GiadinhNet - Nhắc đến Ngô Thảo, ai cũng biết ông là nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng. Ông cũng là nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu và là người sáng lập ra NXB Sân khấu. Thế nhưng, nhà văn này quan niệm những gì bố mẹ làm ra không dính dáng gì đến con cái.
Muốn thành đạt, các con đều phải tự lực cánh sinh, không ngừng nỗ lực để có sự nghiệp riêng. Nhờ triết lý “tề gia” cứng rắn ấy, những người con của ông sau này quả thực không được thừa hưởng bất cứ tài sản gì cả cha mẹ nhưng đều gặt hái được thành tựu lớn trên đường đời. Trong đó, chị Ngô Thị Bích Hiền (con gái lớn của ông – PV) từ lâu đã được biết đến là nhân vật đình đám của ngành điện ảnh Việt, với cương vị Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh của công ty BHD nổi tiếng với hàng loạt “bom tấn” điện ảnh ăn khách.
Một nửa sự thật không phải là sự thật
Tôi gặp nhà văn Ngô Thảo vào một chiều thu Hà Nội. Từ lần gặp gỡ đầu, khuôn mặt tròn phúc hậu, lối nói chuyện giản dị của ông đã khiến tôi có cảm giác thật gần gũi. Tuy đã ngoài 70, lại vừa trải qua đợt điều trị căn bệnh ung thư ác nghiệt nhưng nhà văn Ngô Thảo lúc nào cũng lạc quan. Suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần ông nhắc đi nhắc lại một cách hóm hỉnh: “Tôi mới bị cắt đi từng khúc ruột, thế mà vẫn ngồi đây được đấy”.
Nhà văn Ngô Thảo kể: “Tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, tôi xách ba lô lên và đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần. Tôi đi bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Từ một cậu binh nhì đến binh nhất rồi lên làm trung đội trưởng trinh sát, làm cán bộ chính trị”. Nhà văn chia sẻ thêm: “Không phải mình ham danh lợi gì, nhưng trong cuộc sống mình phải đặt ra mục tiêu để cố gắng và phấn đấu”. Nhìn lại sự thăng trầm của cuộc đời mình, ông thầm cảm ơn 20 năm quân ngũ đã giúp mình có được nhiều bài học quý, giúp mình rèn luyện ý chí kiên định và thói quen quan tâm đến mọi người xung quanh. Chính những phẩm chất ấy đã giúp ông thăng hoa trong nghiệp viết và cả công việc sau này, khi trở về với đời thường.
Nói về cơ duyên đến với nghiệp văn chương của mình, nhà văn Ngô Thảo cho hay: “Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ là nhà phê bình nghiên cứu văn học, sân khấu... mà chỉ mơ ước mình sẽ là người viết văn thuần túy”. Thế nhưng, cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Thảo đã thay đổi khi được điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1975 đến 1986. Có lẽ, đó cũng là cái duyên để Ngô Thảo làm phê bình, nghiên cứu, tư liệu văn chương suốt cả cuộc đời. Rời tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Tổng biên tập tạp chí Sân khấu và gắn bó cùng ngành sân khấu 20 năm trời. Về sau để tiện cho việc xuất bản những tác phẩm, những nghiên cứu của mình và bạn bè, ông lại đứng lên xúc tiến việc thành lập NXB Sân khấu.
Làm lý luận phê bình, Ngô Thảo luôn luôn có ý thức sưu tầm tư liệu, đặc biệt là làm tư liệu về một cá nhân nhà văn cụ thể. Đó là một công việc thiết thực giúp cho các thế hệ độc giả nhận diện chân dung văn học của từng thời kỳ. Công việc nhọc nhằn này giúp bộc lộ đức tính cần cù, tận tụy, vô tư một cách say mê như ông từng sống với bạn bè. Chính vì sự nhiệt huyết, bền bỉ và say mê với nghệ thuật văn học, sân khấu, ông thường xuyên được các đơn vị mời làm công tác tổ chức. Nhưng dù ở cương vị nào, ông luôn tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: Không thỏa hiệp trước những điều chướng tai gai mắt, sự giả dối, và chấp nhận trả giá chỉ để bảo vệ quan điểm của mình, bảo vệ chân lý mà ông cho là duy nhất đúng: “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì. Một nửa sự thật không còn là sự thật”.
“Các con tôi không được thừa hưởng một tài sản gì từ cha mẹ”
Nói về cách dạy con, nhà văn Ngô Thảo hóm hỉnh: “Trong mắt vợ tôi chỉ có một ông chồng thôi, nhưng với các con, tôi là hiện thân của ba người. Đối với Hiền thì tôi là binh nhì, đối với Hạnh thì bố là trung úy và đối với con trai út, tôi lại là đại úy. Tức là mỗi đứa có cách nhìn khác nhau về bố chúng và có chế độ sống khác nhau. Như đứa con đầu là Ngô Thị Bích Hiền, ngay khi mới 3 tuổi, lẫm chẫm bước đi đã theo mẹ vào tận tuyến lửa miền Trung, thăm cha là binh nhì đang huấn luyện, chuẩn bị ra chiến trường. Nhờ chuyến đi bão táp ấy, Hiền tự hình dung được nỗi vất vả của ba mẹ để từ đó vươn lên.
Đối với các con, tôi không định hướng phải làm gì mà để chúng tự đi học lấy cái mình thích rồi phải làm ra bằng nỗ lực của chính đôi tay. Muốn lập thân, các con tôi phải tự lực tạo ra của cải riêng cho mình chứ tôi không hỗ trợ gì. Trong gia đình tôi, các con cũng không dính dáng gì đến những gì ba mẹ làm. Vì nguyên tắc giáo dục ấy mà ngày xưa, chẳng ai biết các con tôi. Và ngược lại, mọi người cũng không biết tôi là cha chúng, bởi mấy đứa đều tự ý thức rằng dựa dẫm vào cái danh của cha là điều tối kị, là mầm mống dẫn đến thất bại”.
Theo quan điểm của nhà văn: “Thời bây giờ, sợ nhất là để con cái dựa dẫm vào cha mẹ. Các bậc sinh thành mở đường cho con đi, vừa hay vừa dở. Cái dở là: Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Tạo cho lớp trẻ không có tính tự lực và mất cơ hội cho những người có năng lực thật sự. Cái hay là: Con cái có được nền tảng vững chắc mà không phải lo nghĩ gì cho tương lai”.
Ngay cả nhà xuất bản Sân khấu, một sản nghiệp ông sáng lập, ông cũng không giao các con mà đào tạo và sau đó nhường quyền cho một học trò quản lý. Trò chuyện cùng người viết, ông bảo: “Nhiều người bên ngoài, kể cả anh em bạn bè cứ hỏi tôi mãi về quyết định họ nghĩ là khác thường đó. Nhưng chính các con tôi, với sự tự lập từ tấm bé lại hết lòng ủng hộ cha. Không bao giờ, chúng thắc mắc về chuyện tôi trao “đứa con tinh thần” của mình cho người ngoài. Bởi quan trọng nhất trong cuộc sống là tình yêu thương, không phải quyền lợi vật chất”.
Suy nghĩ ấy của các con khiến ông thực sự hài lòng. Cho đến giờ, điều ông tâm đắc không chỉ là cuộc sống thành đạt của họ mà hơn thế, các con ông đều học được từ cha đức tính chu đáo, công minh và biết sống vì người khác. Nhờ cách dạy con đặc biệt ấy của nhà văn Ngô Thảo, đến nay các con của ông không ai thừa hưởng lại những gì bố mẹ để lại nhưng đều rất thành công. Hai cô con gái là Ngô Thị Bích Hiền giữ vai trò Phó chủ tịch, kiêm giám đốc chi nhánh BHD TP. Hồ Chí Minh, Ngô Thị Bích Hạnh giữ vai trò giám đốc BHD Media. Chồng của Ngô Thị Bích Hạnh chính là doanh nhân Nguyễn Phan Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BHD. Chỉ có người con trai của nhà văn Ngô Thảo, anh Ngô Vĩnh Hoàng, không tham gia vào công ty gia đình mà rẽ ngang làm tư vấn cho một khu du lịch lớn.
Có thể nói, BHD hiện là công ty truyền thông tư nhân chuyên sản xuất phim vào hàng mạnh nhất hiện nay ở nước ta. Không ít người phong BHD là hàng “đại gai” trong ngành truyền thông (đặc biệt về sản xuất phim tư nhân), nhưng nhà văn Ngô Thảo vẫn khiêm nhường nói: “Chúng tôi chỉ là một gia đình chăm chỉ lao động thôi, các con làm cũng khổ lắm phải đi khắp các nơi để học hỏi và tạo mối quan hệ, không có thời giờ ngơi nghỉ”.
Hiên Trần
Comentarios