Sách 'Thư chiến trường từ nhà văn Ngô Thảo': Riêng tư nhưng không phải chuyện riêng mình
(Thethaovanhoa.vn) - Những bức thư luôn được coi là cầu nối riêng tư giữa người gửi và người nhận, nhưng với nhà văn Ngô Thảo, thư từ thời chiến tranh là tâm sự chung của biết bao người lính, có những người ra đi không về.
Cuốn Thư chiến trường từ nhà văn Ngô Thảo được in song ngữ Việt – Anh, một phần là thư của nhà văn Ngô Thảo, một phần là thư của sĩ quan Mỹ Donald C.Lundquist, đều gửi về gia đình và người phụ nữ họ thương yêu.
Một người nhận thư, cả đơn vị cùng mừng
Nội dung những bức thư là tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình được các nhà văn – chiến sĩ gửi gắm đến người yêu nơi hậu phương. Thiếu tá, nhà văn Ngô Thảo nói với Thể thao & Văn hóa: “Đúng là riêng tư thì riêng tư thật, nhưng tôi nghĩ, đó đâu chỉ là chuyện của riêng mình. Biết bao đồng đội đã ra trận với những tâm sự như thế, bao nhiêu người đã không thể trở về”.
“Tôi không phải là người lính xuất sắc, có những chiến công lớn, chỉ là một trong muôn vàn người lính. Tôi may mắn hơn đồng đội là được trở về. Cuốn sách này không chỉ là quà của con cái tôi tặng bố mẹ, mà là món quà tôi dành tặng tất cả những ai đã ra trận trong chiến tranh”.
Có một điều khác biệt, bộ sưu tập của sĩ quan Mỹ khá đầy đủ, khoảng 300 bức thư, còn phía nhà văn Ngô Thảo chỉ có hơn 10 bức. Ông lý giải: “Thời chiến tranh, thư từ chiến trường gửi về 3 tháng, 6 tháng mới đến nơi. Điều kiện sưu tầm cũng khó khăn. Đó là điều ngoài ý muốn nhưng cuộc đời là như vậy”.
Nhà văn Ngô Thảo kể, thời chiến tranh, liên lạc giữa chiến trường và hậu phương gặp nhiều cách trở. Mỗi bức thư đến như một niềm động viên rất lớn. “Khi một người nhận được thư nhà, cả đơn vị đều vui một niềm vui chung. Không ai coi đó là chuyện riêng và rất biết ơn người đưa thư đã trải qua bao gian khổ”.
“Còn người lính Mỹ thì khác, mỗi ngày họ đều có thể viết thư gửi về gia đình. Ngoài ra, họ còn có thể gửi băng ghi âm. Phía Việt Nam mình ngày đó đâu có biết ghi âm là gì”.
Chắp cánh cho cuộc hội ngộ 2 gia đình Việt – Mỹ
Sĩ quan Mỹ Donald C.Lundquist, bố của nhà văn Jacqueline Lundquist, qua đời sớm. Trước đó, ông lại rời quê hương đến một đất nước xa lạ nên con gái ông không có nhiều thiện cảm với bố. Nhưng khi lớn lên, trở thành nhà văn, nhà báo, cô bắt đầu hiểu về cuộc đời của bố mình. Trong những ngày chuẩn bị sinh con đầu lòng, cô tìm lại những bức thư cũ của bố gửi về cho mẹ.
Khi người bố sang chiến trường Việt Nam, Jacqueline mới 3 tuổi. Sau này, khi đọc lại những bức thư, cô thực sự xúc động khi biết bố đã gửi về biết bao tình yêu, tình thương cho vợ con. Từ sự xúc động đó, cô đã đến Việt Nam, tìm lại những nơi bố cô từng chiến đấu – Chu Lai và Đà Nẵng. Năm 2013, cô gặp gỡ chị Ngô Thị Bích Hạnh, con gái nhà văn Ngô Thảo.
Sau cuộc gặp đó, cùng với 2 người con khác của nhà văn Ngô Thảo là Ngô Thị Bích Hiền và Ngô Vĩnh Hoàng, họ tập hợp thư của 2 người cha để in chung trong một tập sách.
Theo nhà văn Ngô Thảo, Donald C.Lundquist là một người lính chuyên nghiệp, coi binh nghiệp là một nghề để nuôi sống gia đình. Còn Việt Nam lúc đó là đất nước bị xâm lăng, cho nên đã là thanh niên Việt Nam thì phải cầm súng ra trận bảo vệ Tổ quốc. Nhưng, khi đọc lại những tâm sự của người lính Lundquist, ông nhận ra: “Họ cũng là những con người, có tình cảm gia đình... Khi đối đầu nhau trên chiến trường, chúng ta đâu có nhận ra điều đó”.
Vì có duyên gặp gỡ và in chung cuốn sách, giờ đây 2 gia đình Mỹ - Việt trở nên thân thiết. Cuộc gặp gỡ tuy muộn màng nhưng chẳng hề vô ích.
Đỗ Hùng - Mi Ly Thể thao & Văn hóa
Commenti