng chưa được nhìn nhận đúng vị thế của họ như Văn Lê, Trang Thế Hy.” (Ngô Thảo).
Vì sao tôi chọn dịp này để giới thiệu trang web về Ngô Thảo? Vì ông là người lính suốt hai mươi năm. Ngô Thảo là một anh lính pháo binh bảo vệ bờ biển Thanh Hóa, tham gia chiến trường Bình Trị Thiên sau Mậu Thân 1968. Ông tham gia trực tiếp 13 trận đánh, làm trung đội trưởng trinh sát rồi làm Chính trị viên phó của đại đội.
Tham gia kháng chiến chống Mỹ ở mặt trận năm năm với ông là chưa đủ và cảm giác “mắc nợ” suốt cuộc đời. Điều quan trọng hơn nữa, văn học về người lính là mối quan tâm hàng đầu trong sự nghiệp phê bình văn học của Ngô Thảo: canh cánh, nặng lòng. Bạn có thể đọc luận án thạc sĩ của Lê Ngọc Hoa “Sự nghiệp phê bình văn học của Ngô Thảo” (do PGS.TS Lưu Khánh Thơ hướng dẫn), và "Phong cách phê bình văn học của Ngô Thảo" ở ĐH Huế của Hồ Thị Phượng để có một cái nhìn tròn đầy về nhà văn Ngô Thảo ở mảng này.
Từng theo dõi quá trình sáng tác và hoạt động nghệ thuật của nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà biên kịch Đoàn Tuấn và gần đây là nhà văn Ngô Thảo, tôi thấy ở họ có một điểm chung và cũng có lẽ là điểm chung của tất cả những người lính may mắn trở về từ những cuộc chiến: sống hết mình, tràn đầy nhựa sống, nhiệt huyết trong công việc sáng tạo, trong nghệ thuật, trong đối nhân xử thế, quý trọng từng giây từng phút để cống hiến, để cháy hết mình.
Nhà văn Ngô Thảo, “một nốt trầm xao xuyến”. Không hiểu sao khi đọc và tìm hiểu về ông tôi nghĩ đến Mùa Xuân Nho Nhỏ của Thanh Hải.
Ngô Thảo đúng là nhân vật trữ tình trong bài thơ ấy. Những người lính mang phẩm chất cách mạng sống có lý tưởng, có tinh thần trách nhiệm, luôn nghĩ đến người khác (mười sáu tập sách phê bình lý luận viết về sáng tác của những nhà văn nhà thơ khác nhau), thủy chung son sắt (Thư Chiến Trường). Họ hồn nhiên, trẻ trung, lạc quan, yêu đời, sáng tạo.
Ngô Thảo là một nốt nhạc trầm, không nổi tiếng trên văn đàn như những nhà văn, nhà thơ tôi đọc trên kia, nhưng ông thong thả viết sách, viết bài đăng báo, bài nào cũng có những ý kiến hay, sáng tạo mới, đề nghị hợp lý, ký tên ghi chú với những tiêu đề khác nhau tùy theo mục đích từng bài.
Ngoài 80 nhưng ông chưa bao giờ có ý định ngưng cầm bút, có vẻ như vẫn còn rất nhiều tác phẩm khác sẽ đến tay độc giả.
Nhà văn Ngô Thảo, “Một nốt trầm xao xuyến”. Ông có lẽ là nhà văn đặc biệt. Đố bạn có thể tìm ra một Ngô Thảo thứ hai?
Cần "gặp" các thi nhân, văn nhân và những người hoạt động nghệ thuật, giải trí, một trăm năm đổ lại, hoặc trước đó nữa, vào trang web nv Ngô Thảo bạn sẽ gặp họ đâu đó, ông đứng cạnh họ hoặc ông viết về họ, họ viết về ông.
Trong các cuộc gặp gỡ, tình cờ hay có hẹn, ông đều mang vẻ lặng lẽ, khiêm nhường. Khá nhiều bạn bè văn nghệ đã có bài viết về ông, lẻ tẻ, đây và đó, nhưng khi tập hợp lại mới vỡ lẻ, ông có mặt trên từng cây số. Ông lẳng lặng giúp người này, thăm người kia, mà toàn là cây đa cây đề trong làng văn nghệ. Tác phẩm của ông mang tính lịch sử cao, vì ông cũng là một nhân vật sống cùng với các tác giả nổi tiếng trên văn đàn.
Tôi tập hợp lại để giúp họ tri ân ông, và tự nhắc nhở tôi, nhắc nhở bạn sống vui sống khỏe và đừng để thời gian trôi qua một cách phung phí.
Nếu như David Attenborough là một nhân chứng sống cho sự thay đổi của hành tinh với 60 năm gắn liền với thiên nhiên thì nhà văn Ngô Thảo là một nốt trầm trong làng văn nghệ Việt Nam, mà thiếu nốt trầm ấy bản nhạc quê hương sẽ giảm đi giai điệu sâu lắng.
Võ Thị Như Mai (ThsGd, giáo viên tại Tây Úc)
Kommentare