Tôi là Ngô Thảo, quê quán xã Vĩnh Nam- Vĩnh Linh- Quảng Trị, năm nay 79 tuổi. Bà Nội tôi là Bà Mẹ VN Anh hùng vì có 3 con trai là Liệt sĩ chống Pháp, 7 người con là Lão thành Cách Mạng, trong đó có cha tôi, là người cùng Ông nội tôi đã tham gia thành lập Chi Bộ Cộng sản đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh tháng 4-1930. Tốt nghiệp Đại học 1964, tháng 2-1965, tôi nhập ngũ với cấp bậc Binh Nhì. Đã có 5 năm tham gia trực tiếp chiến đấu trong đơn vị Pháo binh ở Chiến trường B4- Trị - Thiên. Chuyển ngành sau 20 năm tham gia Quân đội với cấp Thiếu tá. Năm nay đã có 52 tuổi Đảng.
Nhân dịp Thủ tướng muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân trước khi trình Quốc hội thông qua Luật về ba Đặc khu, với tư cách một Công dân có trách nhiệm, tôi xin gửi tới các vị một gợi ý về sự phát triển của Đất nước trong tương lai, tuy không nói trực tiếp đến Luật có nên thông qua hay không, nhưng nếu thực hiện được, sẽ giúp cởi bỏ những bất đồng đang rất khó hòa giải hiện nay.
Nhân dân, ai cũng thấy, từ khi Chính phủ mới điều hành đất nước,, trong hoàn cảnh phải khắc phục rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội do Chính phủ tiền nhiệm để lại, với định hướng Liêm khiết và Kiến tạo, Chính phủ mới đã làm được nhiều việc để ổn định tình hình và đưa đất nước phát triển.
Tuy vậy , nợ công đang ngấp nghé vượt trần, và quan trọng là khả năng thanh toán đang ngày càng khó được như hứa hẹn.Bộ máy hành chính có được cấu trúc lại và giảm nhiều đầu mối để giảm biên chế. Việc chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhưng cả bộ máy, lương cả những vị trí cao nhất cũng không vượt qua 15 triệu/tháng , nhưng cuộc sống và sử dụng những tiện nghi và phương tiện sang trọng , cao cấp, thì ai cũng biết ,họ không sống bằng đồng lương. Trong tình hình kinh tế Thế giới đang bị cuốn vào cuộc chiến mới, một nước mà sự phát triển chủ yếu nhờ vào vốn vay của nước ngoài như nước ta chắc sẽ chịu nhiều, rất nhiều ảnh hưởng không thuận lợi.
Trong nhiều nguyên nhân, tôi thấy có một bài toán về Cơ cấu – Tổ chức còn chưa được tính đến. Ở bên cạnh nước làng giềng vĩ đại là Trung Quốc, lại cùng một thể chế là XHCN, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mà Nhà nước Trung Quốc rất giàu. Dự trữ ngoại tệ của họ đến nước Mỹ cũng phải thua. Doanh nhân của họ thừa tiền đi đầu tư khắp thế giới. Tất nhiên, có nhân tố ở sự Lãnh đạo, và Tài trí trác tuyệt của một bộ phận người dân. Nhưng có một bài toán tổ chức sơ đẳng, chắc trong Chính phủ, ai cũng biết mà không muốn nói ra. Đó là với diện tích hơn 9,5 triệu km2 – gấp hơn 30 lần nước ta; Dân số hơn 1,4 tỉ- gấp xấp xỉ 15 lần dân ta, mà nước Cộng hòa ND Trung Hoa chỉ có 33 đơn vị cấp Tỉnh ( Đúng ra có 23 tỉnh, 5 Khu Tự trị, 5 thành phố trực thuộc). Quân đội- Công an của họ đông hơn ta nhiều lần ,mà Bộ trưởng chỉ đến cấp Thượng tướng. Trong khi nước ta có diện tích và dân số xấp xỉ một tỉnh của họ mà chia ra số đơn vị Hành chính cấp tỉnh là 64, gần gấp đôi của họ. Một bài toán tiểu học :30 + 15 * 2=90. Trong lúc chúng ta quan tâm trình độ tay nghề và năng suất của người lao động VN, thì năng suất Cán bộ cấp tỉnh VN bằng 1/90 cán bộ của Trung Quốc. Đã vậy, nước ta có đến 11 triệu người hưởng lương trên hơn 90 triệu dân,có nghĩa chưa đến 10 người dân mọi lứa tuổi đã phải đóng thuế nuôi một cán bộ, trong khi nhiều nước tỉ lệ đó là 1/90- 1/180. Cứ với cấu trúc Nhà nước như hiện nay, thì không có thời gian cho hy vọng đuổi kịp bất cứ một quốc gia nào về kinh tế. Chưa kể , đặc điểm nước ta là để bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bên trên các cấp chính quyền luôn có bộ máy của Đảng.
Ai cũng biết, bộ máy hành chính của một quốc gia là để tổ chức, điều hành hoạt động kinh tế, văn hóa , xã hội cho đất nước phát triển thông qua sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Chính lợi tức này và thuế mới là nguồn để Chính phủ giải quyết an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, và nguồn chính để trả lương cho bộ máy hành chính phục vụ. Vì thế, ở các nước phát triển, tỉ lệ sinh viên ra trường xin vào cơ quan Nhà nước có tỉ lệ rất thấp. Nhiều nước, chỉ 5-10%, thì ở VN và cả Trung Quốc, con số đó những năm trước là 90%. Không mấy nước, coi bộ máy chính quyền là nơi giải quyết công ăn việc làm như nước ta. Có một nguyên nhân chính, là những năm sau đổi mới, nước ta phát triển bỏ qua giai đoạn tự lực cánh sinh, mà nhờ vào đầu tư của Tư bản nước ngoài, và phần chính là vay vốn của nhiều nước tư bản phát triển. Ai được vào guồng máy hành chính, thì lương chỉ là một khoản thu nhập tượng trưng. Một phần rất lớn cán bộ Nhà nước có đời sống khá giả, thậm chí giàu có là những thu nhập chính đáng và cả bất chính dựa vào các chính sách, dự án, phần trăm trong các công trình xây dựng. Cuộc chiến chống tư bản thân hữu do sự cấu kết giữa quan chức Nhà nước các cấp, các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, thậm chí bắt tay với xã hội đen để làm giàu bằng mua quan, bán chức, hối lộ, ăn cướp trên các dự án và cả chính sách đã và đang được Đảng và Nhà nước Trung Quốc đưa ra xét xử.Nhiều quan chức cao cấp trong Đảng, Chính quyền, và cả Công an, Quân đội, đã bị kết án nghiêm khắc. Ở nước ta, công cuộc chống tham những bước đầu đã gây được niềm tin cho nhân dân. Dự án Luật về các Đặc khu mà Chính phu sắp trình Quốc hội với mục đích tạo những dơn vị Hành chính- Kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm để hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị. Nhưng , để dất nước phát triển, chúng tôi nghĩ đã đến lúc nên đặt lại bài toán cơ bản là QUY HOẠCH LẠI CÁC ĐƠN VỊ CẤP TỈNH THÀNH TRONG CẢ NƯỚC. Đây không phải là một việc gì mới mẻ.
Dưới thời Vua Minh Mạng ( 1791-1841) của Nhà Nguyễn(Trị vì 1820-1840), nước ta được coi là cường thịnh và rộng lớn, toán quốc được chia làm 31 tỉnh. Ngay từ thời đó, Nhà Vua đã hết sức quan tâm đến chiến lược biển, hàng năm cử các đội binh ra đo đạc,vẽ bản đồ và đánh dấu các đảo nổi và đảo chìm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Tất nhiên, dạo đó, dân số VN chưa đông. Nhưng về địa lý, chia ra 31 đơn vị cấp tỉnh là có cơ sở vững chác về nhiều phương diện. Sau Cách mạng tháng 8-1945, rồi chiến tranh ,đất nước chia hai miền, để tiện việc tổ chức chiến đấu, ở miền Bắc cũng như Miền Nam, nhiều tỉnh đã phải chia ra các đơn vị nhỏ hơn, Sau 1975, đã có một dạo nhập hai ba tỉnh , nhưng rồi trước sức ép của tính cục bộ, địa phương, lại vào thời kinh tế bị bao vây, mọi quy mô nhỏ lẻ được ưu tiên, nên lại trả về các đơn vị hành chính cũ. Những năm qua, lại có sự sát nhập, chia tách, đến nay vẫn còn 64 đơn vị cấp tỉnh thành, rõ ràng là quá nhiều.
Hơn 40 năm đất nước được độc lập, thống nhất, ngày nay bộ mặt đất nước đã có những thay đổi rất cơ bản:
1/ Hệ thống đường giao thông cả nước đã và đang được xây dựng và kết nối tương đối hoàn chĩnh
2/ Việc liên lạc từ Trung ương, đến các tỉnh thành, và cả tới các làng bản xa xôi được kết nối thông suốt . Một Chính phủ điện tử dang dần hoàn thiện.
3/ Nếu ngày xưa, trình độ mọi mặt của cán bộ các cấp rất thấp, thì sau gần nữa thế kỷ quy hoạch, nay trình độ cán bộ xã đã là Cử nhân, cấp tỉnh, thậm chí huyện cũng đã có bằng tiến sĩ’
4/ Dân trí nước nhà đã được nâng cao rât nhiều. Từ một quốc gia 90% dân số mù chữ, nay chắc tỉ lệ dó đã đảo ngược.
5/ Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhu cầu công nghiệp hóa ở quy mô lớn. Cuộc cách mạng 4.0 đang bắt đầu.
Là những cơ sở để vạch lại địa giới các tỉnh cho phù hợp với sự phát triền của thời đại mới. Trung Quốc có nhiều tỉnh đến 100 triệu dân. Mình bằng một tỉnh của họ mà chia đến 64 đơn vị cấp tỉnh thì có vẻ xúc phạm lòng tự hào dân tộc của ta quá. Lẽ nào, trình độ và năng lực cũng như năng suất làm việc của cán bộ, viên chức nươc ta lại khiêm tốn quá như thế?
Hiện nay , nước ta, trong thực tế, hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh , mỗi nơi đã xấp xỉ 10 triệu dân. Còn hơn 70 triệu, của 62 đơn vị tỉnh thành còn lại rất cần cân nhắc để sắp xếp lại sao cho phù hợp. Tình trạng manh mún của các khu công nghiệp, rồi cảng biển, sân bay, đến nhà máy bia tỉnh nào cũng phải có,gần 70 Đài Phát thanh- Truyền hình phát liên tục 24/24 mà không biết có bao nhiêu người xem; kinh doanh mà quanh năm phải bù lỗ ,thì làm sao tồn tại mãi được. Sắp xếp lại, dân số mỗi tỉnh khoảng 5 triệu. Nơi khó khăn địa hình, đường sá cũng không để dưới 3 triệu. Làm sao còn khoảng trên dưới 20 đơn vị tỉnh thành là nhiều. Lúc bấy giờ cán bộ quan chức dôi ra , Chính phủ tha hồ chọn người có năng lực thực sự, tránh cảnh 30% chỉ là người ăn bám. Rất nhiều đất đai, diện tích công sở sẽ là nguồn vốn lớn cho các địa phương tạo nguồn lực mới. Nhiều năm qua, trong quá trình phát triển công nghiệp, từ thủy điện ở miền núi, các khu công nghiệp ở đồng bằng, mở cửa cho các doanh nghiệp tư bản nước ngoài, có nước đưa hàng vạn công nhân vào trực tiếp sản xuất,chúng ta coi như đã hoàn thành việc xóa sạch các cái nôi văn hóa bản địa: Đưa đồng bào các dân tộc thiểu số ra khỏi rừng,đô thị hoá nhiều vùng nông thôn khắp bắc trung nam . Mấy di tích và Di sản văn hóa phi vật thể được Unessco công nhận đều ở tình trạng hấp hối, phải hồi sức cấp cứu.Mặt tích cực chính là không nơi đâu có thể lấy bản sắc văn hóa lịch sử vùng miền để không chịu sát nhập trong đội hình mới. Có những việc trước đây làm không thành, do chưa phù hợp , nhưng nay lại cần thiết vì cần cho sự phát triển. Đến lúc đó sẽ phát sinh rất nhiều cái lợi khác:Khi chỉ còn khoảng 20 đơn vị cấp tỉnh, thì công việc của Chính phủ, của các Bộ giảm bớt các đầu mối, nên không cần quá nhiều biên chế. Quốc Hội cúng không cần đến con số 500 người. Những người còn lại sẽ hoạt động thực chất hơn. Ở dưới, cấp huyện, cấp xã cũng theo đó mà quy hoạch lại cho hợp lý.Khi cả nước chỉ còn dưới 20 đơn vị cấp tỉnh ,thì BCH Trung Ương Đảng, cũng như các Tổ chức Đoàn thể không cần đến con số 100.
Tất nhiên, nhiều nơi sẽ viện lý do tốn kém, cán bộ dôi dư, và vv. Nhưng đó là những chi phí một lần cho tất cả, còn ít hơn rất nhiều việc nuôi dai dẳng một bộ máy hành chính cồng kềnh, manh mún chỉ thích hợp với một thời ký chưa phát triển.Trước một sự sắp xếp lại bộ máy Hành chính quy mô toàn quốc, giảm một số lượng lớn viên chức quen sống bằng lương và bỗng, sức phản ứng chắc chắn là rất lớn. Nhưng đây là việc dù sớm muộn, nhất thiết phải làm. Một khi đã đặt quyền lợi Quốc gia lên trên hết, thì tốt nhất, là thế hệ Lãnh đạo hôm nay nên nhận lãnh lấy trách nhiệm Lịch sử vẻ vang này. Lập một Ban nghiên cứu, khảo sát lại toàn diện địa lý, lịch sử, dân số, khả năng phát triển các vùng miền, chú ý hiện tình và cả diễn biến về biến đổi khí hậu trong tương lai của các vùng miến từ Việt Bắc, Tây Bắc, Đồng Bằng Bác Bộ, các khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ, chú ý đúng mức đến Biển Đảo, và các khu vực Biên giới và căn cứ Quốc phòng. Dự kiến và công khai các dự án sắp xếp để lấy ý kiến người dân từng vùng miền. Đây cũng là cách để tránh nguy cơ, một khi kinh tế phát triển không đồng đều, sẽ nảy sinh những đòi hỏi ly khai, mà một số quốc gia , bất kể lớn bé đang gặp phải.
Một khi , Chính phủ đã có một lộ trình cụ thể cho việc quy hoạch lại đơn vị Hành chính quy mô toàn quốc, thì việc Luật đặc khu sẽ không còn là vấn đề phải tranh cãi nữa. Quá trình này khi đã có quy hoạch sẽ diễn ra trong vòng 10-15 năm, hy vọng đến 2030, kỷ niệm 100 ra đời của Đảng, việc sắp đặt lại giang sơn này sẽ là dấu son được ghi vào Lịch sử phát triển của Đất nước.
Rất mong ý kiến của tôi sẽ được lưu ý, đưa ra cùng thảo luận để tìm đáp số đúng cho mô hình đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Kính chúc các vị luôn khỏe mạnh, sáng suốt để hoàn thành sứ mệnh cao cả mà nhân dân đang tin tưởng.
TP Hồ Chí Minh 15-7-2018
Ngô Thảo
Email: nvngothao@gmail.com
Comentarios