top of page
nvngothao

NGÔ THẢO VÀ “DĨ VÃNG PHÍA TRƯỚC”

NTT – Trưa gặp nhau ở Nxb Hội Nhà Văn, Ngô Thảo hỏi đã tặng sách cho Tạo chưa nhỉ? Gớm, tặng rồi thì phải cám ơn chứ! Thế là Trung Trung Đình lấy trong “kho sách” phòng giám đốc ra một cuốn Dĩ vãng phía trước đưa cho Ngô Thảo ký tặng tôi. Nhà đầy sách không còn chỗ để mà nhận sách anh tặng, cứ xúc động mân mê mãi cuốn sách đang thơm mùi giấy mực.

Tôi quen Ngô Thảo 40 năm trước, hồi đó anh vào khu Bốn đưa tin, viết bài về Liên hoan Văn Nghệ. Tính anh xởi lởi, dễ thương người và mê bạn. Vì thế mà bạn bè anh đầy ắp. Bạn văn chương, bạn sân khấu, bạn phái đẹp, bạn lận đận… đủ cả. Căn nhà cuối hẻm 60 Hàng Bông của anh là nơi hội tụ bạn rượu, bạn văn. Anh là một chuyên gia về Nguyễn Thi (Còn cái lai quần cũng đánh) và nhiều nhà văn quân đội nổi tiếng. Nếu anh viết chuyện đời, chuyện văn thì đúng là bập vào một mạch nguồn vô tận…

Trung Trung Đỉnh hẹn sẽ gửi cho tôi bài viết về anh, nhưng giờ vẫn chưa thấy. Tôi cũng chưa kịp đọc cuốn sách anh tặng. Vậy đưa một số bài của bạn bè lên đây để… chúc mừng anh ra sách sau cơn thoát hiểm ung thư cải lão hoàn đồng…

1. Chuyện đời, chuyện văn một thuở

Thời nào, ở đâu con người cũng có những cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ và đáng quên. Nhưng khi qua rồi, cái tốt đẹp bao giờ cũng đáng nhớ. Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp là vì vậy. Chỉ có thể tìm lại cái đẹp khi gan góc đi qua cuộc chiến tranh một mất một còn này. Vì thế, tập ghi chép có tên: Dĩ vãng phía trước (Chuyện đời, chuyện văn một thuở). Ngô Thảo

Cuốn sách Dĩ vãng phía trước gần 500 trang của nhà phê bình, nhà văn Ngô Thảo về tư liệu chuyện đời, chuyện văn một thuở, ra mắt sáng 17/1/2012 tại Thư viện Hà Nội.

Ở thời điểm nhà nhà mải lo Tết, lễ ra mắt Dĩ vãng phía trước khá đông đủ bạn bè, đồng nghiệp của Ngô Thảo. Đặc biệt có sự hiện diện của người thân các nhà thơ, nhà văn Thâm Tâm, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao- những tên tuổi được nhắc trong cuốn sách.

Ngô Thảo (phải) và nhạc sĩ Phạm Duy tại lễ ra mắt “Dĩ vãng phía trước”. Ảnh: T.Toan.

Người nhà Nguyễn Tuân đáng ra cũng có mặt, nhưng đành lỗi hẹn do không nhích nổi trên đường. Nhà điêu khắc Lê Công Thành- người được nhắc đến trong Dĩ vãng phía trước– ở tuổi 80 cũng bước lên sân khấu đối thoại với Ngô Thảo.

Vì lẽ ấy, cuộc gặp gỡ trở nên thân tình và đúng chất văn nghệ sĩ. Nhà thơ Mai Linh mang chai rượu lên tận bàn các diễn giả để mời Ngô Thảo coi như quà mừng sách mới. Nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng chọn rượu làm quà. Những người có mặt tại Thư viện Hà Nội cảm nhận buổi gặp gỡ thân tình của nhiều thế hệ. Cao tuổi nhất, bất ngờ không kém là sự hiện diện của nhạc sỹ Phạm Duy- nhân chuyến ông ra Hà Nội làm MC cho chương trình Tuấn Ngọc.

Cuốn sách gồm 17 phần lớn, có tư liệu văn học được góp nhặt công phu, nhờ khoảng thời gian đáng quý Ngô Thảo làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội- nơi gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhà văn thế hệ kháng chiến. Đó là những cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc; một số bài giảng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu hay những ghi chép đáng quý tại Hội nghị nhà văn Đảng viên bàn về văn học (1979).


ADVERTISEMENT

REPORT THIS AD


Ngô Thảo bao giờ cũng có giọng điệu riêng, nói đến lí do ra đời cuốn sách, ông đùa: “Ngày này năm trước tôi phải mổ phanh bụng vì ung thư. Những ngày ra ngoài cuộc sống, tôi luôn nghĩ xem cách gì giết thì giờ”. Thế là ông làm công việc gom tư liệu, kể những chuyện đời, chuyện văn như một cách để nhìn lại quá khứ, suy xét đánh giá nhiều sự việc.

Như lời phi lộ tác giả in nguyên văn phần tư liệu quý, không chuyển thành hồi ký, để giữ tính xác thực của tư liệu. Chính ông đọc cho cử tọa nghe cuộc trò chuyện trong quán cà phê năm 1976 giữa những con người ăn nói sắc xảo: Nguyễn Khải-Nguyễn Hải-Lê Công Thành.

“Tôi gửi lời cảm ơn tới NXB Hội Nhà văn, Cty sách Phương Nam vì gan dạ, dũng cảm chịu in cuốn sách thiếu tính chất văn chương, xa lạ với sản phẩm thị trường. Tôi tự thấy ghi chép còn sơ sài, tư liệu tản mát, thô mộc. Nhưng điều an ủi là sau tất cả, bạn đọc có thể thấy có thế hệ như thế đi qua cõi đời này, những con người rất đẹp”, tác giả nói. Tuy nhiên, đó chỉ là lời khiêm tốn của Ngô Thảo.

Nhà văn Lê Minh Khuê, nữ nhà văn duy nhất được mời lên sân khấu, lại nói đọc gần xong cuốn sách thấy rất hấp dẫn, dù mới được tác giả tặng chiều qua. “Ấn tượng của tôi với cuốn sách rất mạnh, đó là những bài viết của Ngô Thảo về Nguyễn Khải, Vũ Cao… Những trang ghi chép lại chuyện đời thường, nói được tính cách của một người”.

TOAN TOAN

2. Ngô Thảo ra sách, kể chuyện bạn văn

Cuốn Dĩ vãng phía trước, NXB Hội Nhà văn ấn hành, dày 480 trang. Qua mỗi trang sách, độc giả bắt gặp chân dung của những bạn văn: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Thúc Tề, Nguyễn Đình Lạp, Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Dương Thị Xuân Quý…

Riêng với nhà văn Nguyễn Thi, tác giả Ngô Thảo phải mất đến 2 năm tìm kiếm tư liệu từ hơn 20 cuốn sổ tay Nguyễn Thi để lại, giúp bạn đọc có thể thấy hết được tầm vóc, tư tưởng của nhà văn liệt sĩ này.

Ngô Thảo tâm niệm, việc tập hợp những chân dung nhà văn chiến sĩ cũng chính là tập hợp một phần của lịch sử. Với ý thức trân trọng tuyệt đối tác phẩm, tư tưởng của từng nhà văn, ông viết về họ một cách nâng niu, như nâng niu chính quá khứ của mình.

Ngô Thảo sinh ngày 9/2/1941, quê quán tại xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hiện ông sống ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn đại học tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại viện Văn học. Một thời gian sau, ông nhập ngũ hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1971, Ngô Thảo về làm biên tập viên, trưởng ban Lý luận Phê bình tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1986 ông chuyển ra ngoài làm ở nhiều cơ quan khác nhau như tạp chí Sân khấu, Nhà xuất bản Sân khấu…

Ngô Thảo được biết đến trên văn đàn như một nhà lý luận phê bình điềm đạm. Ông là tác giả của 12 cuốn sách, bao gồm lý luận phê bình, biên soạn, ghi chép. Tuyển Tiểu luận Phê bình văn học của Ngô Thảo do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010 là những tổng kết về sự chiêm nghiệm của ông về nền văn học Việt Nam và những chân dung văn học không thể nào không kể đến.

Ông từng đoạt các giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995 với tác phẩm Như cuộc đời; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm Văn học về người lính.

THẤT SƠN

3. Nhà văn nói chuyện về “Dĩ vãng phía trước”

Đến tham dự buổi giao lưu có nhiều văn nghệ sĩ, bạn bè thân thiết với nhà văn Ngô Thảo như nhạc sĩ Hồng Đăng, Văn Dung, nhà điêu khắc Lê Công Thành, nhà thơ Mai Linh, Anh Ngọc, Hồng Thanh Quang, nhà văn Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, nhà phê bình Chu Văn Sơn, Văn Giá… cùng đại diện gia đình các nhà văn được nhắc đến trong cuốn sách.


Dĩ vãng phía trước là một cuốn sách tư liệu chuyện đời, chuyện văn một thuở. Trong thời gian 15 năm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1971-1985), nhà văn Ngô Thảo có cơ hội gặp gỡ, đọc một lượng sách không nhỏ ở thư viện, được làm việc, trò chuyện với nhiều nhà văn thế hệ kháng chiến cũng như được tiếp cận, cọ sát với cuộc sống của văn nghệ sĩ… tất cả những điều đó được Ngô Thảo ghi chép lại một cách trung thực và khách quan. Thế rồi trong những ngày điều trị bệnh, ý nghĩ một cuốn sách tư liệu về chuyện đời, chuyện văn đã được hình thành. Lần giở những ghi chép, Ngô Thảo đã hệ thống lại và hoàn thành được cuốn sách dày dặn gần 500 trang mang tên Dĩ vãng phía trước.

Tên của cuốn sách Dĩ vãng phía trước nghe rất mâu thuẫn và chắc chắn khiến nhiều người đặt câu hỏi. “Dĩ vãng” là những gì thuộc về quá khứ, thuộc về cái đã qua và không bao giờ trở lại, còn “phía trước” lại là những gì thuộc về tương lai. Lý giải về tên cuốn sách, nhà văn Ngô Thảo cho biết: “Thời nào, ở đâu con người cũng có những cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ và đáng quên. Nhưng khi qua rồi, cái tốt đẹp bao giờ cũng đáng nhớ. Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp là vì vậy. Đã từng ra mặt trận, chúng tôi có ý thức làm gì có cuộc sống tốt đẹp hoàn hảo sẵn bày, dâng cho những người trở về sau chiến tranh. Nhưng cũng không vì những gì đẹp đẽ đã có mà thoát lui chiến đấu, để một mình tìm về thế giới cũ. Chỉ có thể gặp lại cái đẹp khi cái gan góc đi qua cuộc chiến tranh một mất một còn này. Vì thế tập ghi chép có tên: Dĩ vãng phía trước”.

Đánh giá về cuốn sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh – Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Đây là cuốn sách có ích với nhà nghiên cứu. Những tư liệu mà Ngô Thảo mang đến cho bạn đọc không chỉ mang tính nghề nghiệp văn chương mà còn cả tấm lòng. Đó thực sự là những “tư liệu sống”, và chắc chắn Ngô Thảo còn nhiều tư liệu của văn học và sân khấu chưa công bố.

Còn nhà phê bình Chu Văn Sơn thì nhìn nhận cuốn sách là một sự “đánh động” vào giới phê bình. Bởi chúng ta còn quá ít những cuốn sách viết về sự thật, viết về những vụ việc văn học đã qua.

Nhà thơ Mai Linh đánh giá Dĩ vãng phía trước là một tư liệu xứng đáng khóc cho người dưới mộ. Không chỉ với cuốn sách này, ở nhiều cuốn đã xuất bản, Ngô Thảo đã hiện diện là một người làm tư liệu chăm chỉ, kỹ lưỡng, kín đáo và kính trọng. Con chữ đạo đức rất rõ ràng trong nhân cách Ngô Thảo. Ngô Thảo là một nhà phê bình văn học đúng nghĩa. Có thể coi những tư liệu ghi chép của Ngô Thảo là di sản văn hoá, di sản văn học đã và đang được tái hiện qua trang sách. Tư liệu ấy như những nén nhang cho người đã mất.

Nhà văn Đỗ Chu hào hứng đón nhận Dĩ vãng phía trước như thể được gặp lại những người bạn đã đi xa. Trong cuốn sách, những người bạn của mình vẫn đang sống, đang làm việc. Ngô Thảo là một ngòi bút đầy nội lực, những tác phẩm phê bình có trách nhiệm, chất lượng và đẳng cấp. Một lần nữa, nhà văn Đỗ Chu khẳng định Ngô Thảo còn lưu giữ nhiều tư liệu văn học quý giá nữa. Nếu như còn sức khoẻ, hi vọng Ngô Thảo sẽ viết tiếp.

Phát biểu cuối cùng trong buổi giao lưu, nhà văn Lê Minh Khuê đã đánh giá cuốn sách có sức hấp dẫn và ấn tượng. Có khi Ngô Thảo chỉ là kể lại những câu chuyện bình thường hàng ngày của nhà văn, nhưng từ đó lại hiện lên tính cách của từng người, nhất là những nhà văn nổi tiếng, chúng ta mới chỉ được tiếp cận qua tác phẩm.

Tại buổi giao lưu, nhà văn Ngô Thảo đã tặng lại tài liệu và thư của một số nhà văn đã mất (Thâm Tâm, Nguyễn Đình Lạp…) cho gia đình.

Giữ vị trí MC chương trình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đánh giá rất cao sự xuất hiện của cuốn sách. Bởi nó không chỉ cung cấp cho bạn đọc hiểu thêm về con người nhà văn mà còn hữu ích với văn học sử, với nghiên cứu văn học. Cuốn sách đã góp phần cho chúng ta phác hoạ, hiểu thêm về một giai đoạn văn học đã qua. Nhìn lại cái đã qua, cái thuộc về quá khứ để lần giở, để suy nghĩ để đối thoại với phía trước.


HIỀN NGUYỄN

4. chúng tôi từng một thời sống rất đẹp

Trở về Việt Nam sau đợt điều trị bệnh nặng ở Singapore, nhà văn Ngô Thảo vẫn làm việc miệt mài để giới thiệu với bạn đọc những tư liệu quý giá. Là nhân vật chính trong buổi giao lưu nhà văn mặc một bộ complet lịch lãm và kể về cuốn sách mới đầy hào hứng. Nhà văn Đỗ Chu nói: “Ngô Thảo sống mà không làm việc thì không phải là Ngô Thảo. Cuốn sách “Dĩ vãng phía trước” đánh dấu sự trở lại của anh sau cơn bạo bệnh, nội lực trong anh còn rất lớn”.

Nhà văn ngô Thảo kí tặng độc giả.

Đến dự buổi giao lưu có nhiều bạn bè của tác giả là những tên tuổi lớn trong giới văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, nhà điêu khắc Lê Công Thành…

Giải thích cho tên của cuốn sách, tác giả trích một đoạn của nhà văn Trần Dần: “Dĩ vãng vốn đã có, bây giờ không còn nữa. Cái không thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái không ấy”. Theo ông, cuốn sách này không phải một sáng tác văn học hay hồi ký mà là những đoạn tư liệu, những mẩu chuyện được cóp nhặt công phu.

Trong 15 năm làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Ngô Thảo có rất nhiều bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là những nhà văn thuộc thế hệ kháng chiến. Trang “Ngô Thảo – tư liệu chuyện đời, chuyện văn một thuở”, gồm 17 phần lớn là “Tôi đã gặp những con người tài năng quý báu một thời của đất nước, bây giờ tôi ghi chép lại về cuộc chiến đấu ở chiến trường của thế hệ trước ra sao, cuộc sống trong môi trường văn nghệ thế nào…”.

Thời gian để tập hợp tư liệu và hoàn thành cuốn sách đã ngốn mất của tác giả nửa thế kỷ đời người. Cuốn sách là những nguồn tư liệu quý mà trong đó chân dung của những nhà văn chiến sĩ tên tuổi như Thâm Tâm, Nguyễn Đình Lạp, Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Lê Lựu… được ghi chép chân thực.

Nhà văn nói: “Tôi có nhiều tư liệu về những con người ở thời mình đã sống, nhìn qua nhìn lại, nhiều người trong số họ đã không còn sống nữa. Tôi đã qua tuổi 70, muốn giữ lại những tư liệu quý trong thời mình. Khi dựng lại chân dung các nhà văn, tôi cố gắng đưa một chân dung trung thực, để cho những thế hệ sau này thấy được rằng chúng tôi đã từng một thời sống rất đẹp”.

Cuốn sách giống như lời tri ân của tác giả với những người đồng đội, đồng chí. Cuộc đời ngắn ngủi của họ đã đem lại cho cuộc sống những giá trị rất đẹp, tuy kể câu chuyện của ngày hôm qua nhưng những giá trị ẩn chứa trong đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến tận ngày nay.

NGUYỄN LAN HƯƠNG

Tác phẩm chính đã xuất bản của ông gồm có: Từ cuộc đời chiến sĩ (Tiểu luận phê bình, 1978), Nhà văn bàn về nghề văn (Biên soạn, sưu tầm 1980), Năm tháng chưa xa (Biên soạn, sưu tầm, 1985), Một tài năng, một đời người ( viết chung, 1995), Chiến trường sống và viết (Biên soạn, sưu tầm, 2 tập, 1995), Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập (Biên soạn, sưu tầm, 1996), Như cuộc đời (Tiểu luận, 1995), Đời văn – đời người (Tiểu luận phê bình, 2000), Văn học với cuộc sống – đời sống văn học (Tiểu luận phê bình, 2000), Mấy vấn đề của sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường (Tiểu luận phê bình, 2000), Văn học về người lính (Tiểu luận phê bình, 2002), Mây bay về núi (Tiểu luận phê bình, 2007), Thao thức với phần đời chiến trận (Tiểu luận phê bình, 2009), Tiểu luận phê bình văn học (Tiểu luận phê bình, 2010)

3 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentários


Post: Blog2 Post
bottom of page