NDĐT – Mang cho chúng tôi xem một chồng sổ tay to nhỏ đủ cỡ và chi chít chữ đã ố màu, nhà văn Ngô Thảo nói: “Đấy, là Dĩ vãng phía trước đấy”. Cuốn sách vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho hạng mục phê bình, ông nói, thực ra chỉ là tư liệu thôi. Cả một đời viết, với hàng chục đầu sách, thì giải thưởng này cũng có thể coi như sự ghi nhận cần thiết…
- Xin chúc mừng ông, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho hạng mục phê bình, ông có suy nghĩ gì?
- Tuổi này mà còn thiết tha với giải thưởng thì cũng hơi tham. Giá mà họ tặng cho người trẻ thì hay hơn. Được tặng, cũng mừng, vì sự trân trọng dành cho một thế hệ. Đây không phải là cuốn về lý luận phê bình, mà chỉ là tư liệu thôi. Qua tư liệu này có thể đưa đến cho thế hệ sau một hình dung cụ thể hơn về những nhà văn thời trước mà tôi có may mắn tiếp xúc, làm việc cùng.
- Được biết, ông viết và hoàn thành cuốn sách trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo?
- Đúng thế. Tôi chính thức bắt đầu làm cuốn sách khi ở bệnh viện chữa ung thư ở Singapore. Việc phát hiện mình bị ung thư, rồi mổ phanh bụng, cũng đột xuất lắm. Vượt qua 70 tuổi, mình tự hào không phải nằm bệnh viện ngày nào, thế rồi đùng một cái, qua 71 là bị. Bình thường thì cũng không sợ chết đâu, hơn 70 tuổi rồi còn gì. Những ngày nằm Viện, chờ lành vết mổ, rồi đi về hóa trị, phải tìm một việc gì để làm.Cuốn sách này được hình thành từ việc gom lại những ghi chép trong sổ tay, thư từ và tư liệu trước sau năm 1975, khi tôi làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sống và làm việc bên cạnh các nhà văn nổi tiếng, khi đó đang ở thời đoạn sung sức. Ngày ở cơ quan tiếp xúc, trò chuyện, không có máy ghi âm, đêm về nhớ và ngồi ghi chép lại. Hy vọng những tư liệu này sẽ giúp bạn đọc hình dung về một thế hệ nhà văn. Nói thế thôi chứ việc xử lý tư liệu cũng khá vất vả.
- Vâng, nói đến Ngô Thảo, nhiều người thường khâm phục ông ở khối lượng tư liệu mà ông có. Hẳn ông phải có ý thức rất sớm cho việc ghi chép này?
- Đây là một chuyện hơi dài. Tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Tổng hợp tôi về công tác ở Viện Văn học được nửa năm thì nhập ngũ, tháng 2 -1965. Làm Binh nhì ở một đơn vị pháo binh, chiến đấu mấy năm ở chiến trường Trị Thiên, năm 1971 mới về Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sau năm 1975 mới được phong một cấp quân hàm với các bạn học sau ba bốn khóa nhập ngũ 1975. Người ta nói: Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ mà. Nói vậy là nói cho vui thôi, chứ thực ra là được. Khi tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bước đầu là làm tư liệu, nếu không có những năm cầm súng ngoài mặt trận ấy, mình chỉ là một anh học sinh yếu đuối cả tình cảm lẫn thể chất. Mấy năm cầm súng tạo cho mình một cái chất nào đó, có thể gọi là “chất lính”. Làm gì cũng nghiêm túc, cũng nghĩ đến người khác trước, cái chất lính ấy cũng giúp mình đứng vững trước những biến động xã hội. Hơn nữa, khi về Tạp chí, nhờ mấy năm cầm súng đấy, mà tôi có được cái nhìn khác của thế hệ nhà văn đi trước: họ nhìn tôi như nhìn một người đã trưởng thành, có thể tin cậy bộc bạch những suy nghĩ của họ. Vì thế, cũng không lấy làm lạ trong cuốn này có ghi lại cả những cuộc họp chi uỷ, kiểm điểm ông Hữu Mai, ông Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu v.v…
- Thời đó, thế hệ nhà văn đó, có lẽ đã có một không khí khác rất nhiều so với trước…
- Khác rồi. Khi đó văn chương cũng đã trải qua những thời kỳ quan trọng. Các nhà văn của chúng ta cũng “sống sót” qua nhiều giai đoạn, bài học của lớp trước họ cũng rút ra được cho mình. Phải nói rằng không khí văn chương ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội thời đó rất “đậm đặc”, các nhà văn họ cũng sống và cư xử với nhau ấm áp, dù rằng cuộc sống khó khăn nghèo đói. Giống như nhà văn Nguyễn Minh Châu nói , khi mới bước ra từ cuộc chiến, cảm giác chung là người nào cũng thấy bơ vơ, không ai lo được cho mình, mình không lo được cho ai. Cái mất mát lớn nhất không phải là vì nghèo đói, mà chính là tình đồng đội, đồng chí…
Nhưng tư liệu ghi trong này có thể là tâm lý, tâm trạng của một thế hệ. Tôi làm cuốn sách cũng chỉ với mục đích là để cho người sau hiểu được một thế hệ nhà văn đã sống và sáng tác như thế nào. Họ suy nghĩ như thế nào, sống như thế nào, từ ông Nguyễn Đình Thi, ông Tố Hữu, ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu,Vũ Cao, Nguyễn Duy…Đó là những người hiểu biết, tỉnh táo, không hề cuồng tín. Thế nhưng, ở gần thì mới biết, cái xấu cái tốt trong một con người lẫn lộn vào nhau không dễ gì nhận ra. Mình cố gắng lọc trong đó ra những chi tiết, để người sau hình dung phần nào… Bởi có những nhà văn mà tên tuổi của họ gắn liền tác phẩm, nhiều khi chỉ mới là cái nhìn một chiều, chưa chắc đã đúng. Nhiều người trong tác phẩm thì rất quyết liệt, gai góc, nhưng thực ra ngoài đời sống lại là người hồn hậu, ấm áp.
- Có lẽ, thế hệ ấy cũng đỡ cay đắng hơn?
- Đúng thế. Đây là một thế hệ tự tin hơn. Họ sống với nhau vừa thân mật vừa sòng phẳng, biết chê nhau và cũng biết tự chê mình. Cuộc đời, số phận của họ cũng đỡ long đong hơn. Không như thế trước với những Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Kim Trắc, rồi trước nữa, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm… họ có nhiều cay đắng hơn.
- Như ông vừa nói, cái xấu cái tốt trong một con người lẫn lộn vào nhau không dễ gì nhận ra. Trong rất nhiều tư liệu mà ông ghi chép, có chi tiết, thông tin nào mà ông “cân nhắc” và không công bố?
- Cái gì không cần thiết thì không công bố. Có nhiều chuyện không dám kể hết, kể ra chẳng vui vẻ gì thì thôi. Đại hội Nhà văn, chuyện bầu bán, chúc rượu… cũng có nhiều chi tiết không hay. Nhưng thôi, mình cũng chẳng nói làm gì. Có những thứ chỉ nói một phần. Cuộc đời làm gì có đáy sự thật, con người ta vui lúc này thì buồn lúc khác, hôm nay thấy ghét mai lại thấy không đến nỗi nào. Nói chung cuộc đời không đơn giản.
- Giá trị của tư liệu là sự thật, nhưng nếu bỏ lại những tư liệu không công bố thì có phải là sự thật chỉ đi được một nửa không?
- Nói cho cùng, không ai đi đến cùng sự thật được cả. Đây chỉ để hiểu con người với hình dung nào đó, chỉ có thể vẽ một chân dung theo góc độ nào đó thôi, làm sao mà đi đến được tận cùng sâu thẳm… Nhà văn nhiều người “đáo để” lắm. Như ông Nhị Ca, ông ấy như là “cố đạo tinh thần” của lớp nhà văn này, tiếng Pháp tiếng Anh đều biết, đọc nhiều, giỏi lắm, mình có ở gần cả đời cũng chỉ biết được phần nào thôi. Nhiều tư liệu liên quan đến các nhà văn, tôi phải đưa cho họ đọc lại sau khi viết xong. Như phần tư liệu về nhà văn Nguyên Ngọc chẳng hạn. Với những nhà văn đã “khuất núi” thì tôi cũng tâm niệm một điều rằng, mình không thể “bán” họ để lấy mấy chữ…Cuốn sách này chủ yếu dựng không khí của một thời, nó cũng chỉ có giá trị là tư liệu.
- Vâng, lưu trữ tư liệu có lẽ cũng là một hạn chế của chúng ta. Vì đâu mà ông có ý thức ghi chép, lưu giữ từ rất sớm và có được một khối lượng tư liệu dày dặn như vậy?
- Việt làm tư liệu đối với tôi rất quan trọng. Sự đánh giá từng tác phẩm từng nhà văn có thể thay đổi theo thời gian, nhưng phần tư liệu thì lại bất biến. Trong biến động của lý luận thì tôi chọn cách làm tư liệu. Tôi từng mất ba bốn năm để làm tập Năm tháng chưa xa - cuốn sách từ sổ tay ghi chép của Nguyễn Thi trong mấy năm chiến trường Nam Bộ.. Tôi cũng đã sưu tầm tư liệu để dựng lại chân dung nhiều nhà văn đã hy sinh trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, tác phẩm họ để lại không nhiều nhưng cuộc đời của họ là những hình mẫu thật đẹp.
- Chắc ông vẫn còn nhiều tư liệu chưa viết thành sách?
- Còn, tôi viết nhật ký nhiều lắm. Đến mức con gái tôi bảo, nếu bố mà là liệt sĩ thì nhật ký của bố cũng nổi tiếng như của Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Tôi có thói quen ghi chép, từ những năm chiến trường cho đến những năm sau này làm công tác. Nhiều tư liệu đọc lại thấy giá trị.
Nói rồi, ông giở cho chúng tôi xem, rất nhiều những trang viết trong các cuốn sổ đã úa màu, những bức thư của các nhà văn, Hoàng Lộc, Nguyễn Thi…Cẩn trọng và ân cần, ông ngồi xếp đặt lại những cuốn sổ ghi chép, những bức thư, những cuốn nhật ký, của mình và của các nhà văn thành một chồng. Kho tư liệu mà ông có, có lẽ cần nên có mặt ở một bảo tàng…
MINH NHẬT thực hiện
Comments