Vi Thùy Linh
(TT&VH) - Đã lâu tôi mới thấy ở Việt Nam có tác phẩm tựa đề phải sững lại, gây chú ý. Dĩ vãng phía trước (NXB Hội Nhà văn, tháng 12/2011) - tập tư liệu chuyện đời, chuyện văn được nhà phê bình Ngô Thảo ghi chép từ 1969 đến 1983, là cuốn sách có giá trị văn học sử bởi tính trung thực của thông tin, phạm vi đề cập. Ở đó, nhiều nhà văn, nhà thơ tiếng tăm đã bộc lộ tính cách, phần đời sôi động của mình.
Dĩ vãng phía trước (DVPT) - cuốn sách thứ 14 của nhà phê bình Ngô Thảo, người tự nhận chưa bao giờ sáng tác, chỉ viết phê bình (PB), dày 477 trang, do Công ty TNHH sách Phương Nam ấn hành, là tập “tư liệu kép” độc đáo.
Vật chứng của phần đời thao thức
Phần đầu là các ghi chép khi Ngô Thảo làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, phần sau, ông dành 35 trang để in nhật ký Nguyễn Đình Lạp (1951 - 1952) do bà Bạch Liên, vợ nhà văn cung cấp năm 1963. Tiếp đến là những bức thư cuối cùng của nhà thơ Hoàng Lộc và nhất là bài giảng về phóng sự bằng mực xanh viết tay trên giấy dó của Thâm Tâm.
Tính chân xác quý báu của DVPT làm nên độ hấp dẫn của tác phẩm. Đây không phải hồi ký của người Thao thức với phần đời chiến trận (tên tập phê bình văn học, NXB QĐND, 2009), mà là quãng đời sống động Ngô Thảo luôn nâng niu luyến nhớ. Rời giảng đường đại học, ông vào chiến trường B4 Trị - Thiên, từ binh nhì tới “Dũng sĩ quyết thắng” (1970), chính trị viên phó đại đội, trước khi về tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm trưởng ban lý luận phê bình. Ngô Thảo khảng khái: “Khi già hoặc không sáng tác được, một số cây bút có xu hướng viết hồi ký, về thời đã qua để tự đề cao. Họ thường giấu hoặc không viết đến phần khuyết, dở của mình, hoặc có giọng giễu, phủ nhận những nhân vật quá khứ, chê người này kẻ khác. Đúng là những người nổi tiếng một thời đến giờ vẫn còn được nhắc, hay tên đã mờ đi, cũng có điều nọ điều kia. Nhưng tôi kính trọng họ và đánh giá bằng sự sòng phẳng, khách quan, đôn hậu”.
Nhà văn Ngô Thảo trao tài liệu cho con gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp trong buổi ra mắt Dĩ vãng phía trước. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Công bố các ghi chép trên dưới 40 năm nay, Ngô Thảo rất tự tin. Những cuốn sổ vẫn được cất giữ. Các nhân vật thì người chết nhiều hơn người sống. Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà điêu khắc Lê Công Thành, thân nhân các nhà văn đều đọc từ bản thảo và được tặng sách. Thật bất ngờ, không ai phản đối, ngượng ngùng, đề nghị cắt bớt hay bỏ phần này phần khác. “Những lời nói có thể bị quên, hoặc của thời điểm ấy, có thể sau này khi nhận ra sự ấu trĩ, lạc hậu, người ta không muốn nói thế nữa, quan điểm thay đổi. Vậy mà họ đều chấp nhận in sự thật. Tất cả không từ chối quá khứ”.
Tại cuộc ra mắt DVPT, trước nhiều đồng nghiệp trong đó có các nhân vật, nhân chứng, nhà văn Ngô Thảo đã thực hiện một nghi lễ cảm động: trao di cảo (vì có giai đoạn phụ trách thư viện, lo tư liệu cho số kỷ niệm 15 năm Văn nghệ Quân đội mà ông gìn giữ được). Tư liệu của Thâm Tâm trao lại cho TS Nguyễn Tuấn Khoa con trai thi sĩ, bài giảng Nguyễn Đình Lạp trở về với con gái ông - Nguyễn Ngọc Trâm và Nguyễn Thị Doanh vợ nhà văn Nguyễn Minh Châu đến nhận bút tích của chồng. Khách lớn tuổi nhất hôm ấy là nhạc sĩ Phạm Duy.
Điểm tiếp theo là khởi điểm
Ngô Thảo đã soạn bản thảo DVPT từ một phần gia tài ghi chép của ông, trong những ngày điều trị ung thư hành tá tràng tại Singapore. Suốt năm 2011, ông trải qua 6 lần hóa trị, đau đớn, rụng tóc và giữa những lần bay đi bay về, trên căn gác ngôi nhà 60 Hàng Bông, Hà Nội hay tại phòng bệnh đất khách (lần dài nhất phải nằm 2 tháng), ông đã biên soạn DVPT. Con người của lũy thép Vĩnh Linh đã can đảm với nghị lực phi thường: “Tôi không sợ chết. Tôi đã từng đối mặt cái chết, đã chứng kiến và mất bao đồng đội, nơi chiến trường. Thế hệ đã qua không phải sẽ bị quên. Thế hệ văn chương hôm nay cứ sống đi, cuộc sống sẽ cấp cho ta những hình mẫu đẹp. Đừng nóng ruột, các cây bút đương đại này sẽ sống ở phía trước”.
Ngô Thảo tâm đắc với ý của Trần Dần trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn: Dĩ vãng vốn đã có, bây giờ không còn nữa. Cái không thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng “sột soạt” giữa hai bờ vực, hai cái không ấy. Ghi nhật ký là làm cho khoảnh khắc giao thoa ấy trở thành có và nhờ thế nó tồn tại. Rời Thủ đô vào chiến trường, trung đội trưởng pháo binh Ngô Thảo có nhiệm vụ bám tàu chiến địch tại biển Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ở tầm xa 30km, họ phải thực hiện 70 phép tính /phút, phải đoán trước điểm tàu đến khi đạn rơi. Hướng tàu, vận tốc tàu còn phụ thuộc vào hướng và tốc độ gió, độ chênh chiều cao, nhiệt độ giữa trận địa và mục tiêu, tác động của khí tượng tới đường bay của viên đạn, vì thế “điểm tiếp theo là khởi điểm”, nghĩa là chuyển động của đạn phải đón được điểm tiếp của con tàu và ở ranh giới của sống - chết.
Người lính Ngô Thảo đã xông pha gan dạ, với quyết tâm được sống lại, sống tiếp những năm đẹp đẽ của dĩ vãng. Những gì của ngày xưa luôn đẹp, muốn có lại những tự do, đẹp thì phải quyết chiến, dấn thân vào mặt trận vì “dĩ vãng phía trước”.
Ngô Thảo, bằng DVPT, đã cho người đọc biết một phần chuyện “bếp núc”, hậu trường văn chương, sân khấu và ở sân khấu đời, ông đã sắm “nhiều vai” từ các vị trí, cho chúng ta thấy ánh sáng “thánh đường” và cả “sau cánh gà”. Ngô Thảo 71 tuổi, vẫn viết, vẫn làm cố vấn nghệ thuật cho công ty của các con gái - những người con làm thơ, viết truyện từ nhỏ và tạo nên thương hiệu khi kinh doanh nghệ thuật.
Ở phần kết bài viết về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, Ngô Thảo nhắc đến những đạo diễn, diễn viên, nhà thơ là bạn của hai người đã theo nhau lìa dương thế, với câu chót gai người: “Xem ra bây giờ hai thế giới, không biết nơi nào đông vui hơn?!”.
Viết như thế, là vẫn ham sống và Ngô Thảo đã sống đầy với “dĩ vãng phía trước” của mình.
Vi Thùy Linh
Comments