21/11/2016
Hẹn gặp nhà văn Ngô Thảo trong cái rét đầu đông của Hà Nội. Trên căn phòng làm việc ở tít tận tầng 11 của khu cao ốc trên phố Lý Thường Kiệt, con phố sang chảnh nhất nhì của Thủ đô Hà Nội, Ngô Thảo có một chốn nhỏ hòa mình trong thiên nhiên để tiếp bạn, và viết...
Với một nhà văn cả đời chỉ biết cầm bút chơi với chữ, ở tuổi thất thập cổ lai hy, khỏe mạnh, an vui, có một phòng văn ấm áp, tiện nghi, ngó ra ban công đã có thể chạm mắt vào hồ Hoàn Kiếm chỉ để đọc sách và ngẫm nghĩ về đời sống này thôi thì đó là thiên đường.
1. Có lẽ, nỗi sợ đáng kể nhất của những nhà văn, cả đời chỉ biết có chữ nghĩa thì lúc về hưu, rời cái góc nhỏ bề bộn nơi phòng làm việc của cơ quan mà mình đã gắn bó đến gần trọn cuộc đời, họ sẽ phiêu dạt về đâu trong bộn bề đời sống khi mà trong trái tim và khối óc của họ vẫn ngồn ngộn thứ để viết. Nhiều nhà văn đã chọn lối sống ẩn dật, trở về ngôi nhà nhỏ của mình và khép lại cái thế giới ồn ào sôi động bên ngoài để tĩnh lặng riêng mình. Đời sống của nhà văn vốn dĩ đã lặng lẽ, khi về hưu phần nào lại càng lặng lẽ hơn xưa.
Nhà văn Ngô Thảo thì ngược lại. Hơn chục năm nay, kể từ ngày nghỉ đời công nhân viên chức, đây mới là quãng thời gian thú vị với nhiều việc ý nghĩa mà ông tâm huyết chỉ chực có thời cơ là thực hiện. Ngô Thảo đi nhiều, tìm lại chiến trường xưa, tìm lại bạn bè đồng đội, tri ân với đồng đội, cả những người đang sống hay đã khuất. Ông làm tất cả những việc không của riêng ai, với bổn phận một người lính từ chiến trường trở về với món nợ lớn với đồng đội.
Với một trái tim giàu trắc ẩn, một tấm lòng thiện, Ngô Thảo đã đến với bạn bè đồng đội cũ, đã thăm hỏi, sẻ chia, in sách, tổ chức tiệc sinh nhật cho đồng đội các nhà văn còn sống. Ông có mặt ở các tang lễ nhà văn, với tư cách là người thân, là người đứng ra lo cho đồng đội bạn bè những giây phút cuối. Những việc Ngô Thảo làm vì đồng đội bạn bè nhiều lắm, đến nỗi nhắc đến Ngô Thảo, bạn văn chương một lòng yêu mến. Bạn bè, đồng đội, những ai đã là bạn của Ngô Thảo đều quý mến ông ở tấm lòng, ở cách chơi, cách đối nhân xử thế.
Cuộc đời nhà văn Ngô Thảo là cuộc đời của một người lính cầm bút, thoát bom đạn sinh tử từ chiến trường trở về sau thời bình với một tấm lòng nhiều trắc ẩn. Về với đời thường biết bao gian nan vất vả. Bao phen suýt chết, thoát chết cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Những tai nạn hi hữu, những lúc gặp bệnh tật nan y tưởng không thể qua khỏi.
Thế nhưng, ông lão Ngô Thảo sau tất cả những trận gió to sóng cả, vẫn vượt thoát ngoạn mục với nụ cười tủm tỉm an nhiên tự tại trên môi, trên gương mặt đôn hậu mà chúng tôi vẫn đùa ông là gương mặt của người có Phúc.
Gặp Ngô Thảo bây giờ, ai không biết ông, mới diện kiến lần đầu, cứ ngỡ ông là... Không phải là Ngô Thảo khác xưa, mà chính điều kiện sống, sự thành đạt về đường con cái đã bao phủ lên ông một vẻ đẹp tinh thần khác của một quý ông viên mãn. Ở tuổi 76, Ngô Thảo ăn mặc chỉn chu. Ngô Thảo xuất hiện ở đâu cũng mang dáng dấp quý ông, trong tay cũng sẵn cái ipad đời mới lướt web, chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc bạn bè lên facebook.
Ngô Thảo nhiều bạn, và thường xuyên đãi bạn. Có rượu ngon là phải mời bằng được bạn bè để thết đãi. Ở đâu có Ngô Thảo ở đó có hội hè vui vẻ… Ngô Thảo càng về hậu vận, càng tốt. Và cái hậu vận quý giá kia đủ cho nhà văn Ngô Thảo kiêu hãnh, và là niềm mơ ước có lẽ của với bất kỳ ai về già ấy là có của để dành. Của để dành ở đây chính là gia tài con cái.
Giá trị sống lớn nhất, ý nghĩa nhất, và mang lại nhiều hạnh phúc nhất cho mỗi người không chỉ có việc ta đã cống hiến được gì cho cuộc đời mà hậu duệ của ta, con cái của chính chúng ta đã thắp sáng được giấc mơ của cha mẹ chúng. Con cái thành đạt là niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh nổi.
2. Của để dành đáng tự hào nhất của nhà văn Ngô Thảo ấy là những đứa con. Những đứa con đã cống hiến cho đời những giá trị nho nhỏ về văn hóa. Và bạn bè ông, giới điện ảnh không ai là không biết thương hiệu công ty BHD của các con Ngô Thảo. Ra đời từ năm 1996, Công ty TNHH BHD là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh.
Hiện nay công ty mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim nhựa, phân phối phim nhựa cho hệ thống các rạp chiếu phim trên toàn quốc. Hẳn những ai yêu âm nhạc, hay theo dõi kênh truyền hình từ những năm đầu của thập kỷ 90 sẽ ấn tượng với chương trình "Những bài hát còn xanh" do biên tập viên Ngô Thị Bích Hiền - một gương mặt đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với khán giả truyền hình bởi sự tinh tế nhẹ nhàng của người dẫn chuyện. Chương trình tồn tại một thời gian rất dài, thu hút đông đảo khán giả yêu thích.
Sau này chương trình "Những bài hát còn xanh" kết thúc, chuyển sang chương trình mới là "Địa chỉ văn hóa" cũng rất ấn tượng. Cũng ít ai biết rằng, các con của nhà văn Ngô Thảo là một trong số ít những người đầu tiên mở đầu cho xã hội hóa truyền hình, sản xuất những chương trình hợp tác đầu tiên với Đài truyền hình.
Cũng ít ai biết, Công ty BHD tiền thân từ một cửa hàng bán đồ lưu niệm "Ba hạt dẻ" của hai cô con gái nhỏ Bích Hiền, Bích Hạnh, sau này là chủ nhân của tập đoàn BHD. Chính là các con gái con rể của nhà văn Ngô Thảo, đặc biệt là hai con gái Ngô Thị Bích Hiền và Ngô Thị Bích Hạnh, và con rể Nguyễn Phan Quang Bình là những người sáng lập ra công ty gia đình BHD và làm nên thương hiệu đình đám BHD trong nước cũng như quốc tế.
Nhà văn Ngô Thảo có ba người con, hai gái và một trai. Cả ba con của ông đều tự tìm ra công ăn việc làm cho mình. Nhưng khá nhất phải kể đến hai cô con gái. Nhắc đến hai cô con gái của mình, trong một ngày đầu đông, khi mà các con vừa tổ chức sự kiện đình đám kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của Công ty BHD và khai trương cụm rạp chiếu phim thứ 7 của Công ty BHD tại Vincom center số 2 Phạm Ngọc Thạch, tăng số lượng cụm rạp chiếu phim của BHD lên đến 7 địa điểm trong cả nước, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.
Các con - “của để dành” của nhà văn Ngô Thảo.
"Điều mà tôi yên tâm đối với các con của mình, không phải việc các cháu làm ra nhiều tiền, hay trở thành người nổi tiếng, hay làm ra được một thương hiệu có giá hàng triệu đô la. Mà ngay bây giờ, nếu các con tôi bán thương hiệu này đi, các cháu đã có đủ tiền để sống thoải mái đến hết đời mà không phải suy nghĩ. Nhưng các con tôi đã lựa chọn làm việc, và để kiếm đủ tiền hàng tháng chi trả cho khoảng hơn 500 nhân viên của tập đoàn BHD nghĩa là các con tôi đã chọn vất vả và kèm cả rủi ro.
Tôi hạnh phúc bởi các cháu luôn muốn cống hiến, và mong muốn làm ra được những tác phẩm văn hóa có ích cho xã hội. Các cháu đều là những người yêu lao động, chăm chỉ làm việc. Dù công việc thiên về kinh doanh, nhưng các cháu luôn lấy tiêu chí nhân văn lên hàng đầu, nó như là quan điểm kinh doanh, nền tảng văn hóa, truyền thống của gia đình xưa nay cha mẹ truyền lại cho và các cháu vẫn trân trọng gìn giữ. Các cháu đều là những người có trái tim nhân hậu, biết quan tâm tới người khác, biết lắng nghe và sẻ chia.
Để tồn tại được trong thế giới showbiz và xây dựng phát triển mạnh thương hiệu của mình là không đơn giản. Nếu chỉ đặt mục đích lợi nhuận lên trên hết thì mọi việc có thể sẽ dễ dàng hơn, nhưng quan trọng là chúng sẽ để lại gì cho cuộc đời. Các con tôi đặt mục đích cống hiến lên hàng đầu. Tôi đọc được tinh thần đó ở Hiền, Hạnh, Bình. Chúng có lý tưởng, và luôn phấn đấu với mong muốn cống hiến được những giá trị văn hóa lớn trong những tác phẩm điện ảnh, trong các chương trình nghệ thuật cho đời. Đó mới là điều tôi an tâm nhất ở các con".
Ngô Thảo mang cho tôi cuốn sách nhỏ của hai cô con gái Bích Hiền, Bích Hạnh những năm tháng đầu đời. Ông trân trọng lặng giở từng trang sách nhỏ. Nhìn người cha già trở nên run run chạm tay vào những ký ức, những kỷ niệm về các con của mình trên từng trang sách đã ố màu, trên từng trang văn, từng con chữ của các con mới thấy hết tình yêu, sự trân quý của ông đối với kho của để dành của mình.
Ngô Thảo cười, ông nói đời yên tâm nhất là có "kho của để dành". Trong gia tài văn chương, sự nghiệp ông coi mỏng nhẹ tựa gió đông kia, thì cái kho của để dành của nhà văn Ngô Thảo với ông mới là vô giá. Âu đó cũng là phước báu, là phúc phận của nhà văn Ngô Thảo để dành.
Bình Yên
コメント