top of page
nvngothao

Ngô Thảo - trở thành nhà phê bình “từ cuộc đời chiến sĩ”



(Toquoc)- Ngô Thảo không đi theo phương pháp phê bình của trường phái ấn tượng, theo thuyết duy chủ quan, cũng không đi theo phương pháp phê bình hình thức, theo thuyết duy tuyệt đối. Do đó những bài viết của anh không những đã tập trung cô đọng vào một điểm chính yếu mà còn có sự phong phú, đa dạng giữa các bài viết. Tự xếp mình vào trường phái “Phù suy”, nhiều năm Ngô Thảo đã đi tìm chân dung, tiểu sử các nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Trong Đời người đời văn (2000) Ngô Thảo đã viết về 24 nhà văn từ các nhà văn lớp trước đến các nhà văn lớp sau, hầu hết là những nhà văn gắn bó máu thịt với sự nghiệp vĩ đại đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và thống nhất toàn vẹn Tổ quốc.

Trong bài Nhớ về buổi ra đi của nhà văn Nguyên Hồng, Ngô Thảo viết:

“Kỷ niệm mà Nguyên Hồng để lại với phố phường Hà Nội mỗi lần con người nhỏ nhẹ đến độ tuổi 60 vẫn vượt hàng 80 cây số từ Nhã Nam về Hà Nội trên chiếc xe con vịt trẻ con Liên Xô (cũ) - gợi nhớ về con la của chú Xăngsô Păngsa - là bộ áo bà ba nâu thường đã sờn rách, cái bị cói rách quai vá víu không biết đựng những gì, nhưng cầm chắc là bi đông rượu. Và xong việc, bao giờ cũng la cà ra mấy quán ăn trong chợ Đồng Xuân. Bạn bè của ông là những bà già cổ lỗ, hay riết róng với bọn trẻ nhưng rất giỏi dò hỏi, chiều chuộng thói quen ăn uống trái khoáy của ông già. Ông giả lả vui cười với các bà như là rất tình tứ…”

Trong bài Nguyễn Bính- người chân đất đi vào tương lai, Ngô Thảo viết:

“… Hàng ngàn bài thơ của Nguyễn Bính, tìm vài bài toàn bích, chắc không khó. Nhưng công chúng yêu thơ, thuộc lòng thơ Nguyễn Bính là cả những bài chưa toàn bích, đầy phong vị dân gian mà vẫn có nét bác học; dễ dàng, có cả dễ dãi mà vẫn trau chuốt công phu; không giấu đói nghèo mà vẫn ra chiều phong lưu, hào hoa… Đó là một người nông dân đi vào làng thơ đương đại mà không phải thay đổi trang phục, không hoá trang, không đội lốt, không thay hình đổi dạng”.

Trong bài Chị đừng đi, Ngô Thảo đã nhận xét rất tinh tế về câu thơ Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi của Hoàng Cầm:

“… Nhà thơ không che giấu chuyện tình cảm đầu đời với một người con gái hơn tuổi. Nhưng sẽ không có sức đồng cảm rộng rãi khi thơ ông chỉ là chuyện đời thật như thế: Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi. Một sự việc cụ thể đã thành một hình tượng thơ ám ảnh đầy ma lực khi nó may mắn mang trong mình một sức hàm chứa sâu, rộng hơn chính sự kiện. Nếu trong đời nhà thơ có một lần gặp may thì chính là ở tình cảm ngang trái đầu đời này. Chị trong thơ Hoàng Cầm đứng được, thuận được còn bởi nó được đặt trên cái nền văn hoá Quan họ huyền diệu với quan hệ nam nữ được thiêng liêng hoá trong cặp đôi: Liền anh - Liền chị…

Tự xếp mình vào trường phái “Phù suy”, nhiều năm Ngô Thảo đã đi tìm chân dung, tiểu sử các nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Từ Trần Đăng - người văn nghệ binh thứ nhất đổ máu ở chiến trường, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Nguyễn Đình Lạp, Thúc Tề, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… Đặc biệt dành nhiều công sức nghiên cứu và giới thiệu nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi. Sau khi giúp nhà văn Nhị Ca hoàn thành tập Gương mặt còn lại: Nguyễn Thi (Nhị Ca bị ốm nặng khi chưa hoàn thành bản thảo), Ngô Thảo đã sưu tầm, biên soạn tập sổ tay ghi chép Năm tháng chưa xa (1988) và Toàn tập Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi (1996). Ngô Thảo đã nhận xét:

“Nhiều người thích khẳng định văn là người. Nhưng giữa tính cách con người Nguyễn Thi và những gì anh để lại có một khoảng cách khá rõ. Chính khoảng cách này làm nên tầm vóc đáng nể của nhà văn Nguyễn Thi.

Trong đời riêng, anh là một người cực đoan, yêu nên tốt, ghét nên xấu, lại hay mặc cảm tự ti, lòng oán hận lắm khi che lấp mất sự tỉnh táo và lòng vị tha cần thiết. Tận trong lòng anh là người cô độc và hơi bi quan. Cách nghĩ, cách nhìn đời của chàng trai tuổi hai mươi như còn chi phối cả cuộc đời người lính đã trưởng thành: “Đời tôi, từ lòng thương mẹ, trình độ học thức, ngày vui sướng, cuộc tình duyên, cho tới sự nghiệp cách mạng, và tương lai ngày mai về văn nghệ, tất cả đều toàn là lận đận và lỡ dở. Tôi biết và hiểu rõ lắm”. (Nhật ký ngày 30-12-1950). Đã đành nếu coi đây là lời tiên tri, thì người viết đã đúng. Nhưng nghe vẫn ngậm đắng nuốt cay thế nào! Tâm thế bi quan đó nhiều khi đã đầu độc cuộc đời anh, hơn thế nó còn loang vùng ảnh hưởng sang những người gần gũi…”.

Nhưng trong văn chương Nguyễn Thi có một khí chất khác hẳn: Chất lạc quan thấm đẫm trong mọi trang viết, kể cả trong ghi chép”.

Những bài Ngô Thảo tâm đắc nhất là những bài viết về các nhà văn quân đội. Trong cuốn Văn học về người lính (2000), về Nguyên Ngọc, nhà văn chiến sĩ, Ngô Thảo nhận xét:

“… Có một điều ngỡ như nghịch lý, những ai theo dõi bước đường sáng tác của Nguyên Ngọc đều nhận thấy một đặc điểm là nhà văn mà mỗi sáng tác đều được viết với một ý định chính trị rất cụ thể, mỗi tác phẩm đều muốn làm một vũ khí chiến đấu này lại là nhà văn rất chú trọng đến hình thức…”.

Ngòi bút Ngô Thảo đầy ưu ái khi nhắc đến những nhà văn đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trong bài Chu Cẩm Phong trên Mặt biển Mặt trận, Ngô Thảo viết:

“… Qua những bài viết đầu tay của Chu Cẩm Phong nếu tài năng là thứ còn phải tìm thì sự chân thực - cái yêu cầu đầu tiên trong văn học - của Phong lại là điều đã được bộc lộ khá rõ.

Nhưng Phong đã phải dừng lại ở nơi vừa mới bắt đầu, một chỗ bắt đầu đầy hứa hẹn.

Tháng 5-1971, trong một chuyến công tác vùng ven, Chu Cẩm Phong đã ngã xuống trong một trường hợp giống hệt nhân vật Lê Tấn (trong Gió lộng từ Cửa Đại) hai năm trước đó: cũng một hầm bí mật bị phát hiện, một lũ giặc hung bạo, tiếng gọi hàng, những quả lựu đạn ném trả, cũng khí phách của người chiến sĩ thà chết không hàng giặc…

Nhưng cái mà Chu Cẩm Phong, một người thanh niên giàu ước mơ và nhất là giàu năng lực hoạt động để lại không phải là chỉ trên trăm trang sách với dăm bá bài ký, truyện ngắn. Như bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh mà không kịp để lại trên đời bất cứ một thứ gì có dấu tích của riêng mình, cái di sản chung các anh để lại vô cùng lớn hơn: một cách xử thế, một quan niệm sống, một tinh thần xả thân vì Tổ quốc, một tình yêu lớn lao đối với quê hương… Trong cuộc sống của dân tộc, mãi mãi các anh góp vào một lời giải câu hỏi luôn luôn đặt ra với văn học và với từng con người: Nên sống như thế nào?”.

Anh còn chú ý đến những cây bút trẻ vụt hiện lên từ trong bóng tối của lề thói ngôi thứ trong làng văn.

Trong bài Chỉ đến cái chết của Phùng Khắc Bắc, Ngô Thảo viết:

“… Tôi tin chắc là nếu không có cái chết của tác giả thì còn lâu, nếu không nói là không bao giờ tập thơ của Phùng Khắc Bắc được ra đời. Bởi tập thơ gở quá, xui quá trong tâm thức bình thường của công chúng, của những người biên tập.

Khi còn sống, Phùng Khắc Bắc đi đó đi đây cũng nhiều, ba mươi năm mặc áo lính, xông pha trận mạc thật sự, mà ở đâu cũng lặng lẽ vật vờ như cái bóng không biết nói.

Đến mấy năm cuối đời, anh về cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, làm một chân công vụ, lo sổ sách Hội viên. Ít ai nghe Bắc tham gia đàm đạo văn chương.

Nào ai ngờ, tập Di cảo anh đã viết xong từ trước khi về cơ quan Hội.

Tôi không thể hình dung tâm trạng tác giả Một chấm xanh khi hàng ngày thấy anh vẫn lặng lẽ và nhẫn nhục hầu hạ các nhà văn lớn nhỏ hăm hở, hăng hái có, hung hăng có, mà hung hãn cũng có, trong các cuộc tranh luận văn chương và tác phảm dẫu được tung hô với tốc độ lớn cũng ít ai tìm đọc?...

Bây giờ, cái chết cướp anh đi, mấy bạn văn quân đội mới giúp khai sinh một tập thơ đọc gai lạnh cả người. Giữa hàng trăm tập thơ xôn xao, xáo động đang báo hiệu một thời thơ khởi sắc (!), Một chấm xanh nhỏ bé đọc xong cứ thấy ngậm ngùi, xót xa, cay đắng!

Có những nhà thơ nào nữa sau Xuân Thiều quyết định không in thơ mình vì đã đọc Một chấm xanh? Hẳn Phùng Khắc Bắc không bao giờ dám thế.

Nhưng kìa, tầm nhìn, tầm nghĩ, nỗi đau, niềm yêu của người lính trầm lặng này sao mà cứ cao vời vợi, sâu thăm thẳm, và thẳng thắn đến xấc xược trong tư thế cá nhân của mình”.

Sở dĩ Ngô Thảo viết thành công về tác phẩm của những người lính, vì trước khi đi vào văn học, bản thân anh cũng là một người lính, không những thế, một “Dũng sĩ quyết thắng”.

Trong bài Nhìn lại văn xuôi 1985, Ngô Thảo viết:

“… Nhắc đến văn xuôi 85 tôi còn muốn lưu ý tới một tác phẩm nhỏ: Tuổi thơ im lặng của Duy Khán. Tập sách ngỡ như in lạc Nhà xuất bản này (sách viết cho con) quả đã gây ấn tượng mạnh mẽ, bất ngờ cho nhiều người đọc. Làng quê Kinh Bắc buồn thảm xưa được nhà văn kể lại cho các con để nhớ về nguồn cội. Chuyện đơn giản, lời văn thật thà, giản dị mà đọc sao thấy thiết tha, đằm xót, thân thương đến nao lòng. Khả năng kể thật ngắn, hàm súc những chuyện bình thường mà gây sức liên tưởng mạnh mẽ, mới mẻ là nét đặc sắc của Duy Khán. Có những mẩu chuyện chắc chắn sẽ được đưa vào sách giáo khoa dạy làm văn, dạy văn học ở nhà trường.

Ngoài ra, giữa bao nhiêu tập sách đồ sộ, Tuổi thơ im lặng với sức liên tưởng nghệ thuật xa rộng của nó gợi nhắc chúng ta tới cách tăng sức tích điện cho những tác phẩm văn học hôm nay, trở lại suy nghĩ về tiềm lực của truyện ngắn, truyện vừa, một vấn đề vừa thuộc về yêu cầu chất lượng nghệ thuật, vừa thuộc về giá cả giấy mực và tính toán số trang in ấn hiện nay”.

Ngô Thảo đã có những ý kiến thẳng thắn và mạnh dạn về hiện tình văn học.

Trong bài Thử nhìn lại mức độ chân thực của các tác phẩm viết về chiến tranh và quân đội, Ngô Thảo đã có những ý kiến mạnh dạn và xác đáng về hiện tình văn học.

“Nhưng điểm cơ bản nhất là trong kết cấu, bố cục hầu hết các tiểu thuyết, các tác giả còn nghiêng về phía những người may mắn… Không thể chỉ ra trong các tác phẩm đó những điều không có thực. Hầu như mọi thứ đều có nguyên mẫu trong thực tế, kể cả những trường hợp kỳ ngộ, những mối tình lý tưởng nhất. Nhưng sau khi lắp ghép tất cả những chi tiết thật ấy vào trong một cuốn tiểu thuyết, khi để nó đối diện với thực tế, cảm giác chung, đó chưa phải là toàn bộ thực tế. Phần nào thường bị buột khỏi sự quan tâm thể hiện của nhà văn? Phần khó khăn, gay cấn, thua thiệt, “không như ý”. Ngạn ngữ Nga nói: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. Những tác phẩm một nửa sự thật như vậy, không thể nói là gây ấn tượng giả dối, nhưng cũng chưa phải là bộ mặt thật của chiến tranh như nó vốn có. Cảm giác không thoả mãn với một số tác phẩm cũng từ đó mà ra. Và đó cũng là lý do để một số sáng tác khác được đánh giá cao”.

Trong bài Trước cơn lũ của nghệ thuật không tải, Ngô Thảo viết:

“…Hơn đâu hết, trong văn học cần lòng nhân ái. Nhưng chúng ta biết, trong dư luận còn tồn tại một điều quan trọng: luật cân bằng của lòng nhân ái. Luật đó giúp cho tác phẩm được đánh giá đúng trong lòng công chúng. Mỗi sai lầm phải được phê phán, nhưng sự phê phán thái quá một tác phẩm, một tác giả đều khó được tác giả tiếp thu và khó làm được việc định hướng dư luận.

Văn học không chỉ gieo lòng nhân ái. Bản thân văn học còn nhờ lòng nhân ái mà tồn tại. Những giá trị thật được bảo tồn qua ngàn năm nhờ luật cân bằng của lòng nhân ái ấy…”.

Trong bài Nhìn lại văn học 1992, Ngô Thảo viết:

“… Đã đến lúc văn học nước ta phải được đo bằng những tiêu chuẩn chung của văn chương thế giới. Chúng ta quen đánh giá tác phẩm qua chủ đề, tư tưởng, dung lượng hiện thực, phạm vi bao quát, đề tài trung tâm… Chẳng có gì sai, nhưng bao nhiêu cuốn sách có tất cả những cái đó mà vẫn chưa ra một tác phẩm văn học. Trong khi, có bao tuyệt tác lại có một nội dung rất quen thuộc, phạm vi hiện thực rất hạn hẹp. Đối với văn học cũng như mọi thứ nghệ thuật hiện nay, điều gọi là đầu tiên hay cuối cùng cũng được nhưng thiếu nó không thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật, đó là hình thức thể hiện nghệ thuật mới, ngôn ngữ nghệ thuật mới…”

Trong bài Vẫn rất cần các nhà phê bình tham luận tại Hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ 2 (10-2006) Ngô Thảo viết:

“…Có được thực trạng văn học đáng mừng như hiện nay không thể không thấy vai trò mới, rất mới của các nhà phê bình văn học.

Những năm qua đã hoàn toàn vắng bóng các nhà phê bình học phiệt, phê bình quan chức, phê bình quyền lực.

Trước cánh rừng văn học trùng điệp mênh mông nhiều cây cao bị đốn hạ trong quá khứ vẫn tồn tại xanh tươi hôm nay, người làm phê bình có chút lương tri hẳn phải nhìn lại mình. Các bộ lịch sử văn học chắc chắn phải viết lại. Trả lại vị trí xứng đáng trong tiến trình văn học dân tộc cho các tác giả và tác phẩm. Danh sách các tác giả là nhà văn được đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước lần này là một dấu hiệu”.

20 năm làm việc ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Ngô Thảo đã có ba tập sách: Như cuộc đời (1995), Mấy vấn đề của Sân khấu trong cơ chế thị trường (2002) và Mây bay về núi (2007) chủ yếu vẫn là nhìn nhận các tác phẩm và hiện tượng sân khấu dưới con mắt một nhà phê bình văn học. Nổi bật nhất là đánh giá hiện tượng Lưu Quang Vũ một cách kịp thời và chuẩn xác.

Trong cuốn Bách khoa toàn thư New Catholic (1967) viết về Phê bình nghệ thuật: Lịch sử và phát triển nghệ thuật gắn liền với phê bình- đó là cặp nguyên lý song hành với nhau. Tuy vậy, việc lảng tránh một nền phê bình chỉ bao gồm tiểu sử tác giả, miêu tả và những loại hình thông tin thuần tuý chất thể (nguyên liệu đề tài) như một số người chủ trương là hết sức cần thiết. Bởi lẽ có thể đó là một nền phê bình có giá trị và mang tính thực tiễn lớn. Nhưng cái chúng ta cần nhất là một nền phê bình mở ra những câu hỏi hệ trọng… ở bất kỳ cấp độ nào, cái quan trọng mà nhà phê bình cần đạt được để đưa ra phán xét là anh ta phải nhận biết giá trị của một chức năng phê bình lớn hơn cái anh ta nhắm tới phê bình, chức năng đó gọi là lý giải (interpretive). Cho dù từ lý giải có thể bị các nhà phê bình khác thay thế bằng từ miêu tả (description) hay từ diễn giải (elucidation) thì hầu hết các nhà phê bình đều đồng ý với nhau về cái chính nhất của công việc phê bình là: miêu tả, giải thích và lý giải.

Ngô Thảo không đi theo phương pháp phê bình của trường phái ấn tượng, theo thuyết duy chủ quan, chỉ tin tưởng vào cảm quan phi lý tính của mình và xét đoán trông cậy vào sở thích cá nhân, cũng không đi theo phương pháp phê bình hình thức, theo thuyết duy tuyệt đối, chỉ quan tâm đến việc xem xét tương quan từng phần những thành tố khác nhau tạo nên tác phẩm trong cấu trúc toàn thể để đánh giá hình thức của sự quy tụ những giá trị mỹ học trong tác phẩm của mình. Lối phê bình của Ngô Thảo là phê bình bối cảnh (Contextual Criticism), theo thuyết duy khách quan tương đối, lý giải một tác phẩm nghệ thuật bằng cách xem xét từ điều kiện xuất thân đến điều kiện xã hội và những dữ kiện khác. Từ đó anh đã chấp nhận một cái nhìn đa chiều và điểm đó khiến anh được tự do lựa chọn phương pháp của mình. Cái anh lựa chọn sẽ đáp ứng bao quát hơn cả quy mô thể loại mà anh xem xét. Anh đã tìm được những điểm mốc chính yếu thuộc phẩm chất phê bình mà anh đem vào bài luận của mình. Đối với anh, phương pháp không thể thay đổi nổi sự cần mẫn của trí năng cũng như khả năng nhạy cảm của óc phán đoán- như về Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… anh đã áp dụng phương pháp phê bình chú ý sở thích dị biệt và trực giác, sau đó là sự chấp thuận của giác quan cái sẽ làm nền tảng cho lý trí xem xét cũng như phản tỉnh- ở đây sự phân biệt cũng có thể được miêu tả nhở sự đối ảnh giữa những cảm xúc tự phát trong sự trải nghiệm “sở thích” (taste hoặc got) với những phán đoán mang màu sắc trí năng và suy ngẫm hơn. Đến Hoàng Cầm anh lại áp dụng cái phương pháp phê bình tâm lý. Do đó những bài viết của anh không những đã tập trung cô đọng vào một điểm chính yếu mà còn có sự phong phú, đa dạng giữa các bài viết.

Hoài Anh

Nhà phê bình Ngô Thảo

Bút danh Song Nguyện, Vĩnh Hoàng

Sinh ngày 09-02-1941, quê Vĩnh Nam- Vĩnh Linh- Quảng Trị.

Có bài phê bình văn học đăng ở Tạp chí Văn nghệ năm 1961 khi học năm thứ nhất khoa Ngữ văn- Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1964 về công tác ở Viện Văn học. Từ tháng 2-1965 đến tháng 12-1985, anh gia nhập bộ đội, từ binh nhì lên thiếu tá. Năm 1968-1970, anh chiến đấu pháo binh ở chiến trường Trị Thiên: Trung đội trưởng trinh sát, Chính trị viên phó Đại đội, Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 368… Năm 1971, anh học ở Học viện Chính trị rồi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến tháng 12-1985. Từ tháng 01-1986, anh chuyển về Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở Tạp chí Sân khấu và Nhà xuất bản Sân khấu. Từ năm 1989 là Uỷ viên Ban Thư ký (khoá 3). Từ năm 1994-2004: Phó Tổng Thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu khoá 4 và 5; Đảng uỷ viên khối cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng; Uỷ viên Đảng đoàn Hội; Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá VII. Từ năm 2001, anh kiêm thêm Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu. Đã về hưu từ năm 2005.

4 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2 Post
bottom of page