top of page
nvngothao

Nhà phê bình Ngô Thảo: Được yêu đến 51% đã là nhiều, đừng hi vọng tuyệt đối

TPO - Ngô Thảo là người cực kỳ bận bịu. Riêng việc tổ chức ăn/ chơi đã “ngốn” của nhà phê bình văn học có gương mặt giống huấn luyện viên Park Hang -seo khá nhiều thời gian. Nhiều người trong giới bình bầu, Ngô Thảo là nhà văn, nhà phê bình sung sướng nhất hiện nay, bởi việc khiến ông đau đầu mỗi ngày có khi chỉ là suy nghĩ, trưa ăn ở đâu, với nhóm văn nghệ nào.


Nhưng đừng nhầm. Ông mới khoe “đứa con” mới chào đời. Cuốn sách mới của Ngô Thảo có cái tên lành như con người ông: “Nghiêng trong bóng chiều”. Ông tiết lộ, trong năm nay sẽ còn ra thêm 2 cuốn nữa, để kỷ niệm tuổi 80. 3 cuốn sách ra trong năm có tổng số trang lên đến ngàn. Thế mới thấy, sức làm việc của nhà phê bình được tiếng chịu ăn, chịu chơi nhất, nhì làng Văn này không đùa được đâu.

“Nghiêng trong bóng chiều” là cuốn sách thứ bao nhiêu trong sự nghiệp văn chương của ông?

Ngô Thảo: Cuốn thứ 13, 14 gì đó. Tôi viết về chân dung và tiểu luận văn nghệ. Chân dung mấy ông bạn văn chương ấy mà.


Tại sao thấy ông suốt ngày rong chơi, trưa nào cũng tụ tập anh em văn nghệ mà vẫn có sách để khoe?

Ngô Thảo: Cuốn này mỏng thôi. Hơn 200 trang. Nhà xuất bản chỉ in cho khoảng 1/3 bản thảo thôi.

Bản thảo vẫn còn nghĩa là vẫn còn sách để khoe tiếp, thưa ông?

Ngô Thảo: Ờ, năm nay còn phải in cuốn “Bốn nhà văn nhà số 4”, hơn 500 trang. Cuốn “Lặng lẽ đời văn” khoảng 500 trang nữa. Cuốn “Bốn nhà văn nhà số 4” bên NXB Hội Nhà Văn làm. Cuốn “Lặng lẽ đời văn” NXB Văn học làm. Trong năm nay sẽ ra mắt, cũng là kỷ niệm tuổi 80 của tôi.

Ông kỷ niệm tuổi 80 rôm rả quá! Ông có thể giải thích tên cuốn sách “Nghiêng trong bóng chiều”?

Ngô Thảo: Ừ, thì 80 tuổi chẳng “chiều” còn gì?

“Nghiêng trong bóng chiều” giới thiệu chân dung của những người ông chơi, thân, quen, hình như không có gương mặt trẻ nào?


Ngô Thảo: Ờ. Mà hầu hết các nhân vật đã qua đời. Thí dụ như Nguyễn Thi, Văn Phác, Nguyễn Đình Lạp, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quí, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung… Đây là những chân dung tôi viết rả rích suốt thời gian dài. Ông là người thân với nhiều nhà văn, nhà thơ, như Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh… Nhà văn với nhà phê bình thường “kị” nhau. Còn ông lại kết giao anh em văn nghệ từ Bắc chí Nam. Bí quyết gì vậy?

Ngô Thảo: Cái này thì ai biết được (cười)

Hay tại ông không “đánh” ai bao giờ?

Ngô Thảo: Có chứ. “Đánh” gay gắt ấy chứ. Nhà phê bình tại sao lại không “đánh”? Nhưng là nhà phê bình thì trước hết là yêu văn chương đã, thành ra yêu những người làm ra tác phẩm ấy. Những người càng thiệt thòi thì tôi càng yêu mến, từ Phùng Quán, Hoàng Cầm… ngay cả những ông như Nguyễn Đình Lạp, Nguyên Hồng… toàn những cuộc đời thiệt thòi.


Ngô Thảo (người đứng sau Trịnh Công Sơn và diễn viên Phương Thanh) (Ảnh: FBNV)


Liệu khi viết về những người thiệt thòi ông có nâng họ lên một chút khi đánh giá văn chương của họ? Hỏi thẳng thắn, ông có bị cảm tính chi phối không?

Ngô Thảo: Tất nhiên. Nhưng tôi viết nặng về phần đời hơn phần văn. Vì tôi quan niệm trong hoàn cảnh, điều kiện của họ, họ làm được như thế là quá quí rồi. Tôi trân trọng và quan trọng đời văn, chứ không chỉ nâng niu, trân trọng tác phẩm của họ.

Những đời văn nào để lại ấn tượng sâu sắc với ông?

Ngô Thảo: Những người tôi viết đều để lại ấn tượng trong tôi cả. Như Nguyễn Đình Lạp trước cách mạng viết hiện thực. Khi theo cách mạng, ông bỏ được thói sinh hoạt bê bết. Cách mạng làm hồi sinh những lớp người như Nguyễn Đình Lạp. Ông trở thành một trong những nhà tổ chức đầu tiên lực lượng văn nghệ trong quân đội. Sau này lớp trẻ như Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân…trở thành anh hùng. Một người như Văn Phác, tổng biên tập đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng là một nhân vật đặc biệt, một người hiếm hoi lắm.


Ngô Thảo và tác giả Ngõ lỗ thủng, nhà văn Trung Trung Đỉnh (Ảnh: FBNV)

Ông theo rất sát nhân vật của mình. Nhưng tôi thắc mắc, ông lấy thời gian ở đâu? Ông biết rất nhiều cuộc đời văn nghệ sỹ một cách tỉ mẩn, thậm chí thân thiết cả với vợ, con người ta?

Ngô Thảo: Nghề của tôi là nghề làm tư liệu. Tôi xác định từ đầu. Tôi thấy trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh như thế, bản thân cuộc đời của tác giả quan trọng hơn, quí hơn những gì người ta làm ra được. Cuộc đời của họ cao hơn tác phẩm. Các nhà văn trong chiến tranh có một cuộc đời đẹp nhưng thiệt thòi. Không có một thế hệ nào hiền lành, tử tế, làm mọi việc một cách nghiêm túc như thế hệ các nhà văn thời chiến.

Ông viết vào lúc nào và viết như thế nào? Ngô Thảo: Tôi viết lâu lắm, chậm chạp lắm.

Chậm chạp mà một năm in cả ngàn trang sách?

Ngô Thảo: Còn là lười viết đó.

Nghề phê bình văn học mang lại cho ông niềm vui hay nỗi buồn nhiều hơn?

Ngô Thảo: Đối với tôi, đó là niềm vui. Nghề này giúp tôi biết được nhiều cuộc đời mà cuộc đời nào cũng trân trọng. Khi tôi viết về người ta cũng không phê phán nhiều.

Nếu có cuộc bình bầu, chắc ông sẽ đoạt giải nhà phê bình văn học được quí mến nhất trong làng văn Việt. Ông nghĩ sao?

Ngô Thảo: Tất nhiên cũng có nhiều người ghét tôi. Ở đời, người ta yêu, người ta ghét là bình thường. Được yêu đến 51% đã là nhiều, không hi vọng tuyệt đối đâu. Nhưng tôi chơi với nhà văn thì dễ hơn vì tôi yêu quí họ. Tôi có đối đầu thì chỉ đối đầu với các nhà phê bình, không đối đầu với các nhà văn.

Tại sao ông không có một cuốn sách về các cây viết trẻ đương đại, trong khi ngoài đời ông chơi với họ khá thân?

Ngô Thảo: Thôi, già rồi. Tôi chỉ viết về thế hệ của tôi thôi. Giờ làm sao theo được thế hệ trẻ. Tôi đâu có hiểu được họ. Mỗi thời viết văn mỗi khác.


ĐÀO NGUYÊN

6 views0 comments

Recent Posts

See All

Kommentare


Post: Blog2 Post
bottom of page